BVR&MT – Cây cao su bắt đầu bén rễ tại tỉnh Điện Biên từ năm 2008, đến nay đã có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh góp đất trồng gần 5.000 ha.
Sau thời gian chờ đợi, đến nay dù hơi muộn so với lộ trình, cây cao su ở Điện Biên cũng đến ngày cho thu hoạch. Người dân ở nơi đây kỳ vọng những giọt cao su sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể giúp ổn định cuộc sống sau thời gian dài trông ngóng.
Chúng tôi có mặt tại vườn cao su xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, nơi có diện tích cây cao su được trồng từ năm 2008. Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đang cho công nhân tiến hành cạo xả mủ cao su để chuẩn bị cho thu hoạch đại trà vào tháng 5 tới.
Chị Cà Thị Nga, Bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cho biết: “Tôi làm công nhân cao su được 6 năm nay rồi, so với làm nương làm rẫy thì làm việc ở đây cho thu nhập ổn định hơn, khoảng 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Nhà tôi có 3 ha đất góp để trồng cao su, đang rất mong chờ đến ngày khai thác để được chia phần trăm lợi nhuận từ khai thác mủ cao su, tăng thu nhập cho gia đình”.
Những ngày qua, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên gấp rút hướng dẫn, tập huấn kỹ năng khai thác mủ cho công nhân và hộ gia đình nhận khoán. Sau thời gian từ 7 – 10 ngày, hầu hết công nhân và lao động nhận khoán đều nắm vững kỹ thuật cạo mủ, sẵn sàng đi vào khai thác chính thức.
Anh Phan Xuân Phương, Đội trưởng Đội 1 Cao su xã Mường Pồn cho biết, năm nay, đơn vị sẽ tiến hành khai thác 200 ha cao su. Vừa qua, công nhân công ty và công nhân thời vụ được đào tạo kỹ thuật cạo mủ. Hiện cán bộ của đơn vị kèm cặp, hướng dẫn công nhân kỹ thuật để chuẩn bị cho ngày khai thác chính thức có hiệu quả cao nhất.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết, trong năm 2017, đơn vị sẽ đưa vào khai thác gần 700 ha cây cao su đủ tiêu chuẩn, sản lượng năm đầu tiên khoảng 6 tạ/ha. Số diện tích cây cao su bước vào khai thác do các hộ gia đình tham gia góp đất trồng cao su sẽ được hưởng quyền lợi dựa trên hợp đồng đã ký kết với đơn vị. Theo đó, người dân góp đất sẽ được hưởng lợi nhuận 10% từ lợi nhuận mủ cao su trên diện tích đất góp.
Toàn tỉnh Điện Biên có gần 5.000 ha cây cao su; trong đó, hơn 3.700 ha thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, hơn 1.200 ha thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé.
Trong những năm qua, việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh gặp nhiều vướng mắc, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Cây cao su ở Điện Biên chậm thu hoạch hơn so với lộ trình, việc xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su cũng chưa thể thực hiện do còn vướng mắc ở chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, giá mủ cao su cũng nhiều biến động khiến việc phát triển diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chững lại trong hơn 1 năm trở lại đây. Điện Biên tạm thời ngừng trồng mới cao su để tập trung chăm sóc và chuẩn bị mùa thu hoạch đầu tiên.
Ông Phan Văn Lợi cho biết: “Việc phát triển cây cao su ở Điện Biên những năm qua gặp nhiều khó khăn. Đây là dự án đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất hạ tầng chưa đầy đủ. Mặt khác, đây lại là dự án đầu tiên phát triển ở Điện Biên nên người dân chưa hiểu sâu về cây cao su. Bởi vậy, quá trình tuyên truyền vận động để người dân đồng hành cùng cây cao su còn nhiều khó khăn”.
Theo ông Lợi, các chính sách tỉnh Điện Biên thực sự hỗ trợ cho đơn vị hiện nay cũng chưa nhiều. Như tiền dịch vụ môi trường rừng, các tỉnh khác cho cao su được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng ở Điện Biên, dù công ty đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không được.
Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ, do khó khăn về nguồn tiêu thụ, giá mủ cao su chưa cao nên diện tích trồng mới trong năm 2016 và 2017 được hạn chế, tập trung vào việc chăm sóc vườn cây hiện có. Tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành chính sách, hỗ trợ cho người dân khi tham gia góp đất vào trồng cây cao su theo mức từ 4,5 – 6 triệu đồng/ha.
Ngoài ra trên diện tích đất trồng cao su thực hiện trồng ghép các loại cây trong thời gian chưa khai thác thì được hưởng chính sách hỗ trợ giống và phân bón.
Đánh giá về việc phát triển cây cao su vùng Tây Bắc, ông Hoàng Xuân Long, Vụ trưởng Vụ Kinh tế – Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, hiện so với các vùng trồng cao su truyền thống, cao su Tây Bắc có điều kiện đầu tư cũng như sản lượng mủ hạn chế hơn. Tuy nhiên, nếu thị trường cao su ổn định thì những người trồng cao su Tây Bắc sẽ có thu nhập ổn định.
Vừa qua, Tập đoàn Cao su Việt Nam tổ chức mở mủ, khai thác thử tại tỉnh Lai Châu và Sơn La. Bước đầu, sản lượng tương đối khả quan đạt 7 tạ/ha. Hy vọng những năm tiếp theo sản lượng trên địa bàn Tây Bắc có thể từ 1,2 – 1,5 tấn/ha.
Lãnh đạo Vụ Kinh tế – Ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng cho rằng, việc phát triển cao su ở Tây Bắc cần thiết phải xây dựng các cơ sở chế biến mủ gắn với vùng nhiên liệu. Tỉnh Lai Châu, Sơn La và tiến tới Điện Biên cũng có thể xây dựng ở mỗi tỉnh một nhà máy chế biến mủ để người dân có niềm tin, gắn chặt hơn với cây cao su.
Thực tế, việc phát triển cây cao su ở Điện Biên vẫn chưa thể đánh giá là thành công hay không. Giờ đây chính quyền, doanh nghiệp và người dân ở Điện Biên đang kỳ vọng một mùa khai thác cao su đầu tiên thực sự hiệu quả để tiếp thêm niềm tin cho nhân dân nơi đây về cây cao su có thể giúp bà con xóa đói giảm nghèo.