BVR&MT – Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh đào rừng tự nhiên. Đến nay, nhiều địa phương đã và đang thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc buôn bán, vận chuyển đào trồng nhằm khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế.
Tăng cường bảo vệ rừng
Thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ thị này. Để bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản lý cây rừng tự nhiên (chủ yếu là cây đào, mai), Bộ NN và PTNT cũng đã đề nghị các địa phương khuyến khích việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật. Đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp. Đồng thời khẳng định phối hợp với các địa phương, tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.
Theo Tổng Cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm việc không khai thác đào rừng tự nhiên, tạo điều kiện cho người dân mua, bán cây đào Tết thuận lợi thông qua việc cấp giấy chứng nhận, cấp tem truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng. Chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố thường xuyên bám sát địa bàn, tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân thực hiện truy xuất, xác định nguồn gốc cây đào theo đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng chặt phá cây rừng trái phép.
Để tháo gỡ khó khăn cho những hộ dân trồng đào tại các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT cho phép thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ, vùng trồng, cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên; hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khai thác và xác nhận cây đào trên diện tích đất vườn nhà, trên đất nương rẫy thuộc đất trồng cây ăn quả hằng năm và cây đào trồng phân tán của tổ chức, cá nhân… không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp. Tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác, vận chuyển, mua bán đào có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Đồng thời đã tổ chức dán tem thí điểm cho diện tích đào trồng tại huyện Vân Hồ, tạo thuận lợi để người dân được khai thác, mua bán, vận chuyển cây đào trồng vào dịp Tết.
Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa… cũng đã ban hành công văn về việc tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, yêu cầu các địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai, tổ chức thực hiện quyết liệt, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; đồng thời nghiên cứu nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ NN và PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để có biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn; tuyệt đối không được gây khó khăn, không tạo thêm thủ tục hành chính gây ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân theo quy định…
Tạo thuận lợi cho người trồng đào
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Thóm, một cựu chiến binh ở bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết, gia đình ông và các hộ trong bản, nhà nào cũng trồng đào phai, có gia đình trồng hàng chục héc-ta. Tùy theo tuổi và thế đào giá bán khác nhau. Mỗi héc-ta cho thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/năm từ việc bán cành đào. Hằng năm cứ vào dịp giáp Tết, các thương lái từ Hà Nội và các tỉnh lân cận lại lên mua cành đào rồi vận chuyển về xuôi bán. Năm nay cũng vậy, chỉ khác, các hộ gia đình phải làm đơn, ra UBND xã xin xác nhận. Thủ tục rất đơn giản nên hầu như việc xin xác nhận của chính quyền không phiền hà khó khăn gì. Ông khẳng định, chỉ đạo của Trung ương trong việc nghiêm cấm khai thác đào rừng tự nhiên là đúng đắn vì vừa giữ được rừng lại bảo đảm cảnh quan thiên nhiên. Ông và các hộ dân chỉ mong rằng từ sang năm việc truy xuất nguồn gốc cây đào được áp dụng thống nhất, cụ thể, tránh gây phiền hà, lúng túng cho cả người dân và người thực thi công vụ.
Cũng có chung quan điểm với ông Thóm, anh Trần Văn Khả, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội), bán đào ở phố Lạc Long Quân (Hà Nội) cho biết, việc xin cấp giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc đào rất thuận lợi. Năm nào gần Tết, anh và một số người bạn cũng lên huyện Phù Yên (Sơn La) mua đào về Thủ đô để bán. Khác với những năm trước, năm nay, anh phải chờ thêm một vài ngày do chính quyền địa phương chưa tiến hành được ngay việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc đào trồng. Mặc dù việc làm này do người bán đào thực hiện nhưng nếu chủ động từ trước thì người buôn bán đào không phải mất thêm thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến chất lượng cây đào và thời điểm kinh doanh. Tuy vậy, theo anh Khả, do có sự chỉ đạo chặt chẽ từ trung ương đến địa phương nên việc vận chuyển đào từ miền núi về xuôi không gặp trở ngại, khó khăn gì từ các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường. Khác với những cành đào của anh Khả, vợ chồng anh Trần Phúc Thanh ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La), kinh doanh cành đào tại phố Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) thì có tem dán cho mỗi cành đào. Anh Thanh cho biết, tùy điều kiện mỗi địa phương có cách xác nhận khác nhau cho người trồng đào. Huyện Vân Hồ đã thực hiện việc dán tem cho mỗi cành đào. Đây đã là năm thứ 10, vợ chồng anh thuê xe, chặt cành đào gia đình trồng tại vườn nhà vận chuyển xuống Hà Nội để bán. Việc truy xuất nguồn gốc theo anh là rất cần thiết, lẽ ra nên làm từ lâu, bởi nó không những góp phần giữ rừng hiệu quả mà còn xác định được xuất xứ, chỉ dẫn địa lý hàng hóa kinh doanh. Cũng là cây đào, tùy vào điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau, có chất lượng khác nhau. Đào Vân Hồ, theo anh là một trong những loại đào đẹp nhất vùng Tây Bắc!
Theo người trồng đào và giới kinh doanh đào, hiện nay, các địa phương chưa thống nhất trong việc cấp giấy chứng nhận hay dán tem truy xuất nguồn gốc cây đào trồng nên ít, nhiều vẫn gây phiền hà cho người dân. Các cơ quan quản lý cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, nên mỗi địa phương đang thực hiện một cách khác nhau. Theo một số người kinh doanh đào, việc mua đào tại một hộ gia đình thì thủ tục còn dễ dàng, nhưng nếu đi thu mua tại nhiều hộ gia đình, hay tại nhiều địa phương khác nhau sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị các địa phương, một mặt nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, mặt khác, kịp thời đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo tồn các loại đào rừng tự nhiên và phát triển cây đào trở thành mặt hàng nông sản có giá trị, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ngày 18/1, Bộ NN và PTNT đã có Văn bản số 356/BNN-TCLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, đề nghị các địa phương, các ngành có liên quan tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. |