BVR&MT – Tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk diễn ra phức tạp khi nhiều tổ chức, cá nhân “đổ xô” xây dựng kho, vựa thu mua sầu riêng. Đáng nói, dù tình trạng vi phạm “tràn lan” nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hậu quả là hàng loạt công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng hình thành bất chấp quy định của pháp luật.
Xã chưa làm hết trách nhiệm
Huyện Krông Pắc là thủ phủ sầu riêng của tỉnh với hơn 7.000 ha, trong đó, hơn 3.000 ha cho thu hoạch, năm nay, sản lượng đạt khoảng 120.000 tấn. Để thuận lợi trong thu mua, xuất khẩu sầu riêng, vài năm trở lại đây, hàng trăm kho, vựa sầu riêng đã được xây dựng. Điều này đồng nghĩa với hành vi vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng tăng đột biến trong thời gian ngắn.
Theo Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắc, ngày 24/8/2023 về “Tình hình xử lý các hành vi vi phạm hành chính về đất đai do UBND cấp xã chuyển đến để xử phạt theo thẩm quyền”, từ năm 2022 đến ngày 22/8/2023, Phòng tham mưu UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 25 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 419 triệu đồng. Đáng lưu ý, trong số trường hợp vi phạm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc ông Y Suôn Byă bị xử phạt 22,5 triệu đồng.
Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắc cũng khẳng định, mặc dù UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, UBND các xã, thị trấn báo cáo chưa đầy đủ cũng như chưa thực hiện đúng chỉ đạo của UBND huyện.
UBND các xã chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của Luật Đất đai. Cụ thể, căn cứ Khoản 2, Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”.
Thực tế tại huyện Krông Pắc, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, UBND cấp xã có lập biên bản xử phạt, chuyển hồ sơ đến UBND huyện xử phạt trường hợp vượt thẩm quyền nhưng các trường hợp bị xử phạt vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thành công trình xây dựng trên đất nông nghiệp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài hành vi vi phạm liên quan đến đất đai, huyện Krông Pắc phát hiện và lập hồ sơ xử lý nhiều công trình kho, vựa thu mua sầu riêng với lỗi vi phạm phổ biến như: Xây dựng không có giấy phép, xây dựng vượt giấy phép, vi phạm hành lang an toàn giao thông…
Dù các công trình vi phạm được lập hồ sơ xử lý nhưng đến nay, việc khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm vẫn chỉ “nằm trên giấy”.
Rõ ràng, lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng tại huyện Krông Pắc đang tồn tại nhiều vấn đề, trong đó, chính quyền cấp xã, huyện đều chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước. Đây là tình trạng đáng báo động, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, gây khó khăn trong quản lý nhà nước thời gian tới.
Cần xử lý nghiêm
Dù tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá phổ biến tại địa phương này nhưng kết quả kiểm tra, xử lý không tương xứng. Cụ thể, trong báo cáo về công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 của UBND huyện Krông Pắc ngày 22/8/2028 (theo yêu cầu của Sở Xây dựng) chỉ có một công trình vi phạm và đã hoàn thành hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
Trong khi đó, cũng tại báo cáo trên, UBND huyện thừa nhận, hiện nay, do nhu cầu việc xây dựng kho chứa sản phẩm sầu riêng sau khi thu hoạch để xuất khẩu nên người dân trên địa bàn các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc, Hòa Đông, thị trấn Phước An phát sinh việc xây dựng nhiều công trình nhà kho (từ tháng 7 đến nay) để kinh doanh hoặc cho chủ doanh nghiệp nơi khác thuê lại. Số lượng công trình cấp giấy phép xây dựng tăng đột biến dẫn đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn.
Cán bộ, công chức quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương còn thiếu, năng lực hạn chế, thường xuyên kiêm nhiệm nhiều việc khác nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng chưa được thường xuyên.
Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính nhất là việc khắc phục hậu quả chưa cương quyết, triệt để; tuyên truyền, phổ biến văn bản quy định pháp luật về trật tự xây dựng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức nên tình trạng xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng còn xảy ra, gây khó khăn trong quản lý nhà nước.
Liên quan đến tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh.
Trong đó nêu rõ, hiện nay, một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương rà soát, tăng cường thanh, kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng trên địa bàn mình quản lý; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng theo quy định.
Việc xây dựng kho, vựa thu mua sầu riêng để đáp ứng nhu cầu thu mua, xuất khẩu đem lại nguồn lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành hàng sầu riêng. Tuy nhiên, không vì vậy mà để các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, cần hơn hết sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp lập lại trật tự xây dựng, đảm bảo quy định của pháp luật được thực thi nghiêm minh.