BVR&MT – Cần tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện – điện tử gia dụng.
Được đánh giá là một nền kinh tế năng động tại châu Á, Việt Nam đang là 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, với lợi thế có nguồn nhân công khéo léo, tay nghề cao, giá cả hợp lý và công nghệ hiện đại, Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự chính xác của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử nhìn chung tăng trưởng khá cao. Xuất khẩu ngành điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ 2010 – 2019 trên 50%, cao nhất thế giới.
Nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2020 đạt 50,9 tỷ USD, giảm 1% so với năm 2019 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện xuất khẩu đạt 44,7 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2019.
Trong quý 1/2021, trong số 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, điện thoại và linh kiện có trị giá xuất khẩu lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, nhóm sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương) cho biết, trong vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến những sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu.
Từ một đất nước với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực là nông sản, các mặt hàng thâm dụng lao động lớn, Việt Nam đang dần có những sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao hơn với giá trị gia tăng cao, ví dụ như các sản phẩm cơ khí chính xác, các sản phẩm điện tử và linh kiện…
“Với kinh nghiệm làm việc và hợp tác cùng các công ty, tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng và tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Theo nhìn nhận của Cục Công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp. Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu.
“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do năng lực các DN nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các DN FDI. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt”, đại diện Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các DN trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI.
Đơn cử như với Samsung Việt Nam, số nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt cho Samsung đã tăng đáng kể từ 4 nhà cung ứng năm 2014 lên 35 nhà cung ứng năm 2018. Với Panasonic Việt Nam hiện cũng có 4 doanh nghiệp Việt Nam cung ứng sản phẩm và giá trị cung ứng mới chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào sản xuất của Panasonic. Canon Việt Nam cũng liên tục tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử, đại diện Cục Công nghiệp nhấn mạnh cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu…).
Đồng thời, tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện – điện tử gia dụng. Cần rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng lưu ý các DN điện tử cần chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn nữa.
“Mỗi DN cần tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới trong thời đại hiện nay. Khi xác định được nhu cầu, các DN sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt đảm bảo tồn tại được trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, đại diện Cục Công nghiệp cho biết.