BVR&MT – Tỉnh Kon Tum đã đầu tư gần 4.500 tỷ đồng cho Đề án “Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 định hướng đến năm 2030”.
Theo Đề án, từ năm 2017 – 2020 tỉnh Kon Tum xác định sẽ bảo tồn và nhân giống một số loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu, có giá trị dược liệu cao như: hồng đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, đương quy…; tập trung phát triển 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với 10 loài dược liệu địa phương và các loài dược liệu khác.
Một số giống được ưu tiên trồng như: 1.000 ha Sâm Ngọc Linh; 300 ha hồng đẳng sâm; 100 ha đương quy; 50 ha ngũ vị tử; 400 ha Ý dĩ; 20 ha lan kim tuyến tại 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông. Cùng đó là diện tích lớn của một số cây dược liệu như: nghệ vàng, sa nhân tím, đinh lăng, nấm…
Ông A Hơn – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển cây hồng đẳng sâm trên địa bàn và xác định đây là một trong các loại cây trồng chủ lực của địa phương để xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tại huyện Kon Plông cũng đã khảo sát, quy hoạch trên 600 ha rừng để bảo tồn, khai thác các loại cây dược liệu theo hướng bền vững, đồng thời đang hỗ trợ người dân trồng 100ha dược liệu trong năm 2017. Hiện tại, có nhiều công ty hỗ trợ giống và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Ngoài việc chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện công tác bảo tồn, tỉnh Kon Tum đã có những chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu như: miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ vùng nguyên liệu…
Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa được chính quyền huyện hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tại đã có nhiều tổ chức tham gia trồng và phát triển cây dược liệu, điển hình như: Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty TNHH Thái Hòa phát triển được gần 400 ha sâm Ngọc Linh hồng đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử, nghệ vàng, gừng, can khương, ba kích, giảo cổ lam…
Tỉnh Kon Tum cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ của địa phương trong việc nhân giống cây lan kim tuyến, hồng đẳng sâm và một số cây dược liệu khác với khả năng cung cấp hàng trăm nghìn cây giống mỗi năm.
Lộ trình đến năm 2020, tỉnh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cụm công nghiệp chế biến dược liệu công nghệ cao tại thành phố Kon Tum, thu hút dự án đầu tư nhà máy tinh chế curcumin nghệ (tinh nghệ) với công suất 50 tấn/năm; đưa vào hoạt động các dự án đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm với công suất 50 tấn củ tươi/năm.
Theo đó, Kon Tum tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh để tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu; phấn đấu có sản phẩm đầu tiên trên thị trường, góp phần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia với diện tích tổng số 10.000 ha các loài dược liệu với sản lượng gần 4 triệu tấn dược liệu/năm.
Hồng Linh