BVR&MT – Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi Việt Nam có sản lượng khai thác thủy hải sản ngày càng tăng thì việc đảm bảo các điều kiện tiến hành an toàn hiệu quả là cần thiết.
Đáng chú ý, việc khai thác đó còn phải đảm bảo các yêu cầu, quy chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là khi khai thác phục vụ xuất khẩu sang các vùng, khu vực có những yêu cầu, đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng khắt khe như: Châu Âu, Hoa Kỳ…
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trên cơ sở khuyến cáo, khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU), các cấp, ngành có liên quan ở Việt Nam và khai thác thủy hải sản đã tập trung hoàn thiện nhiều nội dung, giải pháp kỹ thuật.
Trước tiên, tập trung hoàn thiện khung pháp lý, trong đó hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thuỷ sản 2017 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được xây dựng đảm bảo tương thích với các quy định quốc tế như Công ước Luật biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc, Bộ luật nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU, hướng dẫn của FAO về trách nhiệm quốc gia treo cờ trong lĩnh vực thủy sản, và đáp ứng cơ bản 26 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Liên quan tới tiến độ gia nhập Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng và Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 89 ngày 06/7/2018 về việc gia nhập Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc. Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO vào ngày 03/1/2019. Đồng thời, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2054/2018 ngày 13/11/2018 về việc gia nhập Hiệp định thực thi các quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển ngày 10/12/1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa (Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc). Liên hợp quốc đã có Tuyên bố C.N.599.2018 Treaties-XX1.7 về việc Việt Nam gia nhập Hiệp Định và chính thức có hiệu lực vào ngày 17/01/2019.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2018, đã tổ chức 04 Hội nghị triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật, 22 lớp tập huấn cho 2600 đối tượng của cơ quan quản lý trung ương, cơ quan quản lý địa phương, ban quản lý cảng cá, chuyên gia, ngư dân, doanh nghiệp. Riêng Quý I/ 2019, đã tổ chức 07 Hội nghị với 550 người tham gia về các quy định cụ thể trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (03 Hội nghị tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam), khai thác thủy sản (02 Hội nghị tại khu vực miền Bắc và miền Trung), và phổ biến luật và các văn bản hướng dẫn Luật (02 hội nghị).
Cùng với đó, đã triển khai hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá, trong đó, xây dựng kế hoạch và lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên. Theo quy định tại Điều 50, Luật Thủy sản năm 2017, tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó Điều 44 Nghị định 26/2019 ngày 8/3/2019 đã quy định lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu có chiều dài từ 24 mét trở lên phải xong trước 1/7/2019; tàu câu cá ngừ, lưới kéo có chiều dài từ 15-24 mét xong trước 01/01/2020 và số tàu có chiều dài từ 15 mét còn lại xong trước 1/4/2020. Hiện, một số địa phương đã tiến hành thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới như: Cà Mau (294 thiết bị được lắp đặt trong đó 31/53 cho tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên) và Kiên Giang (436 thiết bị được lắp đặt, trong đó có 40/625 cho tàu cá chiều dài từ 24 mét trở lên). Bên cạnh đó, từ ngày 23/10/2017 đến nay đã ban hành 60 văn bản thông báo các trường hợp các tàu cá có hình ảnh vi phạm tại vùng biển nước ngoài với thông tin 110 tàu tập trung tại các tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Phú Yên, Quảng Nam…
Ngoài ra, Bộ cũng đã hướng dẫn sửa đổi quy trình kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; sửa đổi quy trình giám sát việc bốc dỡ thủy sản tại cảng và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc; điều chỉnh quy định về kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam.
Đáng chú ý, tăng cường kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác; tăng cường công tác kiểm soát tàu cá xuất bến và kiểm soát tàu cá tại cảng như: sổ nhật ký, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; kiểm tra các thiết bị an toàn, hàng hải trên tàu: đèn, phao cứu sinh, thông tin liên lạc trên tàu, thiết bị giám sát hành trình theo quy định; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nghề cá và bảo vệ nguồn lợi Thủy sản (Quy chế số 18 ngày 18/9/2018 giữa Tổng cục Thủy sản và Bộ Tư lệnh BĐBP; Quy chế số 1499 ngày 10/5/2016 giữa Tổng cục Thủy sản và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển).
Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác được đặc biệt chúViệc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thá trọng. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, đã cấp 4.589 Giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản và 75.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU. Riêng Quý I/2019 cấp 856 Giấy chứng nhận bằng 12.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU.
Hơn nữa, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai các quy định mới về xác nhận nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác được quy định tại Thông tư 21/2018, cụ thể: Công bố cảng cá chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác qua cảng; Bộ đã công bố 03 đợt cho 57/83 cảng cá đủ điều kiện. Đồng thời, kiểm soát tàu cá cập cảng, kiểm soát sản lượng lên bến, cụ thể: Một số cảng cá đã thực hiện việc giám sát số lượng tàu cá vào cập cảng, bốc dỡ thủy sản, sản lượng thủy sản, thành phần loài bốc dỡ qua cảng; cử cán bộ giám sát tàu cá và việc bốc dỡ thủy sản tại cảng, ghi chép, cập nhật vào sổ. Văn phòng thanh tra kiểm soát tại cảng đã triển khai kiểm tra tàu cá vào, ra cảng. Ghi chép vào các biên bản kiểm tra khi tàu vào, tàu rời cảng và cập nhật vào sổ theo dõi theo mẫu quy định…
Có thể thấy, ngành NN&PTNT đã, đang và sẽ quyết liệt trong triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động khai thác thủy hải sản, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thủy hải sản Việt cũng như phát triển bền vững hoạt động này song song với hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.