BVR&MT – Trước tình hình số người mắc Covid-19 tăng cao, việc thực hiện cách ly, điều trị tại nhà đối với trường hợp nhiễm Covid-19 và tiếp xúc trực tiếp khi đủ điều kiện mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, rác thải tại khu dân cư có người cách ly y tế tại nhà nếu không được xử lý chặt chẽ, đúng quy định có thể là “mầm bệnh” lây lan dịch trong cộng đồng.
Nguy cơ phát tán mầm bệnh
Con dâu và cháu trai ông T.V.L, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên không may mắc Covid-19 và được đưa vào cơ sở điều trị, nhưng các thành viên còn lại của gia đình đều thuộc diện F1 và được thực hiện cách ly y tế tại nhà.
Trong suốt thời gian cách ly, gia đình ông L. được cán bộ y tế phường, tổ phòng, chống Covid cộng đồng thường xuyên tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, trong đó, có việc phân loại rác thải.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có đông F0 và F1 đang điều trị, theo dõi tại nhà. Theo quy định, việc xử lý rác thải tại các khu dân cư nơi có người thực hiện cách ly y tế tại nhà được thực hiện theo hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19.
Theo đó, chất thải phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú của người mắc, nghi ngờ mắc Covid-19 như khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, các dụng cụ test nhanh… đều là chất thải có nguy cơ chứa vi rút.
Nếu không được xử lý nghiêm ngặt theo quy định thì sẽ là những “mầm bệnh” lây lan dịch trong cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế, loại rác thải này cần phải được thu gom và xử lý như rác thải y tế nguy hại và phải được phân loại ngay tại nguồn.
Quy định là vậy, tuy nhiên, vẫn còn không ít gia đình chưa chấp hành nghiêm việc phân loại rác thải, cũng như các quy trình xử lý rác thải lây nhiễm khi có người thực hiện cách ly y tế tại nhà.
Xử lý chưa đúng cách
Rác thải sinh hoạt và rác thải có nguy cơ lây nhiễm vẫn được để chung túi đựng rác. Điều này dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn, đặc biệt là những người sống chung trong gia đình, nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh môi trường.
Xã Minh Quang, huyện Tam Đảo có hơn 200 trường hợp F1 đang được thực hiện cách ly y tế tại nhà. Công tác thu gom, xử lý rác thải tại các gia đình có người cách ly y tế được giao cho HTX vệ sinh môi trường xã đảm nhận. Tuy nhiên, mỗi thôn chỉ có 2 nhân viên vệ sinh môi trường, kinh phí hạn hẹp, việc thu gom và xử lý phần lớn theo phương pháp thủ công.
Theo lãnh đạo địa phương, các gia đình có người cách ly tại nhà đều được cán bộ y tế, Tổ phòng, chống Covid cộng đồng tuyên truyền để phân loại rác thải lây nhiễm, rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, còn nhiều hộ chưa nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm từ khẩu trang, khăn lau mũi, miệng, dụng cụ test nhanh… nên chưa phân loại rác đúng quy định. Nhiều hộ tự xử lý rác thải bằng phương pháp thủ công như chôn lấp, đốt tại vườn nhà.
Việc chưa phân loại rác thải tại nguồn đối với những gia đình có người cách ly y tế không chỉ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn rất khó khăn trong khâu vận chuyển, xử lý rác thải.
Theo quy định, công tác vận chuyển, xử lý rác thải lây nhiễm tại các khu dân cư có người cách ly y tế tại nhà phải được bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng, khép kín và phải được ưu tiên xử lý ngay trong ngày, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Thế nhưng, phần lớn các địa phương hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Việc thu gom, vận chuyển rác thải vẫn bằng phương pháp thủ công, rác thải lây nhiễm thường được gom chung với rác thải thông thường. Điều này gây nhiều lo ngại về nguy cơ phát tán mầm bệnh.
Chị N.T.N, thôn Gia, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc cho biết: “Gần gia đình tôi có rất nhiều trường hợp phải cách ly y tế tại nhà. Nhưng nhiều hộ gia đình chưa có ý thức trong việc phân loại rác thải lây nhiễm, tất cả rác thải sinh hoạt và rác thải lây nhiễm được để chung trong túi nilon, để trước cửa nhà, khiến những hộ sống xung quanh như chúng tôi không khỏi lo lắng, bất an”.
Tình trạng trên là các trường hợp cách ly y tế tại nhà nằm rải rác tại nhiều thôn dân cư, nên công tác thu gom, xử lý gặp khó khăn. Trong khi lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chở rác thải lây nhiễm, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương còn hạn hẹp. Đáng lo ngại hơn, việc xử lý rác thải chủ yếu vẫn bằng phương pháp thủ công, nguy cơ lây lan mầm bệnh là khó tránh khỏi.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc hạn chế, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch là việc rất cần thiết và cấp bách. Trong đó, rác thải là thứ có nguy cơ lây bệnh cao.
Theo các chuyên gia y tế, việc xử lý rác thải phát sinh tại những nơi có người thực hiện cách ly y tế cần phải được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn, bắt đầu ngay từ ý thức của mỗi người dân và sự vào cuộc của chính quyền địa phương có vai trò quan trọng.