BVR&MT – Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh việc thu hồi, rà soát hiện trạng sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai; tăng cường việc quản lý đất đai chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh; xây dựng, điều chỉnh đề án “Tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, thiết kế kỹ thuật-dự toán thực hiện việc cắm mốc ranh giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đối với 11 công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ… Tổng diện tích các đơn vị đã bàn giao về địa phương quản lý là 7.480,41ha.
Trên địa bàn tỉnh, Tổng Công ty Giấy Việt Nam quản lý và sử dụng gần 17 ngàn ha đất lâm nghiệp. Theo chủ trương của Chính phủ, Tổng Công ty đã bàn giao một phần diện tích đất của tám công ty lâm nghiệp trực thuộc về cho tỉnh quản lý. Hiện nay, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất và nhận bàn giao xong thực địa đối với diện tích 3.091,3ha của Tổng Công ty Giấy Việt Nam để sử dụng vào các dự án phát triển kinh tế-xã hội; trong đó ưu tiên cho mục tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư. Đối với diện tích trên 4.098ha đất do trùng lấn vào đất rừng phòng hộ, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi về nguyên tắc và giao cho UBND cấp huyện quản lý, lập phương án sử dụng đất, rà soát cấp GCN quyền sử dụng đất cho các hộ dân đang sử dụng theo hiện trạng.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý về đất đai đối với đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường, cuối tháng 6/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Đề án tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Theo đó, các đơn vị cần xác định ranh giới, cắm mốc giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp GCN quyền sử dụng đất, bao gồm: Vườn Quốc gia Xuân Sơn; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Trung tâm Khoa học lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ; Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi Phía Bắc; Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Bắc Bộ; Công ty TNHH MTV chè Phú Bền; Công ty chè Phú Đa; Công ty CP chè Mỹ Lâm, Công ty CP chè Phú Thọ (Công ty TNHH chè Cẩm Khê diện tích trên địa bàn xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê); diện tích đất do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang quản lý sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường và các tổ chức được chuyển đổi từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý.
Theo đề án, công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp GCN quyền sử dụng đất đối với diện tích trả về địa phương đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh bao gồm trên 27.093ha; cấp 10.157 GCN quyền sử dụng đất (trong đó: Cấp mới 7.269 GCN, cấp đổi 2.888 GCN). Số thửa tăng thêm cấp chung trên một GCN là 2.227 thửa. Xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp GCN quyền sử dụng đất đối với các đơn vị thuộc Đề án trên 52.622ha đất, với trên 2.580km đường ranh giới; 3.810 mốc; 129 bản đồ ranh giới; cấp mới 2.538 GCN quyền sử dụng đất…
Đồng chí Phạm Văn Quang – TUV, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh thực hiện Đề án tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đồng thời đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập, tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường tại địa phương.