BVR&MT – Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những tác động ở thượng nguồn sông Mê Công, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 khu vực được gọi là “điểm nóng” về sạt lở với tổng chiều dài hơn 35.200m đê ở các địa phương.
Sạt lở khắp nơi
Huyện Kế Sách là địa bàn có nhiều điểm “nóng” sạt lở nhất với 12 vị trí có nguy cơ đe dọa cao, những điểm này đã từng nhấn chìm 24 căn nhà, di dời 12 căn nhà ảnh hưởng và các công trình xây dựng khác.
Còn tại huyện Long Phú, sạt lở bờ sông Long Đức, thị trấn Đại Ngãi, trên tuyến kênh Saintard với chiều dài khoảng 3.000m đã làm 6 căn nhà bị cuốn trôi và 270 nhà, công trình khác bị ảnh hưởng phải di dời.
Cù lao Dung là huyện đảo nằm giữa sông Hậu nên cũng là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn của tác động biến đổi khí hậu. Nơi đây có nhiều điểm sạt lở với tổng cộng trên 4.200m đê, bao. Việc vỡ đê bao tràn vào ruộng mía, vườn cây, ao nuôi thủy sản của bà con là chuyện thường xuyên từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch hằng năm khi có những con nước lớn nhất trong năm, gây thiệt hại và ảnh hưởng hàng trăm ha mía, rau màu của người dân cù lao.
Đặc biệt là dọc theo tuyến đê biển thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), đoạn đê biển từ K40-K45 dài khoảng 5 km và một số điểm cục bộ khoảng 2 km, từ giáp ranh bở biển tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 bị xói lở nghiêm trọng, mỗi năm lấn sâu vào phía đồng bằng khoảng 200-300m (tại vị trí K43+500 đến K44+500, dài khoảng 1000m).
Ngoài ra, hiện tượng sạt lở bờ sông, chủ yếu dọc theo sông Hậu và các sông lớn gần cửa biển, nhánh của sông Hậu cũng đã và đang đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân sống dọc theo các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Kế Sách, Long Phú, gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng, nhiều nhất thuộc về địa bàn các xã Song Phụng, Đại Ngãi, Long Đức cùng của huyện Long Phú.
Theo nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, nguyên nhân tình trạng gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng ngoài lý do biến đổi khí hậu thì tình trạng ở nhiều địa bàn ven sông, ven biển không còn rừng phòng hộ hoặc thảm xanh rừng phòng hộ mỏng, ít do tác động của thủy triều sóng và gió lớn.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các hoạt động xây dựng làm co hẹp dòng chảy tại các ngã ba, ngã tư, tạo dòng chảy siết và cuối cùng là bởi tác động từ thượng nguồn, lượng phù sa đổ về giảm so với trước đây.
Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, tuyến đê biển của Sóc Trăng cơ bản hình thành, ổn định từ lâu rồi. Gần đây do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây bào mòn đường ven bờ đã làm ảnh hưởng mất bìa rừng, mất thảm xanh chắn sóng, giữ đất.
Hiện nay, đoạn 5km từ Giồng Chùa về Trà Sết, ở thị xã Vĩnh Châu, ở huyện Kế Sách thường xuyên bị đe dọa do sóng biển. Đoạn từ Lai Hòa về Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu mất bìa rừng phòng hộ nhưng không tập trung, những đoạn không có rừng phòng hộ thì sạt lở trực tiếp ảnh hưởng nặng hơn.
Cần nhiều giải pháp
Trước tình trạng sạt lở đê bao diễn biến, tác động ngày càng phức tạp, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo người dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở phải cảnh giác cao với các mối nguy hiểm. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, những ngày mưa kéo dài và tháng mưa lũ, không để người già, trẻ em, phụ nữ ở nhà một mình vào ban đêm tại các nhà sàn. Cùng đó, phải hạn chế chứa hàng hóa ở mép sông nhằm đề phòng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản.
Mặt khác, tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị Trung ương, các bộ ngành quan tâm, đầu tư để thực hiện các công trình kiên cố như nâng cấp đê sông, đê biển, xây kè đá những vùng trọng yếu, trồng cây lấn biển, bảo vệ đê bãi ven biển.
Về lâu dài, rất cần nguồn kinh phí lớn để triển khai sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai, trong đó có sắp xếp di dời dân ở khu vực có nguy cơ cao như Kế Sách, Song Phụng, Đại Ngãi (huyện Long Phú) vào khu vực an toàn.
Các giải pháp công trình mà tỉnh đã thực hiện, khắc phục hạn chế tình trạng sạt lở trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển Vĩnh Châu từ nguồn vốn phòng chống lụt bão, xây dựng kè đá, rọ đá gia cố đê biển… Với những địa bàn phức tạp, kết hợp thử nghiệm công trình hàng rào chữ T; xây dựng kè lát đá hộc…
Tuy nhiên, hằng năm, kinh phí đầu tư để phòng chống sạt lở chỉ khoảng 7-10 tỷ đồng nên các biện pháp thường chỉ là tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại phát sinh.
Tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành hỗ trợ nguồn kinh phí khoảng 357 tỷ đồng để xử lý các công trình cấp bách ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, như 12 điểm sạt lở tại địa bàn huyện Kế Sách với tổng chiều dài hơn 2.500m; hơn 3.000m nguy cơ sạt lở ở huyện Long Phú; xử lý đê biển Vĩnh Châu với chiều dài sạt lở khoảng 2.000m…
Trong chuyến khảo sát, kiểm tra tuyến đê bao dọc sông Hậu tại địa bàn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng ngày 26/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác của Bộ đã khảo sát, kiểm tra tại khu vực cống Cái Côn, Cái Cau trên tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu.
Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã nghe Chi cục Thủy lợi và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng báo cáo tình hình thực trạng của tuyến đê bao, các vị trí, vùng nước mặn có thể xâm nhập và những ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở trên toàn tuyến đê bao thuộc địa bàn huyện Kế Sách.
Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, phức tạp, có thể là hạn mặn, cũng có thể là thủy triều dâng, rồi sạt lở, thiên tai sẽ gây thiệt hại nặng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, tác động nặng đến nông nghiệp, nông thôn nên Bộ sẽ phối hợp hỗ trợ và cùng địa phương có những biện pháp, giải pháp hạn chế tác động của thiên tai, triều cường, mặn xâm nhập.
Sóc Trăng cũng là địa phương dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xâm nhập mặn, triều cường nên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu địa phương cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có định hướng cho người nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả, có tính bền vững…
Bộ cũng sẽ xem xét, nghiên cứu để có hướng ưu tiên đầu tư cho Sóc Trăng hạn chế thấp nhất tác hại của biến đổi khí hậu.