BVR&MT – Rau an toàn đang là nhu cầu bức thiết hiện nay của mọi gia đình. Nhận thấy tầm quan trọng cùng với lợi thế về thổ nhưỡng, trong những năm qua xã Tàm Xá (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã đẩy mạnh mô hình sản xuất rau an toàn, đặc biệt là Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (Organic Tàm Xá).
Tàm Xá là một xã ven sông Hồng với tổng diện tích tự nhiên của toàn xã là 247,05 ha, được sông Hồng bù đắp phù sa mỗi năm do đó đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ rất phù hợp với các loại rau màu, cây ăn quả.Đặc biệt, vùng đất bãi Tàm Xá nằm ngay chân cầu Nhật Tân là một lợi thế riêng biệt cả về giao thương và cơ sở hạ tầng.
Để tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngày 16/05/2019 theo Nghị quyết số 50-NQ/DU Ban chấp hành Đảng bộ xã Tàm Xá đã thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Hoạt động chuyên môn khoa học- công nghệ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kĩ thuật, tổ chức xúc tiến thương mại, chế biến nông-lâm-thủy sản.
Ngay từ khi thành lập, HTX nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá đã xây dựng chuỗi liên kết “5 nhà” bao gồm: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh và người tiêu dùng. Ở đó, nhà quản lý hỗ trợ về mặt bằng, pháp lý và các chính sách phát triển; nhà khoa học nghiên cứu, cập nhật giống cây trồng năng suất, chất lượng cao và thúc đẩy áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhà nông sản xuất ra nông sản; nhà kinh doanh giải quyết vấn đề đầu ra; người tiêu dùng tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt.
Với sự liên kết chặt chẽ “5 nhà”, mô hình sản xuất rau an toàn ở HTX không những mang đến cho thị trường những sản phẩm an toàn, mà còn lan tỏa nông nghiệp sạch tới cộng đồng. Diện tích hợp tác xã là 300 ha, trong đó diện tích đất trồng rau chiếm 70 ha, các loại rau được lựa chọn sản xuất tại Tàm Xá bao gồm: các loại cải ăn lá, rau dền, mồng tơi, hành lá, dưa chuột, cà chua…
Theo bà Lê Thị Thanh – Chủ tịch Hội nông nhân xã Tàm Xá đánh giá cao về mô hình rau an toàn của HTX: “Liên kết chặt chẽ 5 nhà là điều đặc biệt của HTX bởi đảm bảo được quá trình sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Sau một năm hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả cao cả năng xuất và chất lượng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP”. Bà Thanh cũng chia sẻ về những khó khăn trong những ngày đầu thành lập phát triển mô hình. Đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực và nhân lực, các thành viên phải tập trung đầu tư các nhà lưới. Trong quá trình triển khai bước đầu còn gặp nhiều khó khăn về chuyển đổi từ hóa học sang hữu cơ như: sâu bệnh, cải tạo đất, nguồn nước…Nông nghiệp hữu cơ chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều thời gian và công lao động.
Anh Nguyễn Văn Tú – kĩ thuật viên nhà lưới trồng dưa chuột cho biết: “Việc chăm sóc cần phải tỉ mỉ, kĩ càng để cây trồng phát triển an toàn, mọi công đoạn đều phải thực hiện theo đúng quy trình. Dạo gần đây đang trong thời gian thụ phấn cho cây dưa leo, để đảm bảo chất lượng quả tôi phải thường xuyên chăm sóc tại vườn để sâu bệnh không làm hại đến cây trồng”.
Thời gian qua, thị trường tiêu thụ mở rộng, rau hữu cơ được cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ lớn và kí kết với nhiều đơn vị khác đem lại lợi nhuận ổn định, chất lượng đầu ra được đánh giá cao. Trong tương lai, xã tiếp tục phát triển và thử nghiệm các mô hình khác để tận dụng triệt để lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng với đó giúp cải thiện đời sống kinh tế của bà con.
Hà Linh – Đào Thúy