BVR&MT – Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đã có những kết quả khả quan từ những giải pháp căn cơ và đồng bộ cho khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do tác động của biến đổi khí hậu.
Những giải pháp hiệu quả
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, bộ đã chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt như xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và tham gia xây dựng một loạt chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ những giải pháp trên, ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu đã được đẩy mạnh; các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC được đẩy mạnh áp dụng…
Dù tình hình hạn, mặn khốc liệt hay giảm nhẹ, thời gian qua, nhất là từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố khu vực này đã chủ động nhiều biện pháp để phòng, chống và dần chuyển đổi sang các mô hình canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu. Theo đó, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như khảo sát, lựa chọn đầu tư công trình đập ngăn mặn, trữ ngọt; kiểm tra các công trình hệ thống thủy lợi; đo, quan trắc tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính; cập nhật và theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin phòng, chống hạn, mặn đến các cơ quan chức năng, người dân nắm bắt để có biện pháp phòng chống…
Các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng tích cực giữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời, các công ty cấp nước sửa chữa, nâng hệ thống cấp nước, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các vùng hạn, xâm nhập mặn. Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện các công trình thủy lợi cấp thiết để chống hạn, mặn như nạo vét các tuyến kênh chính, kênh nội đồng, đầu tư trạm bơm tưới ở các vùng cây ăn trái, xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi hợp lý…
Tại tỉnh Bạc Liêu, để giữ thế chủ động trong công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô, tỉnh này đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các sở, ban ngành chức năng nghiêm túc thực hiện. Đối với vùng ngọt, địa phương đã tiến hành đắp hàng chục đập tạm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai để ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích lúa đông xuân, lúa – tôm, đồng thời tập trung phát động phong trào làm thủy lợi – thủy nông nội đồng mùa khô, khuyến cáo nhà nông chủ động dẫn nước, dự trữ vào ao hồ, đầu tư máy, thiết bị bơm nước phục vụ tưới tiêu. Đối với vùng chuyên tôm, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nạo vét kênh thủy lợi – thủy nông nội đồng bị bồi lắng, khai thông dòng chảy, nhằm đảm bảo dẫn nguồn nước thông suốt từ các cửa biển, cửa sông đến kênh rạch, ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, về giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực phù hợp với thị trường. Khai thác các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác để liên kết hộ, liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp. Đồng thời, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Trong đợt hạn, mặn của năm 2016, Bến Tre là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nhất, ước tổng giá trị bị thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng (tương đương với tổng thu ngân sách một năm của tỉnh). Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và khó dự đoán, nền sản xuất nông nghiệp của Bến Tre càng dễ bị tổn thương. Nhằm hạn chế và khắc phục các khó khăn, Bến Tre đã và đang đẩy mạnh một số biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình, hướng dẫn người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn. Thường xuyên theo dõi, quan trắc tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh và trong nội đồng để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó hiệu quả. Tăng cường vận động nhân dân trang bị các dụng cụ trữ nước ngọt, đủ cho sinh hoạt trong gia đình vào mùa khô, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho hay, địa phương này đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cũng như sử dụng giống phù hợp với biến đổi khí hậu. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Có thể nhận thấy, biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân. Cho nên, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp là vấn đề hết sức bức thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần định hướng tốt cho người dân trong chuyển đổi, tránh tự phát nhằm tạo tính bền vững cao, ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và giá cả thị trường.
Không lùi bước trước thách thức của biến đổi khí hậu
Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nhưng thời gian qua, tuy nhiên diện mạo nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những thay đổi tích cực. Đến tháng 6 năm 2019, toàn vùng này đã có 528 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 40%, gấp hơn 2,7 lần so với thời điểm năm 2015, bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã. Có 9 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8 đơn vị so với cuối năm 2015.
Ngoài ra, hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu chuyển đổi đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, hệ thống thủy lợi đã giúp đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích lúa vụ đông xuân – hè thu, đồng thời phát triển phục vụ thủy sản và cây trồng cạn. Hình thành hệ thống đê kiểm soát mặn, triều cường, sóng cao. Các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển được triển khai, bộ, ngành Trung ương đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện các giải pháp kỹ thuật, xử lý khẩn cấp những đoạn lụt, sạt lở trọng điểm, đồng thời chỉ đạo cắm biển cảnh báo, xây dựng bản đồ sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nhanh chóng hoàn chỉnh chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu: Phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, an toàn trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, chất lượng cao, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản.
Theo đó, tại khu vực này, kết cấu hạ tầng sẽ được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai, tài nguyên thiên nhiên được quản lý, sử dụng hợp lý. Đồng thời, đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người cao hơn trung bình cả nước. Định hướng phát triển tổng thể cho khu vực này bao gồm cơ cấu lại nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ động thích ứng với thay đổi của điều kiện tự nhiên và thị trường, tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ. Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển bền vững theo 3 vùng: vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển. Dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân hành vùng an toàn, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt .
Theo đó, vùng an toàn là vùng có độ an toàn đạt từ 70% trở lên trước tác động của lũ, ngập và xâm nhập mặn và có thị trường; vùng chuyển đổi là vùng sản xuất nguy cơ cao, chỉ có độ an toàn 30% trước tác động của lũ, ngập và xâm nhập mặn và nhu cầu thị trường và vùng linh hoạt là vùng chưa có đủ thông tin về tác động của hạn mặn, tình trạng úng ngập và khả năng cấp ngọt. Đồng bằng sông Cửu Long cũng xoay trục chiến lược sang thủy sản – trái cây – lúa gạo. Phát huy ưu thế của các sản phẩm đặc thù địa phương có giá trị. Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù. Trong đó, ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và nghiên cứu,ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết ba khâu là giống, thức ăn cho thủy sản, chăn nuôi và chế biến nguyên liệu thủy sản. Đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực là thủy sản, trái cây, lúa, và đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế.
Có thể khẳng định, mặc dù vẫn duy trì và phát huy được các kết quả tốt, tuy nhiên, thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với các thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển thượng nguồn. Các thách thức lớn nhất là sụt lún đất; mực nước ngầm suy giảm; xói lở bờ biển; ngập do nước biển dâng và úng ngập cục bộ do không tiêu thoát được khi cùng lúc triều cường dâng cao và nước lũ lên nhanh; xâm nhập mặn gia tăng. Thị trường tiếp tục biến động khó lường với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, đặc biệt khi nông nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới… đòi hỏi một giải pháp căn cơ hơn nữa cho khu vực này.