BVR&MT – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực sông Cầu.
Theo đó, Bộ GTVT đã có văn bản số 11158 ngày 6/9/2014 gửi UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang lấy ý kiến về chủ trương khảo sát, thiết kế, lập phương án thi công nạo vét luồng ĐTNĐ quốc gia tại các đoạn cạn từ Km1+000 đến Km30+000 sông Cầu. Ngày 22/9/2014, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản số 158 gửi Bộ GTVT thống nhất chủ trương thực hiện dự án. Ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản số 2779 gửi Bộ GTVT thống nhất chủ trương thực hiện dự án.
Theo Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang, từ năm 2008 – 2015, Bộ GTVT đã cấp phép 66 dự án nạo vét sông, do triển khai chậm nên đã chấm dứt 42 dự án, hiện còn 14 dự án và sẽ kết thúc trong năm 2017. Trong 14 dự án đang thi công, có 9 dự án bất cập nên đã cơ quan quản lý ký văn bản chấm dứt hợp đồng. Ngoài dự án nạo vét do Bộ GTVT cấp, còn có 600 mỏ cát trên tuyến sông thuộc quản lý của các địa phương. Công tác cấp phép, quản lý ra vào các mỏ cát này không chặt chẽ cũng dẫn đến tình trạng phức tạp. |
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, ngày 8/10/2014, Bộ GTVT có văn bản số 12677 chấp thuận chủ trương khảo sát, thiết kế, lập phương án thi công nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu, đoạn từ Km1+000 đến Km30+000.
Từ căn cứ trên, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam có Quyết định số 1253 ngày 23/10/2014 phê duyệt hồ sơ thực hiện của dự án. Theo đó chấp thuận cho Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu được thực hiện dự án tại các đoạn cạn trên địa phận tỉnh Bắc Giang.
Bộ GTVT cũng nêu rõ, sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, ngày 4/5/2015, dự án triển khai thi công và tạm dừng thi công trong mùa lũ (từ ngày 26/5/2015 – 25/10/2015). Từ ngày 11/3/2016 – 30/11/2016, dự án tạm dừng thi công theo đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh để kiểm tra hiện trạng luồng khu vực thực hiện dự án. Ngày 26/10/2016, sau khi có kết quả kiểm tra hiện trường, Cục ĐTNĐ Việt Nam có văn bản số 2246 gửi nhà đầu tư để tiếp tục thi công dự án trên phạm vi tỉnh Bắc Giang (yêu cầu nhà đầu tư chỉ thi công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khi được UBND tỉnh chấp thuận).
Tuy nhiên, ngày 29/11/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản số 374 gửi Bộ GTVT đề nghị dừng thực hiện dự án đề khảo sát lại hiện trạng luồng khu vực dự án. Hai ngày sau, ngày 1/12/2016, Cục ĐTNĐ Việt Nam có văn bản số 2555 tạm dừng thực hiện dự án. Trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện dự án của Cục ĐTNĐ Việt Nam, ngày 14/12/2016, Bộ GTVT có văn bản số 14907 gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Cục ĐTNĐ Việt Nam, giao Cục ĐTNĐ Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng của UBND tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để kiểm tra hiện trạng luồng thuộc phạm vi dự án.
Khi dự án đang được tạm dừng, theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải thủy và phương tiện thông tin đại chúng về tình hình khan cạn tại một số vị trí trên sông Cầu, ngày 9/1/2017, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Bắc Ninh (Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở TN&MT, Sở NN&PTNN, Sở GTVT, UBND huyện Quế Võ) cùng đơn vị tư vấn độc lập tiến hành đo xác suất 4/11 vị trí đoạn cạn thuộc dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và báo cáo Bộ GTVT về kết quả khảo sát hiện trạng dự án. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT có văn bản số 1689 ngày 22/02/2017 gửi tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên quan.
Ngày 1/3/2017, Cục ĐTNĐ Việt Nam có văn bản yêu cầu nhà đầu tư chỉ được thi công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Như vậy, theo báo cáo của Cục ĐTNĐ Việt Nam, dự án triển khai thi công ngày 4/5/2015 (tạm dừng thi công trong mùa lũ từ ngày 26/5/2015 – 25/10/2015).
Trong năm 2016, dự án tạm dừng thi công từ ngày 11/3/2016 – 30/11/2016 theo đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh, để kiểm tra hiện trạng luồng khu vực thực hiện dự án. Từ ngày 30/11/2016 đến nay, dự án vẫn tạm dừng thi công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Cũng tại văn bản này, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT xây dựng Nghị định quy định nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; trong đó có phần sử dựng vốn ngân sách nhà nước và kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố không quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông thuộc diện tích các khu vực nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản); thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trong hoạt động thăm dò, cấp phép khai thác mỏ vật liệu trong khu vực vùng nước hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia…
Được biết, hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý, khai thác 137 tuyến ĐTNĐ quốc gia, với chiều dài 7071,8 km. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, nên hàng năm chỉ có thể bố trí được khoảng từ 50 – 100 tỷ đồng để nạo vét duy tu một số đoạn tuyến ĐTNĐ quốc gia, để đảm bảo chuẩn tắc tại một số tuyến vận tải thủy quan trọng, huyết mạch và liên vùng.
Theo Bộ GTVT, do nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, không đủ kinh phí nạo vét duy tu, duy trì chuẩn tắc thiết kế của luồng; do đó chủ trương thực hiện xã hội hóa theo hình thức nạo vét thông luồng, kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét, không sử dụng ngân sách nhà nước là cần thiết. Chủ trương này nhằm đảm bảo chuẩn tắc của luồng theo thiết kế hoặc chuẩn tắc luồng đã được công bố theo cấp kỹ thuật. Điều này khác với việc khai thác khoáng sản chỉ lấy khoáng sản cát và hoạt động khai thác khoáng sản thường có độ sâu khai thác tương đối lớn, phạm vi có thể gần bờ và chủ yếu nằm ngoài luồng và hành lang luồng đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, việc tận thu sản phẩm trong quá trình nạo vét duy tu luồng phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí theo quy định của pháp luật liên quan.
Xuất phát từ nhu cầu cần thiết phải nạo vét bảo đảm an toàn giao thông cho phương tiện vận tải thủy, đặc biệt các tuyến vận tải chính, rút ngắn cự ly vận chuyển và khai thác hiệu quả kinh tế khu vực, vùng trên cơ sở sản phẩm nạo vét có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng công trình trong nước hoặc xuất khẩu, các doanh nghiệp đầu tư kinh phí để thực hiện nạo vét, sản phẩm tận thu được bán để bù đắp chi phí cho nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện việc nạo vét.