BVR&MT – Huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) thực hiện việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Đông Hải do Tập đoàn Hương Sen làm chủ đầu tư để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lại khiến cho người dân nơi đây không khỏi lo lắng về tương lai. Mọi chuyện xuất phát từ câu chuyện tranh cãi có phải giá đền bù 37 triệu/sào?
Trong những năm gần đây, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được quan tâm đến phát triền đầu tư các khu công nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa để phát triển tình hình kinh tế ở địa phương. Đã có nhiều giải pháp thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Thông điệp 4 “sẵn sàng” của UBND huyện Quỳnh Phụ với các nhà đầu tư đó là: Một là sẵn sàng về mặt bằng; Hai là sẵn sàng cải cách: Ba là sẵn sàng hỗ trợ; Bốn là sẵn sàng về nhân lực.
Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực thì sẽ vẫn luôn có những tồn tại còn trăn trở. Vì phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa đồng nghĩa với việc sẽ thu hẹp diện tích để sản xuất nông nghiệp, càng nhiều các dự án cụm công nghiệp được mọc lên thì ruộng lúa của người nông dân sẽ hẹp đi. Chuyện tìm hướng tương lai sẽ là bài toán khó với họ.
Một trong những câu chuyện như vậy có lẽ chính là tâm tư của hàng chục hộ dân ở Đông Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Người dân thuộc xóm 9,10 xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ cho rằng họ đang rất lo lắng về cuộc sống và tương lai của họ khi ruộng đất đang chuẩn bị thu hồi.
Theo nội dung xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ đang thông báo và triển khai việc thu hồi số lượng lớn đất nông nghiệp để phục vụ cho Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Hải của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen.
Được biết, dự án có quy hoạch trên đất nông nghiệp nằm ở phía Đông, quốc lộ 10 (đoạn đi qua xã Đông Hải). Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt năm 2017, quy mô Cụm công nghiệp Đông Hải rộng hơn 50ha. Với tổng diện tích đất thu hồi trên 275.700 m2, liên quan đến gần 200 hộ gia đình cá nhân, với khoảng 300 thửa đất, của 3 thôn.
Rất nhiều diện tích đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân sẽ được thu hồi để triển khai dự án. Tuy nhiên, gửi phản ánh đến cơ quan báo chí, nhiều người dân cho biết họ vô cùng lo lắng khi giá đền bù đất bị thu hồi quá thấp. Theo người dân, tính trung bình thì mỗi một sào đất nông nghiệp (tương đương 360m2) chỉ được bồi thường 37 triệu đồng.
Bày tỏ về vấn đề này, người dân cho rằng mức bồi thường là quá thấp, không đủ để người dân có thể bắt đầu một cuộc sống mới khi ruộng đất không còn. Nhiều người dân nói rằng, họ đã lớn tuổi không thể đi làm công nhân được, thì việc không còn ruộng để canh tác thì họ không còn nguồn thu nhập để trang trải sau này.
Với số tiền bồi thường chỉ khoảng 37 triệu/sào, nhiều gia đình chỉ được nhận vể chưa đầy 100 triệu đồng vì số diện tích đất ít ỏi trồng lúa duy nhất đã bị thu hồi.
“Với số tiền ấy, chắc vợ chồng già chúng tôi đi nằm viện 2 lần chắc cũng hết” – một người dân buồn bã tâm sự.
Không những thế, trong số những người dân thuộc xóm 9 xóm 10 bị thu hồi đất lần này, có những hộ đã được chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng, làm trang trại. Họ đã đầu tư vào trang trại của mình bao nhiêu vốn liếng tiền bạc và mồ hôi công sức nhiều năm trời. Nợ ngân hàng còn chưa trả hết, lãi ngân hàng vẫn còn đang xoay sở hàng tháng. Mà giờ đất bị thu hồi, đồng nghĩa là trang trại cũng không thể tồn tại. Số tiền được bồi thường sau thu hồi đất quá ít so với vốn liếng và công sức bỏ ra.
“Giờ số tiền bồi thường còn không đủ để chú trả nợ ngân hàng chứ chưa nói đến việc xoay sở tìm hướng làm ăn mới. Lợn gà, chuồng trại sẽ biến mất, chú thậm chí còn không thể đủ thu hồi vốn chứ đừng nói đến chuyện có tiền mà đi làm ăn khác” – Ông Nguyễn Văn Hài (thôn Đồng Cừ) chia sẻ.
Trả lời phóng viên, đa số người dân cho biết: họ ủng hộ việc tỉnh Thái Bình và huyện Quỳnh Phụ phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa. Người dân nơi đây cũng không có ý phản đối việc xây dựng Cụm công nghiệp Đông Hải, và cũng không có ý là bảo thủ để giữ ruộng. Thế nhưng, người dân cũng mong muốn chính quyền và doanh nghiệp phải có được phương án phù hợp để có thể đảm bảo được cho người dân có thể ổn định cuộc sống sau khi mất đất mất ruộng. Với cái giá bồi thường như hiện tại thì nhiều gia đình chắc chắn sẽ khổ sở chật vật với cuộc sống sau này, nhiều gia đình làm trang trại thậm chí có thể sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ…
Để có được những thông tin chính xác, đa chiều nhất truyền tải đến bạn đọc. Phóng viên đã liên hệ và đặt lịch làm việc với chính quyền địa phương và các bên liên quan. Tuy nhiên, thiết nghĩ, trước vấn đề mà người dân đang lo lắng cho tương lai của hàng trăm gia đình bị thu hồi đất lần này, thì chính quyền địa phương và đặc biệt là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen cần nghiêm túc xem xét lại. Sau tất cả, việc phát triển kinh tế địa phương là đúng, nhưng nếu chỉ vô tình làm cho cuộc sống của một người dân bị trở nên khó khăn thì đã là một điều sai không nên thực hiện.
Tại Thái Bình, Tập đoàn Hương Sen được biết đến là tập đoàn tư nhân lớn ở vùng “đất lúa” với thương hiệu chủ lực Bia Đại Việt và doanh nhân kỳ cựu Trần Văn Sen. Đi lên từ nghề dệt nhuộm truyền thống của địa phương nhưng Tập đoàn Hương Sen không giấu diếm tham vọng lấn sân sang các lĩnh vực bao bì, bất động sản, đầu tư tài chính khi xây dựng một hệ sinh thái đa ngành nghề.
Theo báo Thái Bình, dù gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế thế giới, sang năm 2022 Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen vẫn duy trì sản xuất kinh doanh ổn định. Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Công ty bảo đảm việc làm cho 1.000 lao động với mức lương 8-10 triệu đồng/người/tháng, chưa kể hàng nghìn lao động vệ tinh; nộp ngân sách Nhà nước hơn 350 tỷ đồng, nằm trong Tốp các Doanh nghiệp có số nộp ngân sách Nhà nước cao nhất tỉnh.
Ngự Miêu – Đình Trà.