“Đá, máu và nước mắt” (Kỳ 1): Phận phu đá

BVR&MT – Khi mũi khoan cuối cùng được rút ra, nhóm công nhân sẽ vác từng bao thuốc nổ lên những mỏm đá nhọn hoắt hoặc những triền đá cao để nhồi và kích nổ… Sau tiếng nổ vang trời, đất đá bắn tung tóe, bụi bay mù mịt, các máy móc tiếp tục lao vào xúc và chở đá đi… Đây là quy trình rất đỗi bình thường ở các mỏ đá, nhưng không ít lần dưới những lớp đá lổn nhổn có cả máu của những người thợ.

Nổ mìn để khai thác đá tại một mỏ đá ở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Anh Bùi Văn Minh (SN 1988, trú tại xóm Mái, xã Trung Sơn) là một trong những thợ đá xấu số như thế. Anh vào làm tại mỏ đá Hồng Quân mới vỏn vẹn 1,5 ngày thì bị tai nạn. Có người bảo anh bị điện giật, chủ mỏ lại nói anh bị cảm. Cuối cùng, chẳng biết anh ra đi vì lý do gì, chỉ biết chủ mỏ tới nhà thương lượng và đền bù tất thảy 120 triệu đồng.

“Nói thật con tôi mất rồi tôi phải đòi như mớ rau, mớ cá, mặc cả từng đồng. Không đòi sao họ cho? Lúc đầu họ bảo 110 triệu, đến lúc gia đình yêu cầu 150 triệu không được, về sau họ chốt 120 triệu và cho người mang đến một cục” – bà Bùi Thị Tặng, mẹ anh Minh ngậm ngùi chia sẻ.

Xóm Mái hiện có khoảng 100 thợ đá và trong hai năm gần đây có 2 trường hợp bị tử vong khi đang làm việc. Nằm kề xã Trung Sơn là xã Thành Lập, hồi tháng 7/2017 cũng có một công nhân bị đá văng vào người khi nổ mìn nhưng phía công ty không báo với chính quyền mà tự làm việc riêng với gia đình nạn nhân.

Mỏ đá Hồng Quân nơi xảy ra cái chết thương tâm của anh Minh.

Mới đây, thêm một công nhân ở mỏ đá thuộc xã Cao Dương, huyện Lương Sơn chết thảm vì tai nạn. Trước đó, anh Nguyễn Văn Tùng, người dân thôn Ngái Om, xã Cao Dương cũng tử vì nghiệp. Riêng xã Cao Dương, tính từ đầu năm đến nay, có tới 4 vụ tai nạn do đá, trong đó mỏ số 9 (2 vụ), mỏ số 5 (01 vụ) và mỏ số 7 (01 vụ).

“Gần như các mỏ đá khi xảy ra tai nạn đều không thông báo. Trường hợp gần nhất xảy ra tại mỏ đá của Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn, sau khi trưởng thôn thông tin thì chúng tôi cũng điều người xác minh gọi điện cho chủ mỏ, họ nói có người bị tai nạn lao động nhưng đã cho đi cấp cứu và đưa về quê an táng. Khi đó chúng tôi mới biết và công nhân này không phải người ở xã” – lãnh đạo xã Thành Lập cho biết.

Công nhân mỏ đá Hồng Quân đi lại trên vách đá.

Đúng như vị lãnh đạo xã phân trần, hầu hết những công nhân làm việc trong các mỏ đá khi xảy ra tai nạn sẽ được đưa thẳng đến bệnh viện cấp cứu, nếu không qua khỏi sẽ được công ty đưa thẳng về nhà và thỏa thuận với gia đình con số đền bù. Qua tìm hiểu phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường được biết, mỗi lao động bị nạn sẽ được hỗ trợ đền bù từ 100 đến 150 triệu đồng, trường hợp nào gia đình làm căng thì con số đền bù có thể nhích lên 200 triệu, thậm chí hơn.

Tuy nhiên, không dễ để chủ mỏ chốt ngay con số mà họ thường cử đại diện đến thương thuyết với gia đình và chắc chắn khi chủ mỏ trả tiền thì người thân nạn nhân không kiện tụng gì nữa. Cứ như vậy đến khi sự việc trôi dần vào dĩ vãng, chẳng có mấy ai khơi lại quá khứ hoặc quan tâm truy xét xem lỗi do đâu, tại ai bởi giữa người lao động và chủ mỏ làm gì có hợp đồng hay ràng buộc nào về mặt pháp luật.

Một số công nhân đang khai thác đá ở xã Cao Dương.

Được biết, hiện ở hầu hết các mỏ đá trên địa bàn huyện Lương Sơn có một người tên M. đứng ra để tuyển nhân công lao động để vào làm việc tại các công ty khai thác đá. Vậy nên, khi xảy ra tai nạn thì người này cũng đứng ra “đàm phán” hỗ trợ đền bù giữa công ty và người lao động. Vậy anh M. có vai trò gì trong các sự việc đã diễn ra? Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với anh M. theo số điện thoại mà người dân cung cấp nhưng bất thành.

Trao đổi về vấn đề này, anh Bùi Đức Chương, Trưởng xóm Mái, xã Trung Sơn cho biết: “Thực tế các doanh nghiệp trong quá trình thuê có trao đổi với công nhân là phải chuẩn bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn lao động chứ phía công ty ít khi trang bị cho người lao động. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều lao động một phần là do doanh nghiệp nhưng phần nữa là do chính người lao động bất cẩn”.

Hàng nghìn mét khối đá vừa được đánh sập bằng mìn.

Nhưng điều đáng tiếc hơn là trong các câu chuyện đau lòng này lại thiếu vắng gần như hoàn toàn tiếng nói và trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát vấn đề an toàn lao động tại các mỏ đá, chưa kể đến những sai phạm của doanh nghiệp trong việc không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như mũ, áo, gang tay, dây an toàn… cho công nhận và yêu cầu họ tuân thủ quy định. Thậm chí, khi xảy ra thương vong, cán bộ địa phương nhiều khi còn không hay biết.

Khi chúng tôi tiếp cận với một số thợ đá để hỏi thêm về điều kiện làm việc và các vấn đề an toàn lao động tại mỏ thì hầu hết đều e dè và từ chối chia sẻ với lý do sợ… mất việc. Trung bình họ nhận 8-10 triệu đồng tiền lương mỗi tháng. Số tiền này tuy không nhiều nhưng tạm đủ trang trải mưu sinh cho cả gia đình. Dù hiểm nguy nhưng vì thiếu việc làm, thiếu kế sinh nhai, nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động vẫn dấn thân và lựa chọn. Tiếc rằng, nhiều người đã phải nằm lại vùng mỏ khi tuổi đời còn quá trẻ!

Hậu Thạch