Doanh nghiệp du lịch ‘gồng mình’ giữ giá tour hè trước áp lực giá xăng

BVR&MT – Việc giá xăng dầu liên tục tăng cao đã khiến các doanh nghiệp ngành du lịch “đứng ngồi không yên” dù đang vào mùa cao điểm du lịch hè. Để giữ chân du khách, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải “gồng mình” giữ giá tour.

Du khách đăng kí mua tour du lịch hè tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2022.

Các dịch vụ đua nhau tăng giá

Vừa đặt tour đi Phú Yên – Bình Định (4 ngày 3 đêm) với giá 5,8 triệu đồng, chị Hồ Thị Thủy, ngụ ở thành phố Thủ Đức cho biết: “Để thưởng cho các con sau thời gian học tập căng thẳng, tôi định cho các con đi du lịch tại Phú Yên và Bình Định. Thế nhưng khi hỏi đặt tour từ ngày 8-10/7, tôi chỉ nhận được cái lắc đầu của các công ty lữ hành. Nguyên nhân là do các công ty lữ hành không thể đặt được vé máy bay chiều từ TP Hồ Chí Minh đến Phú Yên vì thời gian này đã hết vé. Vì thế, tôi đành phải đăng kí tour di chuyển bằng xe ô tô đến Phú Yên. Mặc dù tour đi bằng ô tô nhưng giá tour vẫn cao như đi bằng máy bay vì giá tour du lịch đã được các công ty lữ hành điều chỉnh tăng từ ngày 10/6. Cụ thể, hiện giá tour đi Phú Yên – Bình Định tại các công ty lữ hành đã tăng thêm từ 1,2 – 1,5 triệu đồng so với tháng 4 – 5 vừa qua”.

Lý giải nguyên nhân giá tour tăng mạnh, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour cho biết, hiện nay giá mỗi vé máy bay nội địa đã tăng khoảng 1 – 1,2 triệu đồng/chiều; giá tất cả các dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường sắt cũng đều tăng từ 20% trở lên… Vì vậy, các công ty du lịch đang rất chật vật để xây dựng các chương trình tour hè mới cho du khách.

“Hiện nay, chỉ có những tou du lịch đã ký hợp đồng từ trước với các đơn vị vận chuyển, các hãng bay mới giữ được mức giá tốt, còn đối với các gói dịch vụ mới, tour du lịch mới, chúng tôi sẽ phải tính toán lại giá khi các dịch vụ máy bay, khách sạn… đều tăng giá”, ông Nguyễn Ngọc An cho biết.

Giá vé máy bay tăng khiến các doanh nghiệp lữ hành phải điều chỉnh giá tour tăng theo.

Tương tự, ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho biết, vật giá tăng khiến giá tour không thể rẻ như trước. Trong đó, các tour du lịch bình dân sẽ chịu tác động mạnh hơn các tour cao cấp do chi phí vận chuyển, bữa ăn… đều phải điều chỉnh tăng. Hiện các tour du lịch hè nội địa đang tăng mạnh, lượng khách đăng kí tour bằng khoảng 80% so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Theo lãnh đạo các công ty du lịch, việc giá xăng dầu tăng mạnh không chỉ tác động đến giá tour du lịch, giá dịch vụ di chuyển, mà còn tác động với giá dịch vụ lưu trú. Ông Võ Minh Trung, Giám đốc Khách sạn Riverside Saigon cho biết, sau khi giá xăng tăng, nhiều dịch vụ khách ssạn cũng tăng theo. Chẳng hạn như giá dịch vụ giặt ủi đã tăng lên 15%; các mặt hàng dùng một lần trong khách sạn như: Kem và bàn chải đánh răng, xà phòng, trà, cà phê, nước suối… cũng tăng giá. Ngoài ra, giá các dịch vụ khác cung cấp cho khách sạn cũng tăng khoảng 10% kéo theo giá dịch vụ áp dụng với khách hàng cũng tăng gần 5%.

“Đơn vị đang phải tính toán kỹ các khoản dịch vụ tăng giá để điều chỉnh giá khách sạn, bởi nếu giá khách sạn tăng sẽ khiến giá tour du lịch trọn gói tăng theo”, ông Võ Minh Trung cho biết.

Doanh nghiệp “gồng mình” kiềm giá

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, giá vé máy bay rẻ nhất trên các chặng bay nội địa trong cao điểm hè 2022 đã tăng lên thêm từ 500.000 – 1 triệu đồng/vé so với trước đó. Ví dụ, ở chặng bay TP Hồ Chí Minh – Phú Quốc, giá vé dao động từ 3 – 3,5 triệu đồng nếu bay Vietjet Air; 3 – 3,7 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines; 3 – 4,5 triệu đồng nếu bay Bamboo Airway và 3,3 triệu đồng nếu bay Viettravel Airlines. Ở chặng bay Hà Nội – Phú Quốc, chuyến khứ hồi rẻ nhất rơi vào khoảng 2,6 triệu đồng của Vietjet; với Bamboo Airway và Vietnam Airlines khoảng 5 – 8 triệu đồng.

Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, các hãng bay cũng đang tìm cách giảm bớt phần nào tác động tiêu cực của sự tăng giá nhiên liệu dẫn đến giá vé máy bay tăng. Chẳng hạn như hãng máy bay Vietjet Air đã yêu cầu phi công áp dụng chế độ bay phù hợp, sử dụng đội tàu bay tiết kiệm nhiên liệu, chọn nhà cung cấp nhiên liệu có mức giá tốt, chủ động mua nhiên liệu dự trữ lúc giá thấp…

Đối với các doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – marketing Công ty TST Tourist cho biết, cái khó nhất lúc này của doanh nghiệp du lịch là phải bù lỗ cho những sản phẩm đã bán ra với giá cũ. “Việc giá xăng dầu tăng không có nghĩa sản phẩm du lịch cũng tăng ngay theo được. Bởi nếu tăng giá bất thường dễ gây mất thiện cảm trong lòng du khách khi ngành du lịch vừa hồi phục. Việc quan trọng hiện nay là giữ chân du khách, mà muốn giữ chân du khách thì doanh nghiệp du lịch phải gồng mình giữ giá tour bình ổn cho du khách. Có như vậy mới có thể kéo du khách trở lại sau mùa dịch bệnh”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.

Theo ông Mẫn, việc giá xăng dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến giá dịch vụ vận chuyển mà còn ảnh hưởng đến các dịch vụ ăn uống, tham quan, lưu trú cũng tăng theo, kéo theo giá dịch vụ du lịch cũng phải tăng. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần có chính sách kiểm soát giá cả, mà cụ thể là giá xăng dầu một cách hiệu quả để không dẫn đến tình trạng “loạn” giá như hiện nay.

Các công ty lữ hành tư vấn du khách nên chọn các tour du lịch gần nhà, tour du lịch nội địa giảm giá, khuyến mãi để giảm chi phí chi tiêu cho tour du lịch hè.

Trong khi đó, đại diện một số công ty lữ hành khác cũng cho biết, để đối phó với tình trạng tăng giá tour dịp hè, họ sẽ chủ động tư vấn rõ cho khách mua tour về sự biến động giá dịch vụ hoặc sẽ điều chỉnh lịch trình tour để giảm các chi phí không cần thiết mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tour.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lữ hành còn chọn giải pháp ưu tiên giới thiệu với khách các điểm đến có chi phí chưa tăng cao cho du khách lựa chọn, sao cho phù hợp với túi tiền của khách hàng. Đối với một số khách sạn, nhà hàng đã chọn giải pháp hợp tác với nhau, mua chung các mặt hàng dùng một lần cho khách sạn với số lượng lớn, hoặc chọn mua các sản phẩm có thể dự trữ được lâu hơn để được giá hợp lý.

Một số khách sạn khác thì chọn giải pháp tăng giá phòng nhưng sẽ cho khách nhận phòng sớm, trả phòng muộn (trước đây, phía khách sạn thường phụ thu hoặc phạt đối tác khoản này) hoặc miễn phí nâng hạng phòng (tính giá phòng cao cấp bằng giá phòng tiêu chuẩn) cho đơn vị lữ hành. Trong khi đó, các đơn vị lưu trú, nhà hàng cũng có xu hướng thay thế các loại thực phẩm tươi sống trong thực đơn sang các sản phẩm khô, đóng gói để có mức giá tốt cho khách.