BVR&MT – Không chỉ bị ám ảnh bởi những tai nạn thương tâm, người dân vùng mỏ còn hàng ngày bị tra tấn bởi khói bụi, tiếng máy khoan và cả những trận rung lắc do nổ mìn phá đá.
• “Đá, máu và nước mắt” (Kỳ 1): Phận phu đá
[Video Clip] Khai thác đá tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
Tại huyện Lương Sơn hầu như xã nào cũng có mỏ đá, nhưng cá biệt như xã Cao Dương thì có đến 10 mỏ cùng khai thác, có mỏ cách khu dân cư chỉ vài trăm mét hoặc quả đồi nên khi hàng trăm kilogam, thậm chí có khi hàng tấn thuốc nổ đồng loạt công phá thì cả vùng dân cư lại tá hỏa.
“Nhà tôi nứt 7 đường trên trần nhà và mỗi lần mìn nổ, tường nhà rung lên rất mạnh, thậm chí có lần đá còn bay sang cả sân, mẹ con phải rủ nhau đi tránh” – Bà T., người dân thôn Đồng Đăng, xã Cao Dương, sống cách mỏ đá Ngọc Thảo chỉ một quả đồi, cho hay.
“Ở đây hàng ngày mìn vẫn cứ nổ to như thế, có khi hàng tấn mìn nổ cùng lúc, nổ rung cả nhà, có hôm thì 11h30, có hôm 14h vì họ làm thông tầm, bình quân họ nổ ngày hai lần” – tâm sự của người dân thôn Ngái Om, xã Cao Dương được ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch xã chia sẻ và xác nhận. Ông Hùng cho hay Công ty Ngọc Thảo trong quá trình sản xuất đã làm nứt nhà, tường và hỏng mái của tổng cộng 17 hộ, hiện đã đền bù từ 3 triệu đến 14 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, trên địa bàn còn có cả mỏ Cao Dương, Cao Thắng cũng gần dân và bị phản ánh nổ mìn văng đá sang cả khu sản xuất.
Riêng một số mỏ thuộc xã Thành Lập, huyện Lương Sơn thì đứng từ đường Hồ Chí Minh cũng có thể thấy rõ mọi hoạt động khai thác của chủ mỏ. Đáng lo ngại là một số mỏ dồn 3-4 ngày thuốc nổ để nổ một lần nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, có khi lượng thuốc nổ lên đến hàng tấn, gần như một quả bom. Các chủ mỏ sẽ tiến hành đặt khoan nhiều mũi rồi nhồi thuốc một thể, vừa tiết kiệm ngày công, vừa phá được nhiều đá.
Bản thân chính quyền xã cũng nhận thấy thực trạng bất cập nhưng chỉ dừng ở mức nhắc nhở vì thẩm quyền kiểm tra, xử phạt ngoài tầm của xã. Phó Chủ tịch xã Thành Lập phân bua với chúng tôi: “Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường có quy định thời gian nổ nhưng hầu như các doanh nghiệp không chấp hành. Giờ nổ mìn được các chủ mỏ ghi trên bảng ở công trường khai thác và thông báo đến chính quyền, nhân dân từ 11-12h và 17-18h nhưng có khi nổ từ 13-14h, chính quyền nhắc thì họ bảo lỗi kỹ thuật hoặc phải xử lý tình huống khi hòn đá to không vào máng nghiền đươc, phải cho nổ lâu hơn. Xã cũng đã thành lập tổ giám sát và cho anh em đi nhắc nhở doanh nghiệp nhưng kiểm tra thì xã không đủ thẩm quyền”.
Mới hồi tháng 8, Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã kịp ngăn chặn một vụ nổ mìn khối lượng lớn ở xóm Lộc Môn, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn. Theo đó, khu vực khai thác đá của một nhà máy xi măng đang chuẩn bị nổ thuốc loại Anfo: 1.550 kg; thuốc nổ loại Nhũ tương 2.352 kg; 212 chiếc kíp điện loại Visai; 1.500m dây điện dẫn nổ thì bị phát giác. Thời điểm lực lượng công an phát hiện đã có một số lượng lớn thuốc nổ được nạp vào 150 lỗ khoan trên núi đá. Tại hiện trường còn lại 781 kg chưa kịp nhồi. Công an tỉnh và Bộ chị huy quân sự tỉnh đã phối hợp hủy toàn bộ vật liệu nổ sau đó.
Thực tế đây chỉ là vụ hy hữu bị ngăn chặn, còn việc các mỏ nổ mìn quá số lượng hoặc quá thời gian quy định xảy ra tương đối phổ biến.
Không chỉ bị uy hiếp bởi vấn nạn nổ mìn, khoan đá, cuộc sống nhiều người dân quanh khu vực mỏ còn bị ngộp thở bởi khói, bụi, ô nhiễm nguồn nước.
Sau mỗi tiếng nổ là bụi đá bay dày đặc và cảnh những xe tải hàng chục tấn lăn xả ầm ầm để “lấy hàng”. Điểm đến của những chuyến xe này là các nhà máy nghiền đá làm vật liệu xây dựng hoặc sản xuất xi măng. Đặc biệt, sau khi qua sơ chế, chúng tiếp tục được chở về khu vực Hà Nội để phục vụ các trạm trộn hoặc công trình xây dựng.
Có mặt tại khu vực cầu Cời, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, cách khu vực khai thác đá của mỏ đá Hồng Quân, Thành Hiếu và nhà máy xi măng Vĩnh Sơn không xa, bầu không khí lúc nào cũng u ám bởi bụi quẩn, tiềng ồn ào của xe tải và tiếng máy khoan, máy xúc, máy nghiền inh ỏi khắp vùng.
“Sống ở đây bụi quá, bụi trắng cả ngọn cây, ruộng vườn, chúng tôi suốt ngày đóng cửa ở trong nhà, ở đây có khoảng 30 – 40 hộ dân đều sống trong cảnh này” – bà Bùi Thị Thắng, thôn Ngái Om, xã Cao Dương bức xúc.
Không chỉ bị bụi bủa vây, nhiều người dân xã Cao Dương còn phản ánh tình trạng nguồn nước ở hồ, suối bị ô nhiễm nghiêm trọng do một số mỏ đá thải nước rửa cát. Do gần đây cát tự nhiên khan hiếm nên nhiều mỏ đầu tư dây chuyền nghiền đá thành cát nhân tạo rồi dùng một khối lượng nước lớn để rửa loại cát này và xả thẳng các luồng nước đen ra công cộng.
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử, lãnh đạo xã Thành Lập và Cao Dương đều thừa nhận sự “bất lực” trước tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ các mỏ đá. Nhiều lần đốc thúc doanh nghiệp nhưng không ăn thua, xã chỉ biết báo cáo lên huyện để cấp trên cử đoàn xuống kiểm tra.
Khi sự “bất lực” này được nhóm phóng viên truyền đạt tới Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, chúng tôi chỉ nhận được lời hứa từ vị Chánh văn phòng rằng sẽ trình lãnh đạo và chủ động liên lạc lại với phóng viên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào. Phòng TN&MT huyện cũng “chối” khéo bằng cách “gia hạn” câu trả lời về kết quả kiểm tra, giám sát môi trường tại các mỏ.
Hậu Thạch