BVR&MT – Xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ thiết lập kỷ lục mới khi nhiều nhóm hàng sẽ được mở cửa chính thức sang một số thị trường.
Tin vui cho xuất khẩu rau quả
Cuối tháng 7 vừa qua, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc, cùng với các loại quả thanh long và xoài.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) cũng thông báo về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa sọ (dừa đã bóc lớp vỏ và lớp xơ) của Việt Nam.
Việc một số loại quả của Việt Nam được phép nhập khẩu vào các thị trường khó tính có thể xem là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cùng với bưởi tươi, ngành rau quả đang rất tự tin và trông chờ vào việc ký kết các nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc bởi sầu riêng đông lạnh và dừa tươi đều là những mặt hàng đang có nhu cầu lớn ở thị trường Trung Quốc. Nếu các nghị định thư được ký, 2 mặt hàng này có sẽ mang lại tiềm năng rất lớn. Hiệp hội Rau quả Việt Nam tính toán, nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thì trong những năm đầu tiên, mỗi năm, 2 mặt hàng này có thể đem về thêm cho xuất khẩu rau quả Việt Nam khoảng 500 triệu USD.
Rau quả vươn lên là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng tăng cao sau từng năm. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều mặt hàng rau quả đã được các thị trường mở cửa nhập khẩu chính ngạch. Tín hiệu này cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Thời gian qua, nhiều mặt hàng rau quả đã được các thị trường mở cửa nhập khẩu chính ngạch. Tín hiệu này cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam |
Bên cạnh đó, thành công của xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm nay còn có nguyên nhân do, khủng hoảng ở Biển Đỏ đã làm tắc nghẽn dòng chảy vận chuyển container từ Đông sang Tây và ngược lại. Thời gian vận chuyển bị kéo dài thêm từ 15 đến hơn 20 ngày, thậm chí còn dài hơn nữa do tình trạng thiếu container, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu rau quả từ các nước châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông sang châu Á, trong đó, có Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc.
Do thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí tăng cao, những thị trường châu Á có nhu cầu lớn về tiêu thụ rau quả đã quay sang tăng cường nhập khẩu rau quả từ các nước châu Á khác, trong đó, có Việt Nam.
Hiện nay, tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất của rau quả Việt, Việt Nam đang xuất khẩu 14 mặt hàng rau quả gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, sầu riêng, khoai lang, dừa, ngoài ra tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt. Cả hai nước đang tiến hành đàm phán để ký nghị định thư xuất khẩu quả có múi (bưởi), dược liệu và trái cây đông lạnh (sầu riêng).
Trong khi đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long (trắng, đỏ), xoài, bưởi từ Việt Nam. Với Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu thanh long, xoài, nhãn vải và đang đàm phán để xuất khẩu trái bưởi.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ liên tục, nên xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp tăng trưởng khá ấn tượng trong nửa đầu năm. Trong đó, nhiều loại trái cây thâm nhập vào các thị trường mới như: Trung Đông, Australia, New Zealand…
“Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ và xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan. Với mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc, đơn hàng của doanh nghiệp tăng đột biến, dự kiến xuất khẩu 2.500 tấn sầu riêng tươi trong năm nay. Nhờ đó, trong nửa đầu năm, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng đến hai con số so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Với kết quả đã đạt được và khả năng xuất khẩu trong những tháng còn lại, xuất khẩu rau quả trong cả năm nay có thể chạm mốc 7 tỷ USD. Kể cả nếu không chạm được mốc này thì xuất khẩu rau quả năm nay chắc chắn sẽ vượt kỷ lục 5,6 tỷ USD của năm 2023 và thiết lập một kỷ lục mới cho ngành rau quả Việt Nam.
Hoá giải thách thức
Cho dù đã có những tín hiệu đáng mừng, song hiện nay, xuất khẩu rau quả cũng đang đối diện với thách thức lớn. Theo Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu đối diện với nhiều thách thức từ việc tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu ngày càng cao; chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng; xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon… từ các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng và tuân thủ.
Bên cạnh đó, thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, EU đưa ra 2.078 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm, thủy sản xuất khẩu của tất cả các quốc gia xuất khẩu vào thị trường này; trong đó, Việt Nam nhận được 57 cảnh báo. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ trung bình 2,1%, nhưng con số này đã đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, con số này tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương nhận nhiều nhất, với 23 thông báo.
“Việc này đã làm tăng tần suất kiểm tra biên giới của nông sản Việt. Hiện tại, 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra cao, gồm thanh long 30%, ớt và đậu bắp là 50% và sầu riêng 10%”, ông Ngô Xuân Nam chia sẻ.
Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện doanh nghiệp sầu riêng tại tỉnh này dán mã đóng gói ở TP. Hồ Chí Minh để đưa đi xuất khẩu.
Theo đó, kiểm tra đột xuất Hợp tác xã nông nghiệp Uyên Điệp tại thôn 19-5 (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), đoàn phát hiện tổ chức này đã “gắn nhầm” 2 mã đóng gói trong các thùng sầu riêng chuẩn bị đưa lên container xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Chủ doanh nghiệp này sau đó cũng thừa nhận đến nay doanh nghiệp của mình chưa dán mã đóng gói của đơn vị được cấp vì ông chưa xin được mã vùng trồng khớp với cơ sở đóng gói của mình.
Như vậy ngoài nỗ lực từ các cơ quan chức năng thì chính những nông dân, doanh nghiệp sản xuất cần phải nâng cao ý thức của mình từ việc sản xuất, chế biến, đóng gói… tự bảo vệ thương hiệu nông sản của mình. Đây là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa nông sản Việt và các nước ở các thị trường lớn đang ngày gay gắt.