“Chín người mười ý” về Graffiti

BVR&MT Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000, dần trở thành trào lưu trong giới trẻ Việt, giúp họ thể hiện, khẳng định “cái tôi”, nhưng cho đến nay, vẫn có nhiều góc nhìn, ý kiến tranh luận về Graffiti.

Graffiti được biết đến là loại hình nghệ thuật sử dụng sơn để tạo nên những bức tranh ấn tượng, hoặc chỉ đơn giản là những hình vẽ trên tường, gắn với đặc trưng của văn hóa Hip hop, giúp người vẽ thể hiện tài năng, sự sáng tạo, khẳng định phong cách cá nhân.

Không khó để bắt gặp Graffiti, nhất là ở những khu vực như phố Yên Phụ (quận Tây Hồ); phố Trần Quang Khải, Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm)… Graffiti xuất hiện với “muôn hình muôn vẻ”, từ những bức tranh có bố cục chặt chẽ, hình tượng sinh động, màu sắc sặc sỡ cho đến những hình vẽ loang lổ, chữ viết nguệch ngoạc, khó hiểu.

Anh Lê Vinh – phố Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Mình cảm thấy khó chịu trước những bức vẽ Graffiti trên tường. Bởi có một số hình ảnh phản cảm, không vừa mắt”.

Dạo một vòng quay phố Yên Phụ (quận Tây Hồ), có thể nhìn thấy vô số Graffiti trên các bức tường với nhiều ý kiến trái chiều.

Bạn Đặng Gia Huy (22 tuổi): “Mỗi người sẽ có một quan điểm, ý kiến khác nhau về Graffiti. Cá nhân mình thích Graffiti. Mình thích ý tưởng, cách sử dụng màu của nó: Tự do, không có khuôn khổ”. Một số bạn trẻ thích Graffiti bởi loại hình nghệ thuật này mang lại cho họ cảm giác được thoải mái sáng tạo, phóng khoáng thể hiện cá tính, bản ngã. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, khoảng cách giữa phóng khoáng và phóng túng rất mong manh.

Theo chú Hải – một người sống lâu năm ở phố Yên Phụ, Graffiti không đẹp bởi nó không truyền tải được những thông điệp ý nghĩa. “Graffiti khiến tôi thấy rối mắt, đôi khi có cảm giác là bôi bẩn đường phố. Cái quan trọng nhất là phải làm sao đem lại thẩm mỹ và truyền tải được một nội dung ý nghĩa nào đó. Nhưng Graffiti lại không thể hiện được điều đó. Graffti được thể hiện theo phong cách hiện đại, nhưng theo tôi thì nên đi vào những yếu tố truyền thống. Những bức tranh truyền thống sẽ đẹp hơn, ấn tượng hơn”, chú Hải bày tỏ quan điểm.

Như đã nói, Graffiti có “muôn hình muôn vẻ”, được thể hiện trong nhiều không gian khác nhau. Bên cạnh những bức vẽ Graffiti khiến người xem mãn nhãn, truyền tải nhiều thông điệp xã hội tốt đẹp (bảo vệ môi trường, kêu gọi phòng chống tệ nạn xã hội, sống xanh…) thì cũng có những Graffiti làm xấu phố phường, mất mỹ quan đô thị. Nhiều người sử dụng không gian công cộng để bôi bẩn lên đó những dòng chữ, ký hiệu vô nghĩa, thậm chí còn “sáng tạo” hình ảnh, chữ viết lên cửa nhà người khác. Các mảng trống được các “họa sĩ” nhanh tay lựa chọn để thỏa sức thể hiện đam mê. Tuy nhiên, việc “thích đâu vẽ đó” không chỉ khiến người xem khó chịu, mà vẽ tranh tùy tiện, không có sự đồng ý của chủ nhà còn là hành vi phá hoại tài sản và cần bị nhắc nhở, có các biện pháp răn đe.

Vẽ trên tường nhà người khác khi chưa được phép là điều khó chấp nhận, lại càng khó chấp nhận hơn khi vẽ Graffiti ở nơi tôn nghiêm, linh thiêng như nhà chùa. Còn nhớ vào năm 2015, nhiều người đã bày tỏ phẫn nộ, bức xúc trước việc gần 100 mét tường bao quanh chùa Thiên Niên (Tây Hồ, Hà Nội) bị vẽ dày đặc những hình thù quái dị, không phù hợp với văn hóa Phật giáo. Những hình vẽ đó vừa phản văn hóa, phản thẩm mỹ, vừa để lại cái nhìn không tốt về giới chơi Graffiti.

“Graffiti: Nghệ thuật hay bôi bẩn đường phố?” là câu hỏi gây tranh cãi với nhiều người ngay từ khi loại hình này mới xuất hiện tại Việt Nam. Theo thiển ý của tôi, nên nhìn nhận Graffiti ở nhiều phương diện khác nhau, tùy thuộc vào hình ảnh, chữ viết và không gian thể hiện. Ở những bức tường cũ kỹ, rêu phong bao phủ, nếu có những hình ảnh đẹp, thông điệp rõ ràng, ý nghĩa, Graffiti sẽ là một điểm nhấn thú vị, nét chấm phá đặc sắc. Graffiti thực thụ là những bức vẽ được đầu tư công phu về thời gian và chất xám!

 

Thực hiện:  Trà Giang – Hồng Nhung