BVR&MT – Với quy mô đầu tư dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên đây cũng là thách thức đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Nhiều ý kiến cho rằng sự cạnh tranh mới chỉ bắt đầu khi ngành bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự rời bỏ thị trường của những thương hiệu như Shop&Go, Auchan, Fivimart. Điều này cho thấy sự khốc liệt của thị trường bán lẻ nhưng cũng hé mở những cơ hội mới cho các doanh nghiệp nội.
Mở rộng thị phần
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Tính đến hết tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.804.827 tỷ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng lưu ý, hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần.
Cụ thể, 15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không thông qua cửa hàng.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại thị trường châu Á, ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao bởi thu nhập bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô phát triển và hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hứa hẹn sẽ mang lại điểm sáng nhất định.
Hơn nữa, hệ thống bán lẻ trong nước đã hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm, hàng hóa nhờ tác động từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính vì vậy, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức cao. Đơn cử, Coopmart từ 90 – 93%; Satra 90 – 95%; Vinmart 96%; Big C 90%… Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam chia sẻ, thị trường đang là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống.
Cùng với đó, sự rời đi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã nhường miếng bánh thị phần cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Saigon Co.op mua lại chuỗi bán lẻ Auchan, VinCommerce (chủ đầu tư chuỗi Vinmart) mua lại hệ thống Shop & Go…cho thấy sức cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, vẫn còn không ít doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn.
Ngược lại, những nhà đầu tư ngoại có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với 53% thị phần.
Theo các chuyên gia, tới đây sẽ có nhiều cạnh tranh giữa các nhóm siêu thị; trong đó các nhà đầu tư nội ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động, quyết liệt cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.
Không chỉ đứng trước cơ hội mở rộng phạm vi trên thị trường nội địa, việc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước mua lại thị phần của doanh nghiệp nước ngoài còn giúp mang lại nhiều cơ hội khác khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết đi vào thực thi.
Chẳng hạn như dù rời khỏi Việt Nam, hãng bán lẻ Pháp Auchan vẫn sẽ làm việc với đối tác nhận chuyển nhượng là Saigon Co.op, giúp nhà bán lẻ Việt này tiếp cận với hơn 2.800 điểm bán tại 15 quốc gia trên toàn thế giới cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Đánh giá về thị trường bán lẻ hiện nay, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế bởi am hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của người Việt.
Bên cạnh đó, quy định ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) vẫn đang được triển khai, được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các đại gia bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước.
Tuy nhiên, những cam kết hội nhập được thực thi như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ khiến các quy định như ENT phải xóa bỏ trong thời gian tới. Vì vậy, đây là thời cơ vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tận dụng cơ hội, giành lấy thị phần.
Chuyển mình để thích ứng
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, giai đoạn từ nay đến năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm).
Tuy nhiên, với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa trong việc giành lại thị phần.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, tới đây là giai đoạn của bán hàng đa kênh cả trực tiếp và bán hàng online, mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã có lúc không còn phù hợp.
Vì thế, thay vào đó là mô hình shopping mail vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp. Do vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam cần đi nhanh hơn, liên kết chặt chẽ để tạo sức mạnh tổng hợp, nhất là trong điều kiện đa số các doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé trên thị trường.
Đón lõng xu hướng bán lẻ trong thời gian tới, mô hình siêu thị ảo đã được Vingroup cho ra đời nhằm đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử vào bán lẻ.
Theo đó, thay cho việc đến tận siêu thị, cửa hàng, chọn đồ rồi chờ được thanh toán, giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại có cài ứng dụng VinID và một cuốn cẩm nang mua sắm thông minh của hệ thống siêu thị VinMart, khách mua hàng chọn tính năng Scan & Go, quét mã vạch các sản phẩm muốn mua, thanh toán ngay bằng ví điện tử.
Hai đến bốn giờ sau, nhân viên của VinMart sẽ giao hàng đến tận nơi. Người tiêu dùng cũng có thể quét mã QR sản phẩm mình muốn mua được in trên các tấm áp-phích khổ lớn của siêu thị ảo “VinMart 4.0” đặt tại các khu dân cư, tòa nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt… để “đi chợ” mọi lúc.
Hay trên mảng đại siêu thị/trung tâm phân phối, Saigon Co.op là doanh nghiệp Việt duy nhất cạnh tranh với Central Group Việt Nam với hệ thống Co.opXtra và Co.opXtra Plus cũng như hợp tác với đài truyền hình mở kênh bán hàng HTV Co.op.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng có khoảng 300 cửa hàng tiện lợi Co.op Food và Co.op Smile, 2 trung tâm thương mại, 101 siêu thị và đại siêu thị Co.op Mart cùng kênh bán hàng trực tuyến coophomeshopping.vn.
Bên cạnh đó, mô hình kết hợp với tiệm tạp hóa truyền thống như mô hình nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile của Saigon Co.op cũng được xem là điểm khác biệt và có thể sẽ trở thành xu hướng nếu được khai thác đúng đắn và từng bước khắc phục các hạn chế còn tồn tại của kênh bán lẻ truyền thống hiện nay.
Theo ông Trần Duy Đông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất.
Đáng lưu ý, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng… là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.
Đặc biệt, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa.