BVR&MT – Cùng với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ cùng sự bùng nổ các tòa nhà cao tầng, công trình bê tông hóa đã làm gia tăng hiệu ứng nhà kính và tình trạng nóng lên toàn cầu, kéo theo đó là biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Đây chính là những nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy cuộc cách mạng “Công trình Xanh” phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới.
Với những lợi ích to lớn mang lại cho môi trường sống con người từ các công trình xanh ở Việt Nam và thế giới nên trong diễn đàn Bất động sản thương niên lần thứ nhất do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức vào ngày 15/11 tại khách sạn JW Marriott (TP Hà Nội) chuyên đề về Công trình Xanh là 1 trong 4 chủ đề chính của Diễn đàn.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, tiêu chuẩn của một công trình xanh không chỉ là công trình phần xây xanh ở trên mái mà vật liệu cũng phải xanh. Tức là quá trình làm ra vật liệu xây dựng đó tốn ít dầu, ít than, ít điện, kiến trúc sư phải thiết kế xanh, kỹ sư phải thiết kế hệ thống kỹ thuật trong công trình giảm năng lượng và sử dụng được năng lượng xanh và năng lượng sạch…Tuy nhiên, tại Việt Nam còn có những rào cản như mức độ quan tâm, kiểm soát việc tuân thủ các nội dung, quy chuẩn ở một số cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, hay nguồn lực tài chính, ngân sách đầu tư cho tiết kiệm năng lượng còn hạn chế.
Cũng trong khôn khổ phiên thảo luận, Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia Công trình Xanh Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC nhận định: Việt Nam là một trong những nền kinh tế Châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua (bình quân 7,5%). Trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12% và tốc độ đô thị hoá là 3,4%/năm, dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025. Cũng trong thời gian này, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân 14%/năm. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chỉ chiếm một phần ba tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
Do đó, xu hướng Công trình Xanh được nhen nhóm từ những năm 1990 nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho cộng đồng. Trải qua hơn hai thập kỷ, làn sóng này đã và đang lan rộng tới nước ta và nhiều khu vực trên thế giới – bà Diệp cho biết thêm.
Do đó, trong thời gian tới, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ tập trung hướng thị trường theo xu hướng phát triển công trình tiết kiệm tiêu hao năng lượng, thải tối thiểu chất thải ra môi trường.
Đông Nghi – Huy Thịnh