Bắc Ninh: Quy hoạch đô thị và những thách thức

BVR&MT – Là một trong những mũi nhọn trong “vùng tam giác” kinh tế trọng điểm gồm thủ đô Hà Nội – Bắc Ninh – Vĩnh Phúc, mảnh đất “quan họ” đang vươn mình với những thế mạnh nổi trội về công thương nghiệp, thương mại, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, thể dục thể thao, không gian di sản và du lịch.

Trong những năm gần đây, Bắc Ninh thu hút nhiều dự án với trình độ công nghệ cao đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện tử, sinh học với hàng loạt các tên tuổi lớn trên thế giới như tập đoàn Sam Sung , Hanwha techwin, Canon, Nokia… Điều này khẳng định Bắc Ninh là địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư đẳng cấp về sản xuất công nghiệp và công nghệ cao trên cả nước.

Theo đó sản xuất hội nhập quốc tế của địa phương càng phát triển sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp đồng thời tạo ra cơ hội cho quá trình đô thị hóa chất lượng cao ở Bắc Ninh. Quy hoạch vùng thủ đô khẳng định Bắc Ninh là vùng phát triển kinh tế tổng hợp về Dịch vụ, du lịch, văn hóa, công nghiệp. Bắc Ninh có những thuận lợi cơ hội rất lớn để khẳng định vị thế của mình trong vùng thủ đô.

Năm 2013 , UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh. Tháng 9- 2015 , thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu: Xây dựng thành phố Bắc ninh trở thành đô thị loại 1 vào những năm 20 của thế kỷ XXI, làm tiền đề để xây dựng tỉnh là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Thời gian 20 năm, bắc Ninh với tầm nhìn xa trông rộng của đồ án quy hoạch mới , đến những năm 2020 cả tỉnh sẽ phấn đấu thành một thành phố , đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai.

Nhiệm vụ trọng tâm tất yếu ở Bắc Ninh là phát triển quy hoạch đô thị theo chiều sâu. Đó chính là việc bắt tay vào cải tạo và chỉnh trang các khu trung tâm, các khu phố cũ, cải thiện vun đắp hình ảnh chung đô thị tạo nên một đô thị nhân văn, thành phố có thể không cao nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân vẫn là điều tốt hơn. Cần quan tâm đặc biệt đến việc quản lý chất lượng đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt, quy hoạch không chạy theo dự án, không dễ dãi trong việc điều chỉnh quy hoạch.

Mục tiêu phát triển tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 là xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển kinh tế nhanh bền vững, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong đó đô thị lõi Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại 1; chuyển từ phát huy lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động và phát huy lợi thế cạnh tranh trong điều kiện mới; kết nối giữa các tập đoàn đa quốc gia với trung tâm nghiên cứu triển khai, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng để đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao phía Bắc, tạo bước chuyển biến về kinh tế dịch vụ và phát huy nhân tố con người phù hợp với trình độ phát triển của giai đoạn mới.

Kinh tế Bắc Ninh đang trải qua giai đoạn phát triển nhanh chóng, thu hút dự án FDI trong các ngành công nghệ cao, công nghệ điện tử, công nghệ thông tin tăng mạnh có cơ hội phát triển cụm ngành dựa trên đổi mới sáng tạo. Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP là cơ hội mở cửa chào đón các tổ chức , các trường quốc tế đến đầu tư nghiên cứu, mở cơ sở đào tạo thuộc hàng đẳng cấp quốc tế.

Nhắc đến Bắc ninh là nhắc đến những làn điệu dân ca quan họ, những ngôi đình, ngôi làng cổ kính thiêng liêng, các làng nghề có lịch sử hàng trăm năm.Trong xu thế đô thị hóa mạnh mẽ và không thể đảo ngược, Bắc Ninh cũng nằm trong guồng quay của quá trình này, câu chuyện chúng ta không thể không nhắc đến là liệu những giá trị truyền thống gắn với nét văn hóa đặc trưng tại địa phương có còn sức đứng vững trong cơn lũ đô thị hóa?

Công nghiệp hóa đô thị hóa đã làm giảm bớt đi tính khép kín và làm tăng tính mở cửa của cộng đồng làng truyền thống, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân, công nghiệp hóa đô thị hóa đã tạo điều kiện cho người dân các làng được tiếp cận với các kỹ thuật sản xuất tiên tiến , thị trường mua bán rộng mở, linh hoạt và dịch vụ chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa đô thị hóa khi được đẩy lên đã phá vỡ nhiều nét đẹp truyền thống của các làng Việt nói chung và các làng Việt ở Bắc Ninh nói riêng. Nhiều công trình nhà ở hay công trình công cộng với kiến trúc cổ đã bị đập đi xây lại theo kiến trúc hiện đại hoặc bị chia nhỏ để bán thành đất công nghiệp. Nhiều đình chùa bị hư hại, lâu không được trùng tu, nhiều cổng làng cổng xóm đã bị tháo dỡ. Không gian làng mạc bị ô nhiễm vì số lượng dân di cư từ nơi khác đến , nhu cầu sinh hoạt tăng lên trong khi môi trường tự nhiên như cây xanh ao hồ ngày càng bị thu hẹp.

Như vậy có thể thấy một số di sản ở đang ở trong tình trạng chưa được quan tâm thích đáng trong việc trùng tu quy hoạch có hệ thống , bên cạnh đó , các cơ chế quản lý các di sản này còn thiếu tính đồng bộ và rõ ràng.

Quá trình quy hoạch đô thị ở Bắc Ninh với mục tiêu phát triển hội nhập với các đô thị tiên tiến khu vực Châu á Thái Bình Dương song song với đó là việc gìn giữ bảo tồn phát huy các giá trị cốt lõi độc đáo của địa phương. Đây sẽ là thời cơ và thách thức đối với ngành xây dựng Bắc Ninh trong vai trò tham mưu quản lý giám sát của đơn vị để làm sao đưa Bắc Ninh phát triển toàn diện, bền vững.

PV