Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu): Mỏ đá Giao Ninh hoạt động ô nhiễm, “phát lộ” nhiều sai phạm?

BVR&MT – Hoạt động khai thác, chế biến đá của Mỏ đá Giao Ninh tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bộc lộ nhiều bất cập về quy trình khai thác, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sai phạm nghiêm trọng về khai thác khoáng sản,…

Khai thác khoáng sản, người dân lãnh đủ

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân canh tác gần mỏ đá Giao Ninh (thôn 2, xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đang phải gánh chịu khói bụi, tiếng ồn và ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu canh tác của các hộ dân xung quanh mỏ đá, người dân đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Mỏ đá Giao Ninh tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Từ những phản ánh của người dân, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.oorg.vn đã đến ghi nhận thực tế. Tại tuyến đường đi vào mỏ đá xe trọng tải lớn chạy làm đá rơi vương vãi ra đường nhưng không được quét dọn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao cho những người tham gia giao thông và gây ảnh hưởng môi trường sống.

Anh Quốc Hưng, một người dân có đất trồng tiêu gần mỏ đá cho biết: “Khi mỏ đá sản xuất thì khói bụi xả ra nhiều khiến chúng tôi không chăm sóc được hoa màu. Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây khi mỏ đá khoan sâu xuống hơn thì mạch nước ngầm giếng khoan phục vụ tưới tiêu của các hộ dân đã không còn đủ tưới cho cây khiến một số cây tiêu chết, một số hộ dân phải chuyển đổi sang cây trồng khác.”

Hình ảnh bụi bay mù mịt được người dân ghi lại và cung cấp cho phóng viên.

“Bây giờ khi đi qua mỏ chúng tôi rất sợ vì không biết khi nào mỏ đá sẽ nổ mìn, bởi vì khoảng 2 năm trở lại mỏ đá nổ mìn khi nào chúng tôi cũng không được báo trước, không như trước đây có biển báo và người canh gác, khi nổ sẽ có còi báo hiệu. Có hôm anh chạy qua đoạn đường quanh khu mỏ thấy khu vực khoan chuẩn bị nổ mìn chỉ cách đường tầm 200m rất nguy hiểm”. Anh Quốc Hưng bức xúc chia sẻ thêm.

Nhiều xe trọng tải lớn chạy làm đất đá vương vãi tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ghi nhận tại quanh khu vực mỏ đá có tình trạng một số cây tiêu chết khô, một con đường đi lại của người dân cách khu vực mỏ đá chỉ tầm 200-300m. Tuy nhiên, theo quy chuẩn kỹ thuật thì mỏ khai thác đá phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 500m.

Theo tìm hiểu của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, Công ty CP Khoáng Sản Minh Tiến được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mỏ đá Giao Ninh tại giấy phép khai thác khoáng sản số 972/GP-BTNMT ngày 27/06/2007. Sau đó, Công ty CP Khoáng sản Minh Tiến điều chỉnh đổi tên thành Công ty TNHH Khoáng sản Minh Tiến. Nội dung giấy phép thể hiện, Công ty TNHH Khoáng sản Minh Tiến có trách nhiệm, tiến hành hoạt động khai thác đá puzolan theo sản lượng và trữ lượng được ghi tại giấy phép và theo thiết kế mỏ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, môi sinh…

Tuy nhiên, nhiều người dân canh tác quanh khu vực núi Giao Ninh cho rằng, chính quyền các cấp cần vào cuộc thanh kiểm tra hoạt động khai thác tại mỏ đá Giao Ninh của Công ty TNHH Khoáng sản Minh Tiến, nhất là việc đánh giá tác động môi trường và quy trình thủ tục được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động khai thác?

Cây tiêu đang có dấu hiệu chết khô và một giếng khoan được người dân lấp vì không có nước.

“Phát lộ” nhiều sai phạm?

Để có thông tin khách quan, đa chiều trả lời bạn đọc, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Phạm Quý Nhân – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Đức. Ông Nhân cho biết, năm ngoái tỉnh đã kiểm tra và doanh nghiệp thực hiện đúng không có sai phạm gì. Còn những thông tin mà phóng viên phản ánh thì phòng chưa nhận được phản ánh của người dân. Từ những phản ánh của phóng viên, phòng sẽ tiếp nhận và thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thêm thông tin.

Ông Phạm Quý Nhân – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Đức trả lời phóng viên.

Khi được hỏi về một số hạng mục như nhà điều hành, nhà ở, trạm cân, bãi chứa vật liệu nằm ngoài phạm vi của mỏ ông Nhân thừa nhận là có tình trạng này. Lý giải về điều này ông Nhân cho biết bởi vì trong giấy phép cấp quyền khai thác chỉ ghi các tọa độ khai thác mà không có ghi rõ thêm các hạng mục trên nên doanh nghiệp phải mua hoặc thuê lại đất của dân để xây dựng thêm các hạng mục trên.

“Biết doanh nghiệp làm như vậy là không đúng với giấy phép nhưng vẫn phải tạo điều kiện để cho doanh nghiệp làm” ông Nhân nói.

Khu vực này được cho là Công ty xây dựng một số hạng mục ngoài mốc giới được cho phép.

Làm việc với ông Bùi Minh Hội – Giám đốc Công ty TNHH Khoáng Sản Minh Tiến chi nhánh Châu Đức, ông cho biết: Về tình trạng hoạt động có bụi xả ra ngoài là rất ít, chúng tôi đã tiến hành lắp đặt hệ thống phun nước, trồng cây xung quang mỏ để bụi ít phát tán ra bên ngoài. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên về việc công ty trồng cây xung quanh mỏ để đỡ tình trạng bụi ảnh hưởng cho người dân là không có, những cây mọc xung quanh là cây tiêu, một số cây khác do người dân trồng để phục vụ cho sản xuất của họ.

Ông Bùi Minh Hội – Giám đốc Công ty TNHH Khoáng Sản Minh Tiến chi nhánh Châu Đức làm việc với phóng viên. Lý giải về những thông tin trên, vị Giám đốc chỉ “cười trừ” và trả lời phóng viên: “Như vậy mà chúng tôi vẫn làm được, thế mới hay”…

“Về tình trạng nổ mìn thì phía công ty đã ký hợp đồng với đơn vị khác nổ và trước khi nổ chúng tôi cũng đã thông báo cho địa phương để họ thông báo cho người dân biết để tránh. Còn việc nổ mình chúng tôi cũng đảm bảo khoảng cách an toàn 200-300m” ông Hội lí giải thêm.

Khu vực nổ mìn cách khu nhà điều hành chỉ khoảng hơn 100m.

Liên quan phản ánh của người dân về việc công ty khai thác sâu dẫn đến mạch nước ngầm phục vụ tưới tiêu của dân xung quanh không còn nước dân đến một số cây tiêu bị chết, ông Hội khẳng định mạch nước ngầm bị giảm có liên quan đến việc khai thác của công ty, tuy nhiên công ty cũng không có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này cả.

Đặc biệt, khi phóng viên hỏi về thông tin một số hạng mục của công ty không nằm trong chỉ giới của mỏ thì ông Hội khẳng định những hạng mục này đều nằm trong chỉ giới mỏ được cấp phép. Tuy nhiên, sau khi phóng viên nói lãnh đạo phòng Tài nguyên Môi trường đã khẳng định là có một số hạng mục nằm ngoài chỉ giới thì ông Hội mới nói là mua thêm đất của dân.

Còn việc ông Hội trả lời về nổ mìn 200-300m đảm bảo an toàn, nhưng thực tế quan sát của phóng viên khu vực mới khoan để nổ mình cũng chỉ cách nhà điều hành của mỏ có hơn 100m, như vậy có đảm bảo an toàn hay không?

Lý giải về những thông tin trên, vị Giám đốc chỉ “cười trừ” và trả lời phóng viên: “Như vậy mà chúng tôi vẫn làm được, thế mới hay”.

Các ngành chức năng cần có những biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Khoáng Sản Minh Tiến.

Thời gian qua, các sai phạm trong quá trình khai thác khoáng sản là một trong những vấn đề “nóng” và phức tạp, được dư luận đặc biệt quan tâm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt lên tới hàng trăm triệu đồng, bị tước giấy phép khai thác, thậm chí đến mức phải khởi tố hình sự, song những vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến nay vẫn tiếp còn tiếp tục diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hơn nữa, những vi phạm sau còn có mức độ nghiêm trọng hơn vi phạm trước, có dấu hiệu kéo dài, một số địa phương vẫn còn để tình trạng xử phạt theo hình thức “giơ cao đánh khẽ”, “hợp thức hóa sai phạm” khiến việc xử phạt không có tính răn đe?.

Đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần có những biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Khoáng Sản Minh Tiến tại Mỏ đá Giao Ninh và xem xét các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý, tiếp tay cho doanh nghiệp để xảy ra những vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường hay không để xử lý nghiêm trước pháp luật (nếu có).

Bảo vệ Rừng và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Luật Khoáng sản năm 2010 quy định rất rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Trong đó, Điều 81 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Uỷ ban nhân dân các cấp cụ thể:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương; Khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền; Lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương theo quy định của Chính phủ; Công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép; Cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chấp thuận trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền; Giải quyết theo thẩm quyền việc cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản ở trung ương về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

Luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước, nếu trong trường hợp địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định trong hoạt động khoáng sản thì cần phải nhanh chóng báo cáo cấp trên và phối hợp tiến hành, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt, khi các vụ vi phạm xảy ra, ngoài việc xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trực tiếp vi phạm thì cũng cần phải xem xét, kiểm điểm, xử lý cán bộ, người đứng đầu. Có như vậy thì mới mong kéo giảm và hướng đến xóa bỏ vấn nạn khai thác khoáng sản trái quy định.

Nhóm PV BVR&MT