TÓM TẮT – Rừng trồng trên vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu được gây trồng bởi các chương trình trồng rừng phòng hộ của Nhà nước. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả trong nhiều mặt về kinh tế – xã hội.
Ở vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế các dạng bao gồm rừng trồng Phi lao và rừng trồng thuần loài các loài Keo như Keo lá tràm, Keo lai, Keo lá liềm và Keo chịu hạn với tổng diện tích 5.989 ha. Kết quả phân tích tổng hợp hiệu quả của các dạng rừng trồng vùng cát ven biển cho thấy các mô hình rừng trồng mang lại hiệu quả về mặt môi trường, xã hội và kinh tế cũng như khả năng chống chịu cao theo lần lượt là rừng trồng Keo lá liềm (27,2 điểm), rừng trồng Phi lao (23,6 điểm), rừng trồng Keo chịu hạn (15,0 điểm), rừng trồng Keo lá tràm (14,4 điểm) và rừng trồng Keo lai (13,2 điểm). Nghiên cứu cũng đã đề xuất được 2 mô hình rừng trồng phù hợp trên vùng đất cát ven biển, có khả năng thích ứng cao trong giai đoạn biến đổi khí hậu, bao gồm (1) Rừng trồng Keo lá liềm và (2) Rừng trồng Phi lao. Các mô hình rừng trồng còn lại có mức độ hiệu quả trung bình, được sắp theo thứ tự ưu tiên là (i) Rừng trồng Keo chịu hạn, (ii) Rừng trồng Keo lá tràm và (iii) Rừng trồng Keo lai. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã xây dựng nội dung kỹ thuật trồng rừng trên vùng cát ven biển đối với loài cây Phi lao và các loài Keo nghiên cứu khác.
1. Đặt vấn đề
Tỉnh Thừa Thiên Huế có bờ biển trải dài và hình thành nên vùng đất cát rộng lớn, phân bố trên địa bàn của 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc với tổng diện tích tự nhiên lên đến 86.659 ha. Đây là khu vực sinh sống của 625.144 người, trong đó số người sống nông thôn lên đến 497.373 người. Cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân trên vùng cát ven biển thường xuyên hứng chịu những tác động bất lợi về điều kiện môi trường và thiên tai xảy ra quanh năm. Xác định vị trí và vai trò quan trọng đối với vùng đất cát ven biển, các dự án trồng rừng phòng hộ và phục hồi sinh thái tại đây được địa phương và nhà nước quan tâm đầu tư từ rất lâu. Trong đó có nhiều loài cây trồng rừng trên vùng cát ven biển được đưa vào gây trồng thử nghiệm và phát triển trên diện rộng. Đến năm 2015, tổng diện tích rừng trồng vùng cát (bao gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất) lên đến 5.989 ha (Chi cục Lâm nghiệp TT-Huế, 2015). Dưới sự biến đổi bất thường của khí hậu hiện nay, vùng cát ven biển sẽ hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề. Nhằm nâng cao hiệu năng phòng hộ và hiệu quả rừng trồng trên vùng cát ven biển, nghiên cứu xác định các loài cây trồng và đánh giá tổng hợp hiệu quả các dạng rừng trồng để làm cơ sở lựa chọn các mô hình rừng trồng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai đặt ra cấp bách.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thu thập số liệu nghiên cứu
Kế thừa số liệu về diện tích rừng trồng và mục đích trồng theo các chủ đầu tư từ nguồn số liệu của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (Chi cục Lâm nghiệp TT-Huế, 2015). Để làm cơ sở cho công tác phân tích và đánh giá, nghiên cứu tiến hành chọn địa điểm rừng trồng theo các chức năng, chọn rừng 7 năm tuổi phân bố trên địa bàn thuộc ba huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang để triển khai thu thập các thông tin liên quan.
– Trong đó, để đánh giá khả năng sinh trưởng và hiệu quả kinh tế tiến hành đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng gồm chiều cao vút ngọn, đường kính 1,3m, đường kính tán, phẩm chất cây và tính trữ lượng gỗ của rừng (Nguyễn Đăng Hào, 2012).
– Đánh giá hiệu quả về môi trường được thu thập số liệu về hiệu năng phòng hộ các đai rừng trên hiện trường gồm khả năng chắn gió, nhiệt độ trong và ngoài đai rừng, độ ẩm đất dưới tán rừng và độ ẩm không khí dưới tán rừng (Đặng Văn Thuyết, 2014).
– Khả năng chống chịu được đánh giá tại phòng thí nghiệm và bố trí ngoài vườn ươm bao gồm khả năng chịu nóng, chịu hạn, chịu úng và chịu mặn của các loài cây trồng rừng trên vùng cát ven biển (Phạm Ngọc Dũng và CS).
– Giá trị về mặt xã hội được xác định qua điều tra và phỏng vấn hộ gia đình về tình hình sinh trưởng các loài cây, giá trị và công dụng, mức độ lan rộng tại địa phương. Tổng số hộ điều tra phỏng vấn là 60 hộ tại ba xã tiến hành nghiên cứu (Nguyễn Đức Vũ và CS, 2013).
2.2. Đánh giá hiệu quả tổng hợp các mô hình rừng trồng trên vùng cát ven biển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu
2.2.1. Quan điểm đánh giá chung
2.2.1.1. Đánh giá hiệu quả mô hình rừng trồng mang tính tổng hợp
Rừng trồng trên vùng đất cát ven biển tập trung mục đích phòng hộ và sinh thái là chính vì vậy khi đánh giá cần phân tích trên cả bốn khía cạnh: kinh tế (cho thu nhập, tận thu sản phẩm từ rừng trồng), xã hội (góp phần cải thiện sinh kế, tạo sự công bằng xã hội và mức độ hài lòng người dân trong cộng đồng), môi trường (khả năng thích ứng và cải thiện môi trường, hiệu năng phòng hộ của rừng) và khả năng chống chịu (khả năng chịu nóng, chịu hạn, chịu ngập úng và chịu mặn). Kết quả đánh giá phải dựa trên tiếp cận tổng hợp, theo từng chỉ tiêu đánh giá với trọng số khác nhau ứng với các yếu tố khác nhau.
2.2.1.2. Đánh giá hiệu quả mô hình rừng trồng trên quan điểm thích ứng biến đổi khí hậu
Mục đích trồng rừng vùng cát chủ yếu là trồng rừng phòng hộ và cải thiện sinh thái. Đặc biệt là trong giai đoạn biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lụt bão và sự xâm nhập của nước mặn diễn ra ngày càng phức tạp, trong đó vùng cát ven biển hứng chịu tác động lớn nhất. Vì vậy trong đánh giá, khả năng chống chịu và cải thiện môi trường được quan tâm đặc biệt hơn là các giá trị khác của rừng mang lại, nhất là lợi ích kinh tế.
2.2.1.3. Quan điểm tích hợp trong đánh giá hiệu quả mô hình rừng trồng
Thực tế cho thấy rằng rừng trồng vùng cát ven biển chủ yếu được đầu tư và thực hiện bởi đơn vị nhà nước, đất đai nghèo xấu và hiệu quả kinh tế thấp nên khó huy động người dân tham gia. Do đó, khi phát triển rừng trồng vùng cát ven biển cần gắn liền với chương trình phát triển nông thôn mới, góp phần cải thiện sinh kế và an sinh xã hội, đặc biệt là sự tham gia của người dân ngày càng tăng nhờ những lợi ích khác của rừng mang lại. Thực tế các yếu tố này đã tồn tại và chi phối để hình thành nên các giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên trong từng điều kiện cụ thể, theo địa phương cần xác định những đặc trưng để xác định mức độ giá trị của các yếu tố và cho điểm đánh giá phù hợp.
2.2.2. Thiết lập bộ công cụ đánh giá trong nghiên cứu
2.2.2.1. Bộ tiêu chí đánh giá các mô hình rừng trồng
Trên cơ sở lý luận và phân tích về đối tượng nghiên cứu rừng trồng, bốn chỉ tiêu sử dụng để đánh giá hiệu quả các mô hình theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu với 17 tiêu chí được xây dựng cụ thể như sau:
– Chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả kinh tế: gồm 3 tiêu chí (Đơn vị tính: Việt Nam đồng) là (1) Chi phí (chi phí nhân công, chi phí vật tư, chi phí bình quân/năm); (2) Thu nhập (tổng thu nhập, thu nhập ròng, thu nhập ròng bình quân/năm) và (3) Lãi suất đầu ra của mô hình.
– Chỉ tiêu đánh giá về mặt xã hội: gồm 4 tiêu chí là (1) Mức độ hài lòng của người dân về giá trị của mô hình mang lại; (2) Số hộ áp dụng mô hình này trong xã; (3) Khả năng lan rộng về quy mô và lý do lan rộng; (4) Điều kiện lan rộng mô hình.
– Chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả môi trường: gồm 5 tiêu chí là (1) Hiệu năng phòng hộ chắn gió; (2) Khả năng cố định cát; (3) Cải thiện nhiệt độ đất; (4) Cải thiện độ ẩm đất và (5) Khả năng cải tạo đất qua vật liệu rơi rụng dưới tán rừng.
– Chỉ tiêu đánh giá về khả năng chống chịu: gồm 5 tiêu chí là (1) Khả năng chịu nóng; (2) Khả năng chịu hạn; (3) Khả năng chịu ngập úng, (4) Khả năng chịu mặn và (5) Sức sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
2.2.2.2. Phương pháp đánh giá khả năng bền vững các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu
Để đánh giá khả năng bền vững các mô hình rừng trồng vùng cát ven biển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi tiến hành xác định điểm và trọng số điểm cho các tiêu chí đánh giá. Đối với các tiêu chí đánh giá được cho 1 điểm nhưng với các hệ số khác nhau tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của chúng. Trong đó có 3 mức trong số 1, 2 và 3 để đưa vào để cho điểm và đánh giá (Nguyễn Đức Vũ và CS, 2013).
– Nhóm các tiêu chí thuộc hệ số 3 (4 tiêu chí): Sức sinh trưởng và phát triển của cây trồng; Khả năng lan rộng về quy mô và lý do lan rộng; Khả năng cố định cát; Khả năng chịu hạn;
– Nhóm các tiêu chí thuộc hệ số 2 (gồm 6 tiêu chí): Điều kiện lan rộng mô hình; Khả năng cải tạo đất qua vật liệu rơi rộng dưới tán rừng; Cải thiện độ ẩm đất; Khả năng Chịu nóng; Khả năng chịu mặn và Hiệu năng phòng hộ chắn gió;
– Nhóm các tiêu chí thuộc hệ số 1 (gồm 7 tiêu chí): Chi phí; Thu nhập; Lãi suất đầu ra của mô hình; Mức độ hài lòng của người dân về giá trị của mô hình mang lại; Số hộ áp dụng mô hình này trong xã; Cải thiện nhiệt độ đất; và Khả năng chịu ngập úng.
Tổng số điểm tối đa cho các mô hình là: (4×3) + (6×2) + (7×1) = 31 điểm.
Cách tính điểm cho các tiêu chí và chỉ tiêu:
Cách tính điểm cho mỗi tiêu chí được đánh giá theo mức độ so sánh giữa các loài cây trồng và số lượng loài cây trồng lâm nghiệp trên vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc đánh giá điểm cho từng chỉ tiêu: Ví dụ, nếu tiến hành cho 5 loài cây khác nhau (Phi lao, Keo lai, Keo lá tràm, Keo lá liềm và Keo chịu hạn ứng với 5 dạng mô hình trồng rừng) trên vùng cát ven biển thì khi so sánh thứ bậc, mỗi bậc cách nhau 0,2 điểm (tính theo thang điểm 1,0). Do đó thang điểm để đánh giá cho một chỉ tiêu bất kỳ trong số 5 loài cây đánh giá được chia ra là 0,2; 0,4; 0,6; 0,8 và 1,0.
Khi tính điểm cho các tiêu chí ứng với từng loài cây trồng (mô hình rừng trồng) cũng dựa trên cơ sở so sánh thứ bậc giữa 5 loài cây đem so sánh. Do đó, điểm đánh giá cho mỗi tiêu chí cũng được phân theo thứ hạng ứng với mỗi bậc 0,2. Ví dụ, đánh giá điểm cho tiêu chí về khả năng chắn cắt bay của các loài cây lâm nghiệp, loài có khả năng chắn cát bay tốt nhất: 1 điểm; thứ hai: 0,8; thứ ba: 0,6; thứ tư: 0,4 và chắn cát bay kém nhất là 0,2 điểm.
Xác định khoảng điểm cho các mức độ thích ứng và bền vững các mô hình trồng rừng:
Trên cơ sở phân tích, nghiên cứu xác định có 3 mức độ thích ứng và bền vững và chúng được phân cách theo các khoảng đều nhau bao gồm: Mức 1: Từ 20,6 – 31,0 điểm; Mức 2: Từ 10,3 – 20,6 điểm và Mức 3: Từ 1 đến 10,3 điểm.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Hiện trạng rừng trồng vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế
Vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm 32 xã thuộc 5 huyện và có vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm bên bờ biển Đông và chạy dọc theo hướng Bắc – Nam. Có tọa độ địa lý: Từ – Từ 16012’ 00’’ đến 16021’ 00’’ độ vĩ Bắc; Từ 107018’ 00’’ đến 108000’ 00’’ độ kinh Đông. Ranh giới: Phía Bắc giáp huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị; Phía Nam giáp Thành phố Đà Nẵng; Phía Đông giáp biển Đông và Phía Tây giáp các xã còn lại của các huyện trong tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (2015), từ năm 2000 đến 2015 vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được nhiều dự án đầu tư phát triển rừng trồng phòng hộ. Diện tích rừng trồng của các dự án trên vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2000-2015 được tổng hợp ở bảng 1.
Vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều dự án đầu tư với tổng diện tích rừng trồng lên đến 5.062,9 ha. Trong đó dự án 661 đầu tư với diện tích lớn nhất và đạt trên 3,760 ha. Ngoài ra có các dự án khác đầu tư bao gồm dự án JIFPRO, dự án Phần Lan với diện tích theo lần lượt 663,5 ha và 215 ha. Ngân sách địa phương và các dự án khác đầu tư tổng diện tích là 419,2 ha. Nhìn chung, công tác trồng rừng vùng cát ven biển được chính quyền địa phương quan tâm và tỷ lệ diện tích trồng rừng về cơ bản phủ xanh các phần diện tích đất cát ven biển tại 32 xã thuộc 5 huyện vùng cát của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo kế hoạch trồng rừng vùng cát ven biển của tỉnh, diện tích rừng trồng có chất lượng ngày càng nâng cao và tỷ lệ sống đạt trên 90%, cơ cấu cây trồng đa dạng góp phần nâng cao hiệu năng phòng hộ đồng thời tăng thu nhập cho người dân. Số liệu tổng hợp diện tích rừng trồng trên vùng cát ven biển phân theo các huyện ở tỉnh Thừa Thiên Huế được chỉ ra ở bảng dưới.
Vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trên 32 xã thuộc 5 huyện Phong Điền (11 xã và 1 thị trấn), Phú Lộc (3 xã và 1 thị trấn), Phú Vang (12 xã), Quảng Điền (3 xã) và huyện Hương Trà (2 xã). Trong đó, huyện Phong Điền có tổng diện tích rừng trồng lớn nhất và đạt 2.762,5 ha, chiếm 46,1% tổng diện tích rừng trồng vùng cát trong toàn tỉnh. Tiếp theo là huyện Phú Lộc chỉ trồng rừng trên một thị trấn và hai xã nhưng diện tích rất lớn và đạt 2,052,3 ha, chiếm tỷ lệ 34,3% tổng diện tích rừng trồng vùng cát. Các huyện vùng cát còn lại gồm Phú Vang, Quảng Điền và Hương Trà có diện tích rừng trồng thấp và giảm dần theo lần lượt 557,5 ha, 423,7 ha và 193,0 ha. Hương Trà là huyện có diện tích rừng trồng vùng cát chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ đạt xấp xỉ 3,2% so với tổng diện tích rừng trồng vùng cát của tỉnh.
Kết quả tổng hợp và phân tích chứng tỏ rằng diện tích rừng trồng vùng cát với mục đích phòng hộ có 3,913,6 ha (chiếm 65,4% tổng diện tích), trong khi đó diện tích trồng rừng sản xuất trên vùng cát là 2,075,4 ha (chiếm khoảng 34,5%). Diện tích rừng trồng sản xuất trồng tập trung chỉ ở hai huyện Phong Điền (1.807,0 ha) và Quảng Điền (268,4 ha). Trong đó đáng chú ý là diện tích rừng trồng sản xuất trên vùng cát ở một số xã của huyện Phong Điền với diện tích rất cao bao gồm xã Phong Hòa (717,4 ha), Phong Chương (530,0 ha) và xã Điền Hương (281,0 ha). Các huyện vùng cát còn lại có diện tích chủ yếu là trồng rừng phòng hộ bao gồm huyện Phú Lộc, Phú Vang và Hương Trà.
Số liệu phân tích cũng chỉ ra rằng, trong số 32 xã và thị trấn thuộc vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, có đến 7 xã (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc; xã Phú Xuân, Phú An, Phú Mỹ, Vinh Hà và Phú Đa, huyện Phú Vang và xã Hương Phong, huyện Hương Trà) và một thị trấn (Thị trấn Phong Điền) không có diện tích rừng trồng. Trong đó các xã tập trung chủ yếu ở huyện Phú Vang với 5 xã.
3.2. Đa dạng loài cây trồng lâm nghiệp vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế
Kết quả điều tra và phân tích hiện trạng rừng trồng qua các năm tại các xã Điền Hương, huyện Phong Điền; xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền và xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang đã xác định được có năm loài cây lâm nghiệp trồng rừng chủ yếu trên vùng cát ven biển (loài cây trồng rừng tập trung, diện tích lớn với mục tiêu phòng hộ là chính) là Phi lao, Keo lá tràm, Keo lai, Keo lá liềm và Keo chịu hạn.
Các loài cây được trồng rừng tập trung và thuần loài ở các xã điều tra. Kết quả nghiên cứu tại các xã và huyện được chọn, bước đầu chứng tỏ rằng hiện nay ở vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế gồm có năm loài cây trồng lâm nghiệp được trồng chủ yếu là Phi lao, Keo lá tràm, Keo lai, Keo lá liềm và Keo chịu hạn. Trong đó, diện tích và vị trí trồng của các loài cây có sự khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và mục đích trồng trên vùng cát ven biển. Điều đó cho thấy rằng loài cây trồng lâm nghiệp đưa vào gây trồng ở vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế là chưa đa dạng, chủ yếu là phi lao và nhóm các loài keo đã được gây trồng lâu nay. Thực tế đã mở ra một hướng mới trong việc nghiên cứu thử nghiệm một số loài cây bản địa sinh trưởng phù hợp ở vùng cát ven biển nhằm tăng giá trị đa dạng sinh học và nâng cao hiệu năng phòng hộ của rừng, thay thế các loài cây nhập nội mọc nhanh như hiện nay.
3.3. Kết quả phân tích hiệu quả các mô hình rừng trồng vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế
3.3.1. Kết quả đánh giá các mô hình rừng trồng
Để đánh giá tổng hợp hiệu quả các mô hình rừng trồng tại khu vực nghiên cứu, các nhóm tiêu chí được đưa vào đánh giá về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và tính chống chịu. Với mục tiêu đánh giá chọn loài cây có khả năng gây trồng và thích ứng cao với điều kiện khắc nghiệt của đặc điểm khí hậu trên vùng đất cát, đồng thời có khả năng thích ứng dưới tác động của biến đổi khí hậu (gió bão, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng và xâm thực nước mặn…), nhóm tiêu chí về môi trường và khả năng chống chịu được đánh giá với trọng số cao. Trong đó giá trị về kinh tế thường không được chú trọng đối với trồng rừng trên vùng cát ven biển nên chỉ đánh giá ở mức độ thấp. Số liệu tổng hợp các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tổng hợp hiệu quả các mô hình rừng trồng vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế được chỉ ra ở bảng 3.
Trong số 4 chỉ tiêu và 17 tiêu chí cụ thể cho các loài cây trồng rừng trên vùng cát ven biển cho thấy rằng ứng với mỗi chỉ tiêu chúng có giá trị điểm khác nhau. Xét về mặt hiệu quả kinh tế, rừng trồng Phi lao cho hiệu quả cao nhất và nổi trội về tổng số điểm, trong đó tiêu chí về thu nhập và lãi suất lại đạt số điểm cao nhất.
Đối với chỉ tiêu về mặt xã hội, mô hình rừng trồng Phi lao và rừng trồng Keo lá liềm có số điểm lớn nhất và thứ hai theo lần lượt 6,4 điểm và 6,2 điểm. Trong khi đó rừng trồng Keo lai (2,2 điểm) và Keo chịu hạn (2,4 điểm) có ý nghĩa về mặt xã hội thấp. Về chỉ tiêu giá trị môi trường và khả năng chống chịu, rừng trồng Keo lá liềm thể hiện nổi bậc và vượt trội so với các mô hình rừng trồng khác về số điểm và theo lần lượt là 9,4 điểm và 10 điểm. Phi lao vẫn là loài thể hiện hiệu quả của nó với tổng điểm của chỉ tiêu về môi trường 7,4 điểm và 7,6 điểm. Rừng trồng Keo chịu hạn thể hiện giá trị điểm khá cao đối với chỉ tiêu về tính chống chịu và môi trường. Rừng trồng Keo lai mang lại hiệu quả tốt hơn so với rừng trồng Keo lá tràm nhưng khả năng chống chịu lại kém hơn rừng trồng Keo chịu hạn và Keo lá tràm.
3.3.2. Xếp hạng mức độ bền vững các mô hình theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu
Dựa trên kết quả phân tích tổng hợp và cho điểm theo các tiêu chí đối với 5 loài cây trồng rừng trên vùng cát ven biển nghiên cứu đã đưa ra được tổng số điểm cho từng loài cây trồng cũng như xác định mức độ bền vững khi phát triển các mô hình đó vào sản xuất trong thời gian tới. Kết quả được trình bày ở bảng 4.
Số liệu ở bảng 4 chỉ ra rằng các mô hình đánh giá có tổng điểm lớn hơn 13 điểm và trên quan điểm về mức độ bền vững thì các mô hình đều đạt từ mức trung bình trở lên. Trong đó đáng chú ý là hai mô hình trồng rừng Keo lá liềm và trồng rừng Phi lao có mức độ bền vững cao (mức 1), có giá trị điểm tổng lớn nhất và nhì theo lần lượt là 27,2 điểm và 23,6 điểm. Ba mô hình còn lại đều đạt ở mức độ trung bình và có số điểm được xếp từ cao xuống thấp theo thứ tự là rừng trồng Keo chịu hạn (15,0 điểm), rừng trồng Keo lá tràm (14,4 điểm) và rừng trồng Keo lai (13,2 điểm).
Qua những số liệu phân tích và đánh giá, nhìn chung các loài cây trồng lâm nghiệp được lựa chọn gây trồng trên vùng đất cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đều mang lại hiệu quả khá cao. Đây là kết quả của quá trình trồng thử nghiệm lâu dài tại địa phương. Tuy nhiên thực tế trên vùng cát ven biển, điều kiện lập địa và sinh thái có những khác biệt nhất định giữa các địa phương. Do vậy, việc chọn và đề xuất loài cây trồng phù hợp tại vùng sinh thái khác nhau có ý nghĩa thực tiễn và khoa học rất lớn.
3.4. Đề xuất các mô hình trồng rừng trên vùng cát ven biển có khả năng chống chịu cao và thích ứng biến đổi khí hậu
Dựa vào kết quả phân tích tổng hợp hiệu quả của các mô hình rừng trồng cũng như số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội trên vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, nghiên cứu bước đầu đề xuất các mô hình rừng trồng có khả năng chống chịu và thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai.
Mô hình rừng trồng Phi lao: Trồng rừng thuần loài trên các khu vực sát với mép bờ biển (nơi không chịu tác động của sóng hàng ngày) và cách mép bờ biển từ 100-200m và khu vực vùng cát nội đồng. Mật độ rừng trồng giao động từ 5.000 – 10.000 cây/ha. Mục đích trồng rừng sản xuất (cung cấp gỗ củi nhằm góp phần cho thu nhập) và trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn sóng và bảo vệ đồng ruộng, làng mạc (Bộ NN&PTNT, 2000).
Mô hình trồng rừng Keo lá liềm: Trồng rừng thuần loài hoặc có thể trồng xen với Keo chịu hạn (Đặng Văn Thuyết và CS, 2009) ở khu vực cát di động hoặc bán di động và cách bờ biển khoảng trên 200-300m. Nên bố trí trồng phía sau các đai rừng Phi lao tính từ phía bờ biển vào. Mật độ rừng trồng khoảng 3.300 cây/ha. Trồng rừng mục đích phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái và cố định cát là chính, đồng thời kết hợp cung cấp gỗ củi hay gỗ sản xuất bột giấy (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, 2014).
Đối với các loài cây Keo lá tràm và Keo lai trồng phù hợp trên vùng đất cát cố định và đất cát nội đồng có độ ẩm khá. Trồng rừng thuần loài hoặc hỗn loài Keo lá tràm và Keo lai với mật độ tương đương 2.500 cây/ha. Trồng rừng chủ yếu với mục đích cải thiện điều kiện môi trường sinh thái, cung cấp gỗ củi, gỗ dân dụng và gỗ sản xuất bột giấy.
4. KẾT LUẬN
Trong số năm mô hình rừng trồng chủ yếu trên vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá, hai mô hình có tính bền vững cao theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay xếp theo thứ tự ưu tiên bao gồm (1) Rừng trồng Keo lá liềm và (2) Rừng trồng Phi lao. Ba mô hình còn lại có mức độ hiệu quả trung bình, ở mức độ hai và được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là (1) Rừng trồng Keo chịu hạn, (2) Rừng trồng Keo lá tràm và (3) Rừng trồng keo lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
2. Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (2015). Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020. 3. Phạm Thế Dũng, Phạm Ngọc Cơ và Lê Thanh Quang. Chọn cây trồng có khả năng chịu mặn không thuộc họ cây ngập mặn (Mangrove) để trồng rừng trong các mô hình lâm ngư kết hợp và vùng đất nhiễm mặn. Phân Viện nghiên cứu khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. 4. Nguyễn Đăng Hào (2012). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ tại vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, tập 72B, Số 3, năm 2012. 5. Đặng Văn Thuyết (2014). Đánh giá hiệu quả mô hình Nông Lâm kết hợp hiện có và đề xuất mô hình phát triển bền vững cho vùng cát ven biển Bắc Trung Bộ. Báo cáo kết quả Chương trình nghiên cứu Việt Nam – Hà Lan thực hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. 6. Đặng Văn Thuyết và Triệu Thái Hưng (2009). Kỹ thuật trồng rừng Keo difficilis trên đất cát ven biển. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. 7. Nguyễn Đức Vũ và Nguyễn Hoàng Sơn (2013). Đánh giá tổng hợp hiệu quả của các mô hình Nông Lâm kết hợp theo hướng phát triển bền vững dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM, Số 47 năm 2013. 8. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (2014). Kỹ thuật trồng Keo lá liềm. |
Phạm Cường – Đinh Thị Hương Duyên – Vũ Thị Thùy Trang – Nguyễn Lan Phương (Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Huế)
Người phản biện: PGS.TS Dương Viết Tình, Trường Đại học Nông lâm Huế
Ngày nhận bài: Tháng 4/2016
Ngày phản biện thông qua: tháng 5/2016
Ngày duyệt đăng: tháng 6/2016