BVR&MT – Không chỉ riêng thể chế pháp lý mà tất cả các vấn đề liên quan đến quy hoạch khoáng sản, thông tin đánh giá tiềm năng khoáng sản, cấp phép và giám sát hoạt động khoáng sản cũng như các nghĩa vụ tài chính, môi trường và xã hội mà doanh nghiệp khoáng sản cần thực thi đều cần được công khai, minh bạch.
Góp ý từ VCCI
Tại hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hội Địa chất Kinh tế và Liên minh khoáng sản tổ chức sáng 21/3/2017, VCCI đã công bố nghiên cứu về mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản, qua đó chỉ rõ lý do tại sao ngành khai khoáng cần phải công khai, minh bạch toàn diện để hài hòa lợi ích các bên và đảm bảo phát triển bền vững.
Về thể chế pháp lý: Mặc dù Hiến pháp Việt Nam quy định tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, song yêu cầu công khai, minh bạch lại chưa được chú trọng trong pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là Luật Khoáng sản. Do đó, cần bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch trong pháp luật về khoáng sản, cụ thể là Luật khoáng sản cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan nhằm đảm bảo sự xuyên suốt và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quy hoạch khoáng sản: Việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch khoáng sản được biểu hiện thông qua quá trình lấy ý kiến trước khi ban hành, sửa đổi quy hoạch và công bố quy hoạch sau ban hành. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến các bản quy hoạch khoáng sản hiện nay mới chỉ xoay quanh một số cơ quan Nhà nước trong khi đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản. Vì vậy, cần tăng cường tính minh bạch trong giai đoạn này thông qua việc đăng tải hồ sơ, gửi lấy ý kiến kết quả khoanh định khu vực cấm, tạm cấm trên website của cơ quan Nhà nước ít nhất 45 ngày. Đặc biệt, đối tượng được gửi hồ sơ lấy ý kiến không chỉ là các bộ ngành, UBND cấp tỉnh mà cần có cả ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và người dân địa phương chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch đó.
Theo quy định hiện hành, việc công bố các quy hoạch khoáng sản được thực hiện trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày quy hoạch khoáng sản được phê duyệt và thông thường, các văn bản quy hoạch này sẽ có hiệu lực ngay từ thời điểm ký. Như vậy, sẽ có một khoảng thời gian mà người dân và doanh nghiệp không biết đến một bản quy hoạch đã có hiệu lực. Do đó, cần lùi thời hạn có hiệu lực của quy hoạch khoáng sản lại để đảm bảo người dân và doanh nghiệp đều được biết về nội dung quy hoạch này.
Ngoài ra, việc công bố quy hoạch khoáng sản và các văn bản có ý nghĩa tương tự như quy hoạch cũng cần được thực hiện thống nhất tại website của Tổng cục địa chất và khoáng sản, đồng thời có thể đăng tải thêm trên website của Chính phủ và UBND địa phương nơi có khoáng sản.
Thông tin đánh giá tiềm năng khoáng sản: Việc doanh nghiệp tra cứu thông tin đánh giá tiềm năng khoáng sản đã được quy định thành một thủ tục hành chính, tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ các doanh nghiệp không biết thời điểm hiện tại, cơ quan Nhà nước có những thông tin nào để xin phép làm thủ tục tra cứu. Do đó, cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải công bố danh sách các thông tin về khoáng sản mà mình có.
Mặt khác, nhằm giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong trường hợp thông tin về đánh giá tiềm năng khoáng sản do Nhà nước cung cấp thiếu chính xác, cần sửa đổi quy định về thời điểm doanh nghiệp phải hoàn trả loại chi phí này. Cụ thể: Doanh nghiệp chỉ phải hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khi xin phép khai thác khoáng sản, còn khi xin phép thăm dò thì không cần hoàn trả bởi trong giai đoạn thăm dò, doanh nghiệp mới có cơ hội kiểm tra lại tính chính xác của thông tin do Nhà nước cung cấp. Hơn nữa, khi thăm dò thì mỏ khoáng sản cũng chưa mang lại lợi ích kinh tế nên việc hoàn trả chi phí là không hợp lý.
Cấp phép hoạt động khoáng sản: Minh bạch trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản cần tập trung vào việc tăng cường thực hiện cấp phép thông qua đấu giá thay vì thông qua hình thức không đấu giá như hiện nay. Những giải pháp có thể áp dụng bao gồm: Giảm bớt các trường hợp khoanh định khu vực không đấu giá hoạt động khoáng sản; công khai các quyết định đưa vào khu vực không đấu giá; tăng tính cạnh tranh khi xin cấp phép tại các mỏ không đấu giá và lấy ý kiến người dân trước khi cấp phép khai thác khoáng sản.
Giám sát hoạt động khoáng sản: Một trong những vấn đề khó khăn trong công tác quản lý khoáng sản hiện nay là cơ quan Nhà nước không đủ nguồn lực để giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm như khai thác khoáng sản trái phép, báo cáo thiếu sản lượng, không đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật do họ bị mất lợi thế cạnh tranh trước các doanh nghiệp vi phạm. Một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng này là dựa vào năng lực giám sát của người dân địa phương nơi có khoáng sản. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đối với người dân địa phương là họ không có đủ thông tin về các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản để có thể giám sát việc tuân thủ. Chẳng hạn, người dân không thể biết một khu vực đang có khai thác khoáng sản là hợp pháp hay không do họ không biết được danh sách giấy phép khai thác khoáng sản được cấp. Tương tự, người dân cũng có thể hỗ trợ Nhà nước trong việc giám sát sản lượng khai thác nhưng lại không có thông tin về công suất thiết kế. Vì vậy, việc công bố các thông tin liên quan đến người dân địa phương là hết sức cần thiết, đặc biệt là các thông tin về giấy phép khoáng sản đã cấp; về giám sát sản lượng khoáng sản và báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, báo cáo kết quả quản lý nhà nước về khoáng sản tới người dân.
Các nghĩa vụ tài chính, môi trường và xã hội: Theo quy định, các doanh nghiệp được Nhà nước giao vốn phải thực hiện báo cáo kết quả hoạt động và báo cáo tài chính, tuy nhiên, với các doanh nghiệp được Nhà nước giao mỏ khoáng sản thì lại chỉ phải báo cáo kết quả hoạt động khai thác thay vì cả báo cáo tài chính. Do đó, trong vấn đề này, pháp luật nên quy định theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ có giá trị lớn hơn một con số xác định thì phải công bố báo cáo tài chính. Bước đầu có thể quy định giá trị mỏ tương đối lớn để số lượng doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ nhỏ, sau mới giảm dần mức giá trị này để áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Trên thực tế, việc quản lý thu chi của doanh nghiệp khai khoáng và sử dụng các khoản đóng góp từ nguồn thu này cũng chưa được rõ ràng nên không ít nơi nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân địa phương và doanh nghiệp bởi người dân cho rằng doanh nghiệp chỉ tác động xấu chứ không có đóng góp gì cho địa phương. Nếu công khai việc sử dụng các khoản tiền dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì cũng góp phần làm giảm các mâu thuẫn không đáng có này.
Về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, đây là nguồn thu được sử dụng để phòng ngừa, khắc phục, ứng phó với các vấn đề môi trường gây ra bởi hoạt động khai thác, tuy nhiên, do khoản phí này được đưa vào ngân sách địa phương lại không tách riêng mục lục ngân sách nên rất khó theo dõi việc sử dụng đúng mục đích. Trong nhiều trường hợp, người dân địa phương không được hưởng lợi từ khoản phí này đã quay ra phản đối hoạt động của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp tốn thêm một khoản tiền nữa để thực hiện những công việc mà đáng ra chính quyền địa phương phải thực hiện do đã thu phí bảo vệ môi trường từ doanh nghiệp. Do vậy, công khai minh bạch công tác thu và sử dụng khoản kinh phí này là vô cùng quan trọng.
Ngoài những vấn đề trên, việc đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, do đó, các đề án này không chỉ phải được công khai mà còn cần có sự giám sát của người dân.
… và góc nhìn chuyên gia
Lắng nghe chia sẻ kết quả nghiên cứu do VCCI phối hợp Liên minh Khoáng sản thực hiện, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ phương thức/sáng kiến minh bạch. Theo ông Đào Đắc Tạo, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam, việc quản lý, thanh tra hoạt động khai khoáng hiện nay vẫn còn phân tán và chồng chéo. Cụ thể: nội dung cấp phép hoạt động khoáng sản thì do Bộ TN-MT quản lý nhưng hoạt động giám sát hoạt động khoáng sản lại do Bộ Công thương thực hiện. Do đó, nên chăng xem xét việc thành lập một Ủy ban Quốc gia về giám sát minh bạch và an toàn khoáng sản với sự tham gia đầy đủ của đại diện các bên liên quan, các bộ ngành, doanh nghiệp và cả xã hội dân sự hoặc Ủy ban Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI). Ngành than những năm trước cũng được dự án JICA tài trợ để thành lập một mô hình tương tự là Mô hình Ủy ban An toàn Quốc gia trong ngành than nên đây có thể xem là mô hình tốt để học hỏi và áp dụng.
Đồng thuận với quan điểm cần minh bạch toàn diện, ông Bùi Đức Hiền (Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính) cũng góp ý thêm về vấn đề điều tiết ngân sách và các khoản thu từ khai khoáng hiện nay. Ông cho rằng các thông tin về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng như các số liệu về trữ lượng, chất lượng khoáng sản hiện chưa được công khai đầy đủ hoặc chưa chính xác nên doanh nghiệp gặp khá nhiều rủi ro. Đối với khâu đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo ông Hiền, đã đấu giá nghĩa là đã bán quyền khai thác khoáng sản nhưng khi doanh nghiệp trúng đấu giá và bắt đầu khai thác, họ vẫn phải nộp thuế tài nguyên định kỳ dựa trên sản lượng khai thác và doanh thu. Điều này có vẻ không hợp lý lắm. Theo ông Hiền, cần đưa ra một cách thu tài chính khoáng sản để giảm thủ tục hành chính, thủ tục quản lý thuế và giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp (tính giá bán, kê khai, quyết toán và xác định doanh thu thực tế trong kỳ kê khai thuế…) theo hướng gộp tất cả vào thành một khoản thu duy nhất thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Khi đó, doanh nghiệp một mặt vẫn có thể hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, mặt khác vẫn có thể kiểm tra chéo lẫn nhau để đảm bảo một môi trường đầu tư công bằng trong khoáng sản.
Nhận định về vấn đề minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản cho rằng tùy từng chế độ sở hữu, quản lý khoáng sản và các bên liên quan mà mức độ minh bạch giữa các quốc gia cũng khác nhau. Theo ông, ở Việt Nam, nhu cầu về minh bạch là có nhưng cơ chế, mức độ minh bạch và thời điểm ra sao thì vẫn cần xem xét và bàn luận thêm. Do đó, EITI dù đã được trình lên từ năm ngoái, nhưng hiện vẫn đang thảo luận vì cần đầu tiên phải đồng bộ, thống nhất các quy định pháp luật hiện hành trước. Hiện Bộ Tài nguyên Môi trường cũng xây dựng kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật và thúc đẩy minh bạch trong khoáng sản, ví dụ một số nội dung liên quan đến minh bạch cũng đã được đưa vào nội dung Nghị định 158/2016/NĐ-CP.
Cũng theo ông Thanh, việc gia tăng nguồn thu từ hoạt động khai khoáng nên tập trung ở cả những khâu tiếp theo như chế biến, xuất khẩu chứ không chỉ riêng khâu khai thác. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần ngồi lại với nhau để thống nhất và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, gồm nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản, gồm: diện tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép; báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả nguồn thu từ khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm đảm bảo quyền lợi người dân nơi có khoáng sản.
Bích Ngọc