BVR&MT – Ngày 10/06/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) phối hợp với Tổ chức Friendric Ebert Stiftung (FES) tổ chức Hội thảo của nhóm công tác về môi trường và xã hội với nội dung thương mại và phát triển bền vững để cập nhật và thúc đẩy thực hiện cam kết trong TSD trong lĩnh vực môi trường, xã hội và lao động trong bối cảnh thực hiện Hiệp định EVFTA.
Sau khi EVFTA đi vào thực thi, trao đổi thương mại song phương giữa hai bên đã có những tăng trưởng tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2022 khi Hiệp định chưa có hiệu lực. Nếu nhìn từ ngành hàng, EVFTA đã tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Về tình hình thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của Hiệp định EVFTA, bà Lê Huyền Nga – Ban Thư ký của DAG cũng nêu rõ trong chương này thể hiện sự chú trọng của Việt Nam và EU đối với các cam kết về phát triển bền vững trong thương mại tự do. Bao gồm ba yếu tố phụ thuộc lẫn nhau và tập trung vào 04 nội dung chủ chốt trong lĩnh vực môi trường và thuộc nội hàm khái niệm phát triển bền vững là biến đổi khí hậu; đa dạng sinh học; quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản; quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trông thủy sản. Trong đó, bà Nga nhấn mạnh việc quản lí rừng bền vững và thương mại lâm sản là một trong nội dung chủ chốt trong chương TSD.
Hội thảo cũng đưa ra một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp và Hiệp định FLEGT/VPA (dự luật chống phá rừng của EU). Theo đó, các chuyên gia nhận định dự thảo luật COM(2021)706 về việc đưa vào thị trường EU cũng như xuất khẩu từ EU một số mặt hàng và sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng sẽ có tác động nhất định đến lợi ích xuất khẩu của Việt Nam. Trước mắt đối với 2 mặt hàng cà phê, gỗ và về lâu dài có thể tiềm ẩn nguy cơ đối với các sản phẩm nông lâm khác.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập chung đánh giá về Báo cáo nghiên cứu “Quyền lao động trong chuỗi cung ứng gỗ ở Việt Nam”. Các đại biểu nhận định đây là một nghiên cứu cần thiết và phù hợp trong bối cảnh EVFTA đang được tích cực triển khai.
Bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng – Viện Công nhân và Công đoàn, đại diện cho người lao động đánh giá: “Báo cáo được thực hiện đúng thời điểm cần thiết trước thực tế mô hình phát triển thâm dụng lao động Việt Nam sau hơn 30 năm đã cho thấy những vấn đề về lao động và môi trường cần được quan tâm. Đặc biệt trước cú sốc Covid-19, nhiều người lao động không có tích lũy, mất việc làm, mất thu nhập hoặc giảm việc làm, giảm thu nhập đã quay lại bờ vực của nghèo đói”.
Đề cập đến những khó khăn và thách thức của người sử dụng lao động và doanh nghiệp nói chung khi thực hiện các Hiệp định thương mại mới trong đó có hiệp định EVFTA, TS. Trần Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động – VCCI, đại diện cho người sử dụng lao động cho biết: “Trước hết khi tham gia sâu vào xu hướng hội nhập quốc tế, người sử dụng lao động phải tuân thủ tốt các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có các cam kết về lao động đã được ghi nhận trong hiệp định thương mại này. Đồng thời, việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế sẽ làm tăng các chi phí đối với doanh nghiệp. Một thách thức rất lớn nữa cho các doanh nghiệp trong đó có ngành gỗ là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, khi thực hiện cuộc cách mạng 4.0 thì đây là vấn đề lớn được các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt sau đại dịch Covid-19”.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận nghiên cứu về quyền của người lao động trong chuỗi cung ứng và chế biến gỗ Việt Nam giai đoạn 2; những thuận lợi và khó khăn hiện nay đối với việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững.
Hội thảo đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp cũng như người lao động nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình hội nhập rộng mở. Đồng thời, hội thảo cũng định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội khi thực hiện hiệp định EVFTA để khẳng định vị thế và tiếp tục phát triển ở thị trường EU.
Phóng viên Nông Mới – Đình Trà (thực hiện)