BVR&MT – Ðồng bằng sông Hồng vốn là cái nôi của nền văn minh lúa nước và cũng là vựa lúa lớn thứ hai cả nước, sau đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng gần đây, hiện tượng chán ruộng, bỏ ruộng xảy ra ở nhiều địa phương do hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp so với nhiều ngành nghề khác. Ðã đến lúc phải đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại để đạt hiệu quả cao hơn.
Với một sào ruộng trồng lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện nay, hạch toán chi li chỉ đạt lợi nhuận khoảng 500 nghìn đồng/hai vụ, trong khi đó, một ngày công thợ xây hiện đã khoảng 300 nghìn đồng. Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng, chắc chắn không thể đủ chi phí trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, nhiều nông dân đã tìm kiếm công việc trong các công trường, nhà máy hoặc đi bán hàng, làm dịch vụ tại các đô thị và không còn thiết tha với đồng ruộng.
Tính công còn lỗ, lãi đâu ra
Ðứng trước cánh đồng bỏ hoang đã nhiều vụ, anh Trần Huy Khang (thôn Mỹ, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, Nam Ðịnh) chia sẻ: “Những năm qua, cánh đồng này vắng bóng nông dân, chỉ loáng thoáng vài đám lúa gieo tận dụng, hoặc vài cây rau dại. Chủ nhân của những mảnh ruộng này đi làm nghề may hoặc làm công nhân hết cả. Vì trồng lúa cho thu nhập thấp quá, trừ hết chi phí sản xuất, tính trung bình một sào (360 m2) chỉ cho lợi nhuận chưa đầy 300 nghìn đồng/vụ. Chưa kể thời tiết thất thường, dịch bệnh, có vụ đến lúc thu hoạch tính ra còn hụt cả công chứ chưa nói lời lãi. Trong khi đó, đi làm công nhân, chắc chắn mỗi tháng có bốn đến năm triệu đồng/người, lại chẳng phải “trông trời, trông đất, trông mây”, lo lắng đủ thứ từ thiên tai, dịch bệnh đến giá cả…”.
Suy nghĩ, tính toán của anh Khang cũng là suy nghĩ chung của phần lớn nông dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện nay. Tại Ân Thi, một trong những huyện trọng điểm lúa của tỉnh Hưng Yên, những năm gần đây, người dân cũng không còn thiết tha với đồng ruộng. Chị Nguyễn Thị Ðến ở thôn Ngọc Châu, (xã Quang Vinh, huyện Ân Thi) chia sẻ: “Làm phụ hồ được 300 nghìn đồng/ngày, bằng cấy cả sào lúa trong một vụ. Thế nên thanh niên trai tráng trong làng, thậm chí cả phụ nữ, cũng theo làm. Nói bám ruộng thì ai chẳng muốn, vì gần nhà, nhưng ở nông thôn bây giờ chi phí sinh hoạt của mỗi hộ gia đình ngày càng cao, muốn đầu tư cho con cái học hành nữa thì phải “tay năm tay mười” tìm kiếm các công việc khác chứ làm sao ngồi trông chờ vào mấy sào lúa”.
Không chỉ trồng lúa, ngay cả vụ đông trồng rau màu hiện cũng cho thu nhập rất thấp. Nguyên nhân vẫn là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu ra sản phẩm bấp bênh, trong khi thời tiết vụ đông thường diễn biến phức tạp, khó lường; giá vật tư đầu vào cho sản xuất tăng cao, dẫn đến thu chẳng bù chi. Xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) từng nổi tiếng cả nước với cây ngô trồng trên nền đất ướt, mở đầu cho phong trào trồng ngô vụ đông phát triển mạnh ở nhiều tỉnh miền bắc, thì giờ đây, nhiều cánh đồng cũng để đất hoang cho cỏ mọc. Theo tính toán của nông dân, chi phí cho sản xuất một sào ngô hiện lên tới 730 nghìn đồng mà thu về chỉ được một triệu đồng, như vậy trừ chi phí còn lãi 270 nghìn đồng/sào. So với 200 đến 300 nghìn đồng một ngày công lao động thì quá dễ hiểu vì sao nông dân không còn mặn mà với trồng cấy. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Phúc Lê Văn Dũng cho biết: “Trước thực trạng ruộng đất bị bỏ hoang, những năm qua, nhiều địa phương đã đề ra giải pháp động viên, khuyến khích nông dân tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ giống, vật tư, mua phân bón trả chậm, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây; thực hiện chính sách gom ruộng sản xuất vụ đông, miễn giảm thủy lợi phí, có bảo vệ ngày đêm trông coi đồng ruộng… Thế nhưng, dân vẫn bỏ ruộng. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cho nên trồng lúa cho thu nhập quá thấp. Trong khi đó, nông dân lại đứng trước nhiều cơ hội lựa chọn công việc cho thu nhập cao hơn như làm công nhân trong các khu công nghiệp, đi phụ hồ, thậm chí rời quê lên thành phố tìm việc mưu sinh như chạy ta-xi, bán hàng rong, giúp việc…”.
Diện tích trồng trọt ngày càng thu hẹp
Người nông dân nói chung, nông dân ở vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, bao đời nay đã gắn bó chặt chẽ với mảnh ruộng của mình. Câu “bờ xôi, ruộng mật” không chỉ nói lên sự màu mỡ của ruộng đất mà còn chứa đựng nhiều tình cảm, sự kỳ vọng, với mảnh ruộng của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, “bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT thôn tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa 2019, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của toàn tỉnh chỉ đạt hơn 32 nghìn ha, bằng 96,4% kế hoạch, giảm hơn 1.000 ha so với cùng kỳ năm 2018. Vụ đông năm nay, mặc dù tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu tổng diện tích gieo trồng 18 nghìn ha nhưng đến giữa tháng 11 mới đạt hơn 12 nghìn ha, bằng 67% kế hoạch. Xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương) là một xã thuần nông, từng nổi tiếng với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Thịnh cũng từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Nhưng gần đây, nông dân địa phương không còn mặn mà với đồng ruộng, khiến diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng lớn. Vụ mùa năm 2019, toàn xã có gần 30 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Vụ đông năm nay, diện tích đất gieo trồng cũng chỉ đạt 100 ha trong tổng diện tích 265 ha đất sản xuất nông nghiệp toàn xã, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp, cá nhân đứng ra thuê ruộng để sản xuất tập trung. Cũng trong tình cảnh đó, tại xã Cao Minh (TP Phúc Yên), diện tích gieo trồng vụ đông dự kiến chỉ đạt gần 20% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Vụ đông năm nay, xã Ðồng Ích, huyện Lập Thạch cũng chỉ gieo trồng 300 ha trong tổng số 609 ha đất sản xuất nông nghiệp, giảm 100 ha so với vụ đông trước. Riêng phường Hội Hợp (TP Vĩnh Yên), vụ mùa năm 2019, diện tích đất nông nghiệp không được canh tác lên tới 88,6 ha; vụ đông dự kiến bỏ không hơn 200 ha trong tổng diện tích gần 300 ha.
Cũng là một vùng đất lúa, nhưng diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang của Nam Ðịnh hiện tương đối lớn. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Nam Ðịnh, vụ mùa năm 2019, tổng diện tích ruộng bỏ hoang trên toàn tỉnh lên đến 3.255,1 ha. Trong đó, nhiều nhất là các huyện: Nam Trực (827 ha), Trực Ninh (799,8 ha), Ý Yên (470,6 ha). Tỉnh Thái Bình, một trong những vùng lúa trù phú nhất của đồng bằng sông Hồng, nhưng vụ xuân 2018 cũng có tới hơn 490 ha đất bỏ hoang, trong đó huyện Quỳnh Phụ có 117 ha, Kiến Xương 106 ha, Ðông Hưng 90 ha, Thái Thụy 85,7 ha. Tại tỉnh Hải Dương, tình trạng ly nông cũng diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng (huyện Thanh Miện) Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: Về mặt số liệu, trên địa bàn xã hiện có khoảng 6,5 ha đất nông nghiệp bỏ hoang. Bên cạnh đó, nhiều hộ ít sử dụng như gieo trồng cách vụ, thậm chí cách nhiều năm, thường không báo cáo cho nên con số thực tế có thể còn cao hơn.
Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường nhận định: Xét về bản chất kinh tế, những hộ nông dân có quy mô ruộng đất canh tác quá nhỏ lại gắn với trồng lúa thu nhập thấp, nhiều rủi ro, làm cho trạng thái và quy mô kinh tế của hộ nông dân nhỏ lẻ, luôn rơi vào tình trạng không vượt qua được ngưỡng tái sản xuất giản đơn, chưa nói tới có lãi để tái sản xuất mở rộng. Khi hiệu quả sản xuất nông nghiệp kém, thu nhập thấp xảy ra cùng với quá trình phát triển nhanh của các khu, cụm công nghiệp tại địa phương thì đương nhiên một lượng lớn lao động sẽ bị hút vào làm việc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cùng với việc được cải thiện thu nhập nhờ làm công nhân thì các ngành dịch vụ bắt đầu xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở nhiều làng quê vốn xưa nay chỉ có một phiên chợ mỗi tuần. Từ các dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp đến cửa hàng, siêu thị, quán ăn và các dịch vụ thiết yếu khác như hiếu, hỉ, chăm sóc sức khỏe… đã mở ra không ít cơ hội việc làm cho nông dân. Theo đó, tạo sự dịch chuyển lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp, dẫn đến thực tế, lao động nông thôn làm nông nghiệp chỉ còn toàn người già và trẻ em, hiệu quả lao động thấp. Ðể thay đổi thực tế này, cần sớm giải quyết được cái gốc của vấn đề là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vì xu hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả nhất định phải theo quy mô lớn, hiện đại.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1998, trung bình mỗi hộ vùng đồng bằng sông Hồng có khoảng tám đến chín thửa ruộng không liền kề nhau với diện tích từ 200 đến 500 m2/thửa. Ðến năm 2016, số liệu tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản cho thấy, nước ta có khoảng chín triệu hộ nông dân, với hơn 33,6 triệu mảnh đất nông nghiệp, diện tích trung bình chỉ vào khoảng 0,46 ha/hộ với nhiều mảnh ruộng khác nhau. Diện tích bình quân mảnh đất lúa vùng đồng bằng sông Hồng là 647,6 m2. Trong tổng số hộ sử dụng đất nông nghiệp thì số hộ trồng lúa dưới 0,2 ha chiếm 53,7%, đáng chú ý ở vùng đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ này lên đến 70,3% cao nhất trong các vùng. |