BVR&MT – Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng, là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt 51,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Kinh tế trong nước chiếm vai trò chủ đạo
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong Quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,4% so với quý II năm nay (tăng 26,6% so với quý I).
Trong đó, 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 14,7 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện tử máy tính và linh kiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 26,4%; hàng dệt may đạt 8,9 tỷ USD, giảm 6,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,8 tỷ USD, tăng 62,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại tháng 9 ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD).
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, 2019, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng 20,2%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,2%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm (giảm 2,9%).
Về nhập khẩu, trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với Quý II năm nay (tăng 15,2% so với Quý I), cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu có xu hướng tăng lên.
“Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,2% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn”, Bộ Công Thương đánh giá.
Xuất khẩu sang EU tăng mạnh
Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8), các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU.
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay. Mặt hàng gạo xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo Việt Nam vào thị trường EU đã tăng từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Ngoài thị trường EU, trong 9 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 31,9 tỷ USD, tăng 12,7%. Thị trường ASEAN đạt 17 tỷ USD, giảm 12,5%. Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2%. Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD, giảm 5,7%.
Trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, có các biện pháp quyết liệt trong khai thác, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hang hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.