BVR&MT – Luật bảo vệ môi trường 2020 (BVMT) chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định đơn vị thu gom rác thải có quyền từ chối cung cấp dịch vụ nếu cá nhân, hộ gia đình không thực hiện việc phân loại rác. Hiện đã qua 15 ngày thi hành Luật, song người dân vẫn chưa được ngành ngành chức năng hướng dẫn cụ thể.
Luật BVMT được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Cụ thể, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Ngoài ra, Luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại thay vì tính phí theo bình quân đầu người như hiện nay. Đối với chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì hộ gia đình, cá nhân phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dường như Luật mới vẫn còn ở trên giấy. Ghi nhận trên nhiều tuyến phố của TP Việt Trì, những nơi tập kết rác thải vẫn ngổn ngang, lẫn lộn các túi rác với nhau, không được phân loại tại nguồn theo quy định. Không chỉ là rác thải thực phẩm, mà túi nilon, vỏ bánh kẹo, hay cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng cũng bị vứt chung một chỗ. Ngoài việc nhiều người chưa nắm rõ quy định phân loại rác thải, thì còn có nhiều bất cập khi áp dụng quy định mới vào thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Tâm, sống tại chung cư Minh Phương, phường Minh Phương cho biết: “Vì là chung cư nên rất khó thực hiện theo luật mới. Ví dụ như ở đây, các tầng không có thùng rác, không có người thu gom mà chỉ có một ô vứt rác chung, thông giữa các tầng xuống hầm rác ở dưới. Nếu có phân loại rác tại từng nhà đi nữa thì khi vứt chung xuống vẫn sẽ lẫn lộn, đơn vị thu gom cũng không thể mở từng túi ra để kiểm tra, phân loại. Còn việc tính tiền theo số lượng, thì dù mỗi tầng có thùng rác riêng đi nữa, làm sao biết rác nào của nhà nào để mà tính, mà cân?”
Cùng chung quan điểm, anh Trần Văn Chung, chủ một nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố cũng cho biết: “Mặc dù đã có hiệu lực 2 tuần nay, nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ thông báo hay hướng dẫn gì trong việc thực hiện quy định mới này. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng sớm có thông báo, hướng dẫn cụ thể để người dân nắm được thông tin và thực hiện đúng tinh thần của Luật”.
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Thọ, ông Nguyễn Vĩnh An – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Thực chất, việc phân loại rác đã được quy định trong Luật BVMT năm 2014. Hàng năm, các cấp, ngành và chính quyền địa phương của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện phân loại rác thải ngay từ các gia đình. Tuy nhiên, để Luật đi vào thực tế thì cần phải có thời gian và lộ trình để tổ chức thực hiện. Hiện tại, Chính phủ chưa ban hành quy định về xử lý, xử phạt khi chưa phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật mới, do đó tạm thời sẽ chưa thể áp dụng biện pháp xử phạt. Theo ông An, biết phân loại rác tại nguồn có tác dụng rất lớn trong công tác quản lý chất thải sinh hoạt, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải khi tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Do vậy, mỗi người dân cần tăng cường nhận thức, nghiêm túc thực hiện việc phân loại, chuyển giao chất thải cho các đơn vị thu gom và vận chuyển để đem đi xử lý theo quy định của pháp luật, từ đó tạo nên thói quen lành mạnh, văn minh, góp phần xây dựng một môi trường sống xanh – sạch – đẹp cho cộng đồng và xã hội.