BVR&MT – Vượt qua những khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như hạn chế về nguồn lực, Hải Dương vẫn quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm nay.
Cùng về đích
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi xã của tỉnh mới đạt bình quân 6,7 trong tổng số 19 tiêu chí. Bất lợi này vừa là rào cản nhưng cũng là động lực để các địa phương tìm hướng đi phù hợp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ NTM trong thời gian sớm nhất có thể. Nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng khi hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 169 xã và 7 đơn vị cấp huyện về đích NTM. Các địa phương còn lại cũng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện tiêu chí còn thiếu. Thế nhưng khi đang cố gắng chạy nước rút thì đợt dịch Covid-19 mới bùng phát và lan rộng trong tỉnh làm gián đoạn nhiều hoạt động phát triển kinh tế – xã hội cũng như việc triển khai xây dựng NTM ở nhiều nơi. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, dù chịu tác động của dịch song các địa phương không lơ là mà tận dụng mọi lợi thế để cán đích đúng hẹn và hướng tới mục tiêu cao hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Xã Quang Khải (Tứ Kỳ) là địa phương đuối sức nhất trong thực hiện xây dựng NTM khi đến năm 2018 mới đạt 9 tiêu chí. Đặt mục tiêu về đích vào năm 2022 nhưng địa phương đã quyết tâm vượt qua khó khăn để được công nhận đạt chuẩn NTM từ tháng 7 vừa qua, góp phần đưa Tứ Kỳ sớm trở thành huyện NTM. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Quang Khải cho biết: “Với địa phương nghèo, vật chất đã đáng quý thì sự ủng hộ của người dân với phong trào càng trân trọng hơn. Dù nguồn nội lực hạn chế song nếu biết cách khơi gợi thì nút thắt dần được tháo gỡ. Người dân hăng hái đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền thực hiện các tiêu chí NTM lần lượt từ dễ đến khó. Nhờ vậy xã làm được điều tưởng chừng chưa thể”.
Huyện Ninh Giang bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp. Nhiều tiêu chí cấp xã đã là quá sức chưa kể tới mục tiêu NTM cấp huyện. Huyện luôn nằm trong tốp cuối của tỉnh. Tuy vậy, ở giai đoạn cuối, Ninh Giang đã có những đột phá để xã và huyện cùng về đích, rút ngắn thời gian chạm đích NTM của tỉnh. Ông Nguyễn Đình Tranh, Chủ tịch UBND huyện cho biết thời gian cuối có gấp gáp song việc thực hiện các tiêu chí NTM của địa phương không hề đại khái mà vẫn bảo đảm, thậm chí là vượt tiêu chuẩn đánh giá. Khi xã cuối cùng đạt chuẩn NTM thì cũng là lúc huyện hoàn thành 9 tiêu chí cấp huyện.
Nông thôn khởi sắc
Nhờ phong trào xây dựng NTM mà 10 năm qua, bộ mặt nông thôn Hải Dương thay đổi từng ngày. Cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ đã tạo đà thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Bà Lê Thị Bốc ở thôn Phương La, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) đã ngoài 90 tuổi xúc động chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến nhiều biến cố, sự kiện lớn của quê hương nhưng ở tuổi này được ngắm nhìn làng quê đổi mới, tôi vẫn có cảm giác lâng lâng. Giờ đây, vất vả, thiếu thốn đã lùi xa, lớp thế hệ sau được thừa hưởng nhiều điều tốt đẹp từ phong trào NTM mang lại”.
Xây dựng NTM không phải của riêng ai mà là phong trào của sự gắn kết cộng đồng. Nhờ khối đại đoàn kết này mà hơn 10 năm qua, Hải Dương đã làm được nhiều điều lớn lao, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Từ khi bắt đầu xây dựng NTM đến nay, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa gần 1.500 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy giao thương. Môi trường nông thôn được cải thiện dần. Toàn tỉnh có 835 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, gần 3.000 bể chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và 15.000 hầm biogas với công suất xử lý hơn 255 tấn chất thải/ngày đêm.
Kinh tế nông thôn cũng có nhiều đổi mới khi đồng ruộng được quy hoạch quy củ với hơn 54.000 ha đã dồn điền, đổi thửa và hệ thống thủy lợi chỉnh trang bài bản. Các vùng sản xuất lúa, rau màu tập trung được hình thành với tổng diện tích 6.000 ha. Sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao được chú trọng nên giá trị được nâng cao, đạt trung bình 550 triệu đồng/ha/năm, có nơi giá trị này lên tới 3 tỷ đồng. Hải Dương cũng có 802 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 2.000 ha thủy sản phát triển theo hướng công nghệ cao. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai là cú hích lớn để nâng tầm sản phẩm nông thôn. Đến nay, cả tỉnh đã có 75 sản phẩm được gắn sao. Nhờ vậy thu nhập của người dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí đa chiều.
Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong đời sống tinh thần của người dân. Toàn bộ hơn 700 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% số đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng; ngăn chặn và xử lý kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên địa bàn. 178 xã của tỉnh đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã quán triệt tới các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng NTM là phong trào không thể chậm trễ hay trì hoãn bởi bất kỳ lý do gì. Với tinh thần đó nên dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, xây dựng NTM vẫn là điểm sáng của cả tỉnh. Hải Dương đã chạm đích NTM nhưng phong trào vẫn là dòng chảy không ngừng vì tỉnh xác định chỉ có điểm đầu không có điểm kết thúc vì đích hướng tới là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.