Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đẩy mạnh kết nối, mở rộng thị trường
BVR&MT – Để tạo đà cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển, thì một trong những hoạt động quan trọng là tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa DN CNHT với DN sản xuất đầu cuối.
Hiện nay, nhiều DN FDI lớn đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các nhà cung cấp nội địa cho các nhà máy của họ tại Việt Nam.
Mới đây, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) và Tập đoàn Techtronic Industries Co. Ltd (TTI) – một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng của thế giới về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp trong nước nhằm kết nối, mở rộng thị trường và tìm nhà cung cấp nguyên liệu CNHT cho các DN FDI đa quốc gia.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP đánh giá sự kiện lần này là tín hiệu rất tốt, cho thấy DN nước ngoài đánh giá cao năng lực cung ứng của DN trong nước. Với thỏa thuận hợp tác này, TTI sẽ hỗ trợ phát triển một số nhà cung cấp trong nước để tăng dần tỉ lệ nội địa hóa cho các nhà máy của TTI tại Việt Nam.
Theo ông Thi, sau dịch COVID-19, nhiều DN trong SHTP có kế hoạch mở rộng sản xuất. Đây là điều rất đáng mừng vì hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ đang dịch chuyển về Việt Nam. Bước đầu tiên là tập đoàn mẹ đang đẩy đơn hàng về các nhà máy tại Việt Nam. Do vậy hoạt động mở rộng của các DN FDI tại Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Bên cạnh việc thu hút các DN mới thì phải tạo ra cơ chế thuận lợi cho DN hiện hữu mở rộng sản xuất kinh doanh một cách nhanh nhất.
Ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành TTI cho biết công ty đã đầu tư nhiều cụm nhà máy nhỏ tại Bình Dương và đang dự kiến xây dựng dự án trung tâm R&D ở Khu Công nghệ cao. Công ty rất muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, xác định đây là hướng đi bền vững. TTI chọn SHTP để xây dựng nhà máy mới nhất của mình tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tập đoàn khi tiếp cận vào nhóm các nhà cung cấp lớn và có chất lượng cao.
Phó Chủ tịch điều hành TTI cho biết, luôn ưu tiên sản phẩm của các DN nội địa có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Về mặt kỹ thuật, TTI sẽ có những hỗ trợ cho các DN. Đồng thời, kỳ vọng trong 2 năm tới thu hút khoảng 180-200 DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, với mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm, tỷ lệ cung ứng nội địa lên đến 60%.
Nhiều DN CNHT tại TPHCM như Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Công ty TNHH Thiết kế chế tạo máy Nhật Minh, Công ty cổ phần Cơ khí Vĩnh Tường… đã giới thiệu khả năng cung ứng của mình trước lãnh đạo TTI cũng như kỳ vọng có thể tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn này.
Đại diện Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh cho biết, để đón đầu cơ hội, tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI, nhờ có sự hỗ trợ về lãi suất từ chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM, ngay trong năm 2020 này, công ty dự kiến sẽ khởi công nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực cơ khí như khuôn mẫu, để có thể cung cấp và tham gia chuỗi giá trị cho các DN FDI trong Khu Công nghệ cao cũng như các DN FDI khác.
Cũng như TTI, các DN lớn, tập đoàn sản xuất lớn đang đặt nhà máy tại Việt Nam tích cực hỗ trợ, phát triển các nhà cung cấp tại chỗ để tối ưu hóa chi phí. Tiêu biểu như Tập đoàn Samsung triển khai dự án hợp tác đào tạo tư vấn viên Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng cho các DN, từ đó nhiều DN Việt đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung.
Tại TPHCM, UBND Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN ngành CNHT như chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị – công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức kết nối DN – ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp – CNHT, hoặc lồng ghép với chương trình kết nối ngân hàng – DN của các quận, huyện. Thời gian tới Thành phố sẽ rà soát bố trí quỹ đất phục vụ phát triển CNHT để đáp ứng nhu cầu cho DN nhỏ và vừa với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp.