BVR&MT – Để có những mâm cỗ mang đậm hương vị đặc trưng của ngày Tết và bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đang là quan tâm của rất nhiều người dân.
Những ngày này, chị Trần Thùy Hương (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đang tất bật lên thực đơn, đi mua sắm các loại lương thực, thực phẩm phục vụ gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo chị Hương, lo lắng nhất hiện nay của người tiêu dùng là làm sao lựa chọn, mua được những sản phẩm bảo đảm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc bảo quản, chế biến, ăn uống vệ sinh, đầy đủ vi chất, nhất là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhiễm các bệnh lây truyền qua thực phẩm trong dịp này cũng được quan tâm.
TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho rằng: Các loại thực phẩm đều có nguy cơ mất ATTP. Như mỗi loại nguyên liệu thịt, cá đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (tả, lị, thương hàn…), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản…); rau, củ, quả có nguy cơ ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, vi sinh vật gây bệnh. Trong khi đó, thực phẩm bao gói sẵn ô nhiễm hóa chất tạo mầu cấm sử dụng, hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu… Ngay cả điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản thực phẩm, bàn tay của người chế biến, người ăn đều có nguy cơ chứa đựng “tác nhân” gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Đáng lo ngại, những tác nhân gây NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm có từ trong môi trường tự nhiên, từ quá trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người chế biến và cả người tiêu dùng thực phẩm. Hậu quả của việc không bảo đảm ATTP sẽ làm cho thức ăn bị ô nhiễm, nhất là có thể gây NĐTP và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng trong những ngày Tết Nguyên đán.
Để người dân trên cả nước được đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trọn niềm vui và an toàn về thực phẩm, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm, lương tâm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thì một trong những yếu tố quan trọng là người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm bảo đảm ATTP từ các khâu lựa chọn thực phẩm, đến sơ chế, chế biến, bảo quản và ăn uống. Cần bảo đảm lựa chọn được thực phẩm an toàn trên thị trường như các loại rau, củ, quả, thịt, cá, thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống phải có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng đủ các quy định của cơ quan chức năng về nhãn mác, hạn sử dụng theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm, nơi bày bán phải hợp vệ sinh. Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm không bị dập nát biến dạng, không có mầu sắc khác thường, không bị ôi thiu, mốc, ố, ươn, hỏng, không có mùi khác lạ. Các nguyên liệu thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến, nấu ăn; thực phẩm đông lạnh phải rã đông hoàn toàn, rửa sạch bằng nước sạch trước khi chế biến; tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thức ăn chín, thức ăn ăn ngay, nhất là không dùng chung dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín. Thức ăn nên nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu; nếu thức ăn chín đã quá bốn giờ mà không được bảo quản ở điều kiện ủ nóng thì phải nấu lại trước khi ăn. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo, trong dịp Tết Nguyên đán, người dân thường ăn các loại thực phẩm có xu hướng nhiều đường, nhiều chất béo, đạm động vật từ thịt cá, sử dụng nhiều rượu, bia, ăn ít rau xanh… Đây chính là “thủ phạm” gây tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính, nhất là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Do vậy, cần quan tâm hơn nữa đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình bằng việc duy trì đủ ba bữa chính trong ngày, ăn uống đa dạng thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn; thường xuyên uống nước (hơn hai lít nước/ngày) để bảo đảm sự hấp thu, chuyển hóa và cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước.