BVR&MT – Theo tin mới nhất, vào tối 1/3, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương đã phát hiện virus dịch tả lợn châu Phi tại một hộ dân ở xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn.
Đàn lợn nhiễm virus là của gia đình ông Hoàng Văn Chinh ở thôn Trại Mới, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn. Trước đó, đàn lợn này có dấu hiệu bị ốm, bỏ ăn, cơ quan chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng II (Cục thú y). Kết quả cho thấy các mẫu đưa đi xét nghiệm (huyết thanh và phủ tạng) cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Hiện Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy xong toàn bộ đàn lợn bị nhiễm bệnh của gia đình ông Chinh và 2 hộ liền kề; sử dụng hóa chất sát khuẩn cao như rắc vôi bột, phun dung dịch khử trùng Hansulap để tiêu độc khử trùng tại hộ bị dịch và khu vực xung quanh với bán kính 1km và phun mỗi ngày 1 lần. Chi cục Thú y tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan chức năng lập các chốt để kiểm soát việc vận chuyển ra, vào vùng có dịch.
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Hải Dương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn xâm nhiễm và lây lan bệnh vào địa bàn và khống chế kịp thời khi có ổ dịch phát sinh theo đúng quy định.
Còn tại Hải Phòng, trong cuộc họp thường kỳ UBND thành phố ngày 1/3, ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thành phố đã lập các chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, 5 chốt kiểm dịch đặt tại cầu Nghìn (xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo), đường 5 (xã Lê Thiện, huyện An Dương), trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (lối xuống đường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh), trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (lối xuống xã Quang Trung, huyện An Lão) và Đình Vũ (phường Đông Hải 2, quận Hải An).
Tính đến ngày 28/2, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến cho biết, ngay sau khi Hải Phòng xuất hiện dịch bệnh này, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai việc ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh.
Hải Phòng đã tiếp nhận và cung ứng 10.000 lít hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia, triển khai khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tiếp tục đề xuất mua 20.000 lít hóa chất từ nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ các địa phương chống dịch.
Tại Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện địa phương chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng tại tỉnh giáp ranh Thanh Hóa đã xuất hiện dịch.
Tỉnh là địa phương có nguy cơ cao đe dọa của dịch tả lợn châu Phi bởi có Quốc lộ 1A chạy qua, tuyến đường sắt và đường biên giới tiếp giáp với Lào, là địa bàn lưu lượng vận chuyển gia súc, gia cầm lớn.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, phân công cụ thể từng thành viên tổ chức phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Trạm thú ý cấp huyện chủ động giám sát, lấy mẫu khi có nghi ngờ dịch bệnh gửi Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh xét nghiệm tác nhân gây bệnh.
Tỉnh cũng giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện. Việc tuyên truyền được chú trọng, không để người dân tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Tỉnh yêu cầu Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm vụ việc nhập lậu lợn, sản phẩm từ lợn và tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn nhập khẩu trái phép.
Riêng tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) là địa bàn tiếp giáp với tỉnh Thanh Hóa (nơi đang có dịch tả lợn)đã lập chốt chặn 24/24 giờ trên các tuyến đường lớn để kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc đi qua địa bàn; tổ chức phun tiêu độc khử trùng trang trại, gia trại chăn nuôi lợn…
Tại Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã ban hành văn bản đề nghị đơn vị, địa phương triển khai biện pháp ngăn chặn, ứng phó dịch tả lợn châu Phi.
Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng Trần Tới cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu UBND quận, huyện, sở, ban, ngành giám sát dịch bệnh động vật, phát hiện sớm ổ dịch, kịp thời thông báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có hướng xử lý.
UBND thành phố có kế hoạch ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong các tình huống: chưa phát hiện dịch và khi phát hiện dịch bệnh trên địa bàn để quận, huyện, sở, ban, ngành chủ động thực hiện.
Theo ông Trần Tới, hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng đã cấp thuốc tiêu độc, khử trùng cho các địa phương, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Chi cục cũng tăng cán bộ làm kiểm dịch, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển 24/24 giờ tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông Kim Liên và Hòa Phước.
Chi cục phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm, công an thành phố tập trung kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung tại Đà Sơn, Hòa Vang, Cẩm Lệ và các chợ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Đà Nẵng hiện nuôi khoảng 65.000 con lợn, mỗi ngày chỉ đáp ứng 20% sản lượng thịt, còn lại 80% phải nhập từ các tỉnh khác về tiêu thụ.
Tại Hà Nội, ngày 1/3, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lợn từ các địa phương, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ lớn tại huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh; đồng thời duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông nhằm ngăn chặn lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào thành phố.
Mới đây (từ ngày 22 – 27/2/2019), dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại Hà Nội thuộc 1 hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, do Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố; trong đó giáp với Hưng Yên và rất gần với Thái Bình có xảy ra dịch bệnh, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào thành phố, vì vậy việc quản lý dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 988 cơ sở điểm, giết mổ (chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp) còn lại là các cơ sở giết mổ trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Tại cơ sở giết mổ ở Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày giết mổ từ 1.800-2.000 con; trong đó có 60% nhập từ các tỉnh thành phố khác về.
Tại Tuyên Quang, để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh tả lợn châu Phi, tỉnh đã quyết định hỗ trợ gần 5 tỷ đồng để mua vắc xin và thuốc khử trùng cấp cho các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 550.000 con lợn, vì vậy, tỉnh yêu cầu người chăn nuôi, các ngành liên quan cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để tránh tình trạng xâm nhiễm bệnh dịch, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.