BVR&MT – Những cây gỗ nghiến cổ thụ đã bị lâm tặc cưa hạ với quy mô lớn ở Vườn Quốc gia Du Già (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang).
Bài liên quan:
Rừng nghiến cổ thụ bị chặt phá không thương tiếc ở VQG Du Già
Chủ tịch tỉnh Hà Giang vào hiện trường
Cục Kiểm lâm chỉ đạo vụ VQG Du Già bị chặt phá
Từ thông tin của người dân cung cấp, Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã vượt quãng đường gần 400km từ TP. Hà Nội đến xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang để xâm nhập điểm nóng phá rừng trái phép và chúng tôi đã tận mắt ghi nhận những hình ảnh chặt phá rừng không khỏi xót xa này:
Theo thông tin của người dân, thời gian gần đây, nhiều nhóm “lâm tặc” ngang nhiên cưa hạ, xẻ thành dạng thớt gỗ ngay tại khu vực rừng ở thôn Khâu Lừa, Lùng Càng sau đó vận chuyển ra ngoài tiêu thụ.
Chúng tôi đi bộ dọc con đường mòn sườn dốc thẳng đứng, lởm chởm đầy đất đá và băng qua những khe suối, vượt qua những cánh rừng mới đến địa điểm khu vực rừng bị tàn phá. Sau hơn 1 giờ đồng hồ lội bộ, chúng tôi mới đến được khu vực rừng bị tàn phá tại thôn Khâu Lừa, Lùng Càng.
Đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt cây nghiến cao to, đường kính rộng từ 0,8m – 1,2m bị lâm tặc “xẻ thịt” nằm la liệt giữa rừng. Theo ghi nhận, các cây bị lâm tặc “xẻ thịt”, cành lá còn xanh, gốc vẫn đang rỉ nhựa, vết mùn cưa còn mới, những chai dầu thải vẫn còn sót lại… Điều này cho thấy, lâm tặc ngang nhiên mang cả cưa máy vào đây phá rừng, không hề lén lút, sợ sệt.
Chỉ với diện tích khoảng 400m vuông theo quan sát của phóng viên đã có đến hàng chục gốc gỗ nghiến bị cưa hạ. Trên nền đất, nhiều cây to, chiều dài khoảng từ 3 đến 8m nằm san sát nhau.
Sau khi ghi nhận đầy đủ tư liệu, chúng tôi vượt quãng đường ngược lại để ra khỏi khu vực rừng. Trên đường đi, chúng tôi gặp một nhóm người dân đang sinh sống dưới chân núi. Những người này phần lớn là dân tộc Mông đều là người dân di dân tái định cư Thuỷ điện Tuyên Quang đã sinh sống nhiều năm nay.
Chia sẻ với phóng viên, một người dân cho biết: “Người dân nơi đây công việc chủ yếu là nương rẫy… còn việc lên rừng chỉ hái rau rừng, sống nhờ vào những nương ngô, đi tìm ốc đá đem bán chứ không hề có phá rừng”.
Theo người dân, anh là một trong những người ở tổ bảo vệ rừng của thôn, mỗi tháng đi tuần 4 lần mỗi lần đi cán bộ cũng trả cho 300 nghìn/người. Nhưng vài tháng trở lại đây chúng tôi không được trả tiền tuần tra bảo vệ rừng nữa nên mới xảy ra tình trạng phá rừng như hiện nay. Chúng tôi mong muốn bảo vệ được những cánh rừng tự nhiên ở đây nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực do thiên nhiên gây ra với đời sống và sản xuất nông nghiệp của họ.
Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cho biết: “Hiện nay chưa có con số chính xác bao nhiêu cây bị chặt phá, có gỗ cũ, mới, hiện cơ quan Công an đang tiến hành đo đạc ở hiện trường”.
“Tỉnh bây giờ là đóng cửa rừng hết, kể cả các doanh nghiệp người ta xin tận thu cũng không cho”, ông Đông chia sẻ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…
Hoàng Tôn