BVR&MT – Trong Lời kêu gọi đồng bào, nhân dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên mọi người: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây, gây rừng ở bờ biển”. Người xem bảo vệ rừng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng như việc bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn của mình vậy. Người luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để kêu gọi mọi người khai thác rừng phải luôn có kế hoạch bảo vệ và tu bổ rừng, làm cho rừng ngày càng phát triển rộng lớn hơn, môi trường sẽ trong lành hơn.
Từ những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng lòng quyết tâm bảo vệ và phát triển rừng. Rừng là vàng Nếu chúng ta biết bảo vệ rừng sẽ đem lại cho con người nguồn tài nguyên vô cùng quý giá.
Tại tỉnh Quảng Ninh Công tác bảo vệ và phát triển rừng được đặc biệt quan tâm, tỉnh Quảng Ninh có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để nói về công tác bảo tồn và phát triển rừng ở Quảng Ninh thì phải nói tới Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn huyện Hoành Bồ trước kia, nay đã sáp nhập vào TP Hạ Long. Nơi đây được ví như “lá phổi xanh” của tỉnh, có những giá trị to lớn về bảo tồn đa dạng sinh học và giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Những tiềm năng này cần được khơi dậy, và đánh thức.
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng với diện tích tự nhiên 15.593,8ha nằm trên địa phận 5 xã bao gồm: Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai và Hoà Bình thuộc TP Hạ Long. Đây có thể ví như một “lá phổi xanh” cho cả một vùng, không cần đi vào quá sâu, vài bước chân nơi cửa rừng đã là một bầu không khí trong lành, tinh khiết. Nơi đây chứa đựng những giá trị đặc biệt trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý… và là nơi lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.
Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng có 546 loài, thuộc 332 chi của 97 họ các loài cây thân gỗ khác nhau. Đối với nhóm thực vật thân thảo cũng rất phong phú với tổng 617 loài, thuộc 380 chi của 119 họ. Ở đây còn là môi trường sống của 64 loài thực vật quý hiếm thuộc 52 chi, 38 họ, trong đó, có 43 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 31 loài được ghi trong Danh mục sách đỏ của IUCN. Bên cạnh đó, trong Khu bảo tồn với nhiều cây thuốc, trong đó, có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, với 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 330 chi, 125 họ khác nhau.
Khu bảo tồn hiện có 56 loài thú, trong đó, có 16 nằm trong Sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN); 135 loài chim, có 12 loài nằm trong sách đỏ của IUCN; 31 loài bò sát, có 8 loài nằm trong Sách đỏ của IUCN và 22 loài ếch nhái khác. Đặc biệt, nằm trong hệ động vật phong phú, khu bảo tồn có 2 loài đặc hữu là thằn lằn cá sấu và cá cóc Việt Nam.
Cùng với giá trị đa dạng sinh học về động vật, thực vật quý hiếm, khi đến với khu bảo tồn Đồng Sơn – Kỳ Thượng, du khách còn được khám phá cảnh quan tự nhiên, với màu xanh của những cánh rừng tự nhiên, cùng với hệ thống khe, suối, thác nước hùng vĩ mang vẻ đẹp làm say đắm lòng người. Với độ cao gần tương tự với đỉnh chùa Đồng trên dãy núi Yên Tử, đỉnh Thiên Sơn nằm có độ cao 1.096m so với mực nước biển, đây là đỉnh cao nhất của khu bảo tồn. Tiếp đó là các đỉnh núi cao quanh năm mây phủ như: Am Váp (1.051m), Đồng Trà (889m), Khe Ru (826m), Ngọn Mo (852,5m) đây cũng là những đỉnh cao đặc biệt, thu hút đối với những du khách thích khám phá, chinh phục thử thách thiên nhiên.
Bên cạnh giá trị đa dạng sinh học, một giá trị nữa cũng rất đặc sắc của Khu bảo tồn chính là giá trị cảnh quan. Trong Khu bảo tồn, các cánh rừng tự nhiên được đan xen bởi hàng trăm con suối, thác nước lớn nhỏ, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình. Đi bộ dưới những tán cây rừng, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối reo, vượt đèo, băng thác, chinh phục đỉnh Thiên Sơn ở độ cao 1.096m so với mực nước biển hay khám phá những đỉnh cao mây phủ như Khe Ru, Đèo Kinh, Đồng Trà, Am Váp… là những hành trình đầy ấn tượng.
Được thiên nhiên ưu đãi, Đồng Sơn-Kỳ Thượng xưa kia đã được người Pháp để mắt, xây dựng điền viên, biệt thự nghỉ dưỡng. Các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc ở Kỳ Thượng cũng có thể trở thành những sản phẩm du lịch ấn tượng, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Hạ Long. Ngày nay, đường đến đây còn thuận lợi hơn nhiều bởi con đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn mở ngay dưới chân dãy núi Thiên Sơn. Ngoài ra còn những dự án tầm cỡ như quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch Safari Hạ Long, Đường nối cầu Cửa Lục 1, 2 với Kỳ Thượng đang dần thành hình. “Giấc mơ” đưa nơi “thâm sơn cùng cốc” này lên bản đồ du lịch, kết nối với vịnh Hạ Long danh tiếng không còn xa. Với những tiềm năng sẵn có, Đồng Sơn-Kỳ Thượng được kỳ vọng là mảnh đất màu mỡ để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm… Nơi đây được ví như “nàng công chúa” Đồng Sơn-Kỳ Thượng đang chờ được đánh thức.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính “sống còn” đối với Khu Bảo tồn Đồng Sơn – Kỳ Thượng đó là công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng và giữ được rừng nguyên sinh. Nhận thức được vai trò quan trọng đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ của khu bảo tồn thường xuyên tuần tra, giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích quản lý, đặc biệt là vùng lõi với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đang sinh trưởng. Ban quản lý khu bảo tồn đang hoàn thiện báo cáo thực trạng và giải pháp quản lý, quy hoạch, phát triển theo hướng bền vững.
Để bảo vệ rừng ngoài quyết tâm cao và tình yêu rừng thì cần có sự phối hợp với người dân tham gia bảo vệ rừng. Người dân là trung tâm, là hạt nhân đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Khu BTTN có 4 dân tộc sinh sống trên địa bàn 5 xã là: Dao, Sán dìu, Kinh và Hoa. Trong diện tích Khu BTTN người Dao chiếm tới 97 %, số còn lại là người dân tộc khác. Đây là địa bàn là vùng cao, sâu xa đi lại vô cùng khó khăn; các xã trong vùng dự án chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ nhận thức còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều và khai thác trực tiếp nguồn tài nguyên rừng. Thực trạng người dân trong khu vực thiếu sinh kế, thiếu đất sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều hạn chế đang đặt áp lực lớn đến Khu BTTN, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng đặc dụng để sản xuất. Trong năm 2020, ngoài việc bùng phát của đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội nói chung thì việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long để mở rộng không gian phát triển cho thành phố, cũng mở ra nhiều cơ hội để phát triển, khơi dậy tiềm năng của Khu bảo tồn. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại rừng đặc dụng.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế Khu Bảo tồn Đồng Sơn – Kỳ Thượng, cũng như nâng cao giá trị từ rừng, tạo việc làm và thu nhập cho đồng bào dân tộc hiện đang sinh sống và canh tác ở một số vùng nằm trong Khu bảo tồn. TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp phù hợp đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa gìn giữ bảo tồn gắn với phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững. Dù tiềm năng đặc biệt còn chưa được khai thác, nhưng định hướng của TP Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung phải là sự phát triển bền vững của “lá phổi xanh” này. Để phát huy tiềm năng và lợi thế Khu Bảo tồn Đồng Sơn – Kỳ Thượng, cũng như nâng cao giá trị từ rừng, tạo việc làm và thu nhập cho đồng bào dân tộc hiện đang sinh sống và canh tác ở một số vùng nằm trong Khu bảo tồn, tỉnh Quảng Ninh xác định những giải pháp phù hợp đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa gìn giữ bảo tồn gắn với phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của Ban quản lý KBTTN Đồng Sơn-Kỳ Thượng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Trong đó, mục tiêu chung của phương án này chính là xã hội hóa, thực hiện đồng bộ các hoạt động bảo tồn các hệ sinh thái rừng hiện có, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm và tính đa dạng sinh học của rừng. Bên cạnh công tác bảo tồn cần khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng, giá trị di tích lịch sử, văn hóa địa phương và các nguồn lực để phát triển du lịch, tạo việc làm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, giữ vững trật tự xã hội và an ninh quốc phòng. Phương án cũng đưa ra những giải pháp thực hiện cụ thể về tên gọi, tổ chức bộ máy quản lý, công tác chỉ đạo, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, các phương án phối hợp giữa các bên liên quan, áp dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ và phát triển rừng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Rừng là vàng, là tài nguyên Quốc gia, là một hệ sinh thái mà quần xã cây rừng giữ vai trò chủ đạo trong mối quan hệ tương tác giữa sinh vật với môi trường. Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường: cung cấp nguồn gỗ, củi, điều hòa môi trường đất và nước, tạo ra oxy, là nơi cư trú của động thực vật và lưu trữ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, đảm bảo cho sự sống, bảo vệ sức khỏe của con người trên trái đất. Với tiềm năng và tầm quan trọng của rừng được cả thế giới đều quan tâm trong suốt chiều dài lịch sử. Trong chương trình Hội nghị COP 26 diễn ra tại Anh, các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu có một nội dung quan trọng được nhắc tới đó chính là sự kiện công bố Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về Rừng và sử dụng đất được tổ chức vào ngày 2/11/2021. Hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập niên này, thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công-tư đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng. Tham dự chương trình lần này Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự sự kiện thông qua Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về Rừng và sử dụng đất và có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu. Việt Nam tham gia Tuyên bố phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng và sử dụng đất bền vững, thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn rừng, càng cho thấy tầm quan trọng của rừng. Chúng ta cần phải chung tay gìn giữ lá phối rừng xanh như chính lá phổi của mình. Và càng hy vọng rằng lá phổi xanh Đồng Sơn – Kỳ Thượng của Quảng Ninh nói riêng và rừng của Việt Nam nói chung luôn được bảo tồn và phát triển.
Theo bước chân của những người Kiểm lâm tại nơi đây, mới hiểu hết những khó khăn của công việc thường ngày. Những giọt mồ hôi thấm đẫm chiếc áo xanh, những bước chân cẩn trọng tránh những mầm cây, những đôi mắt nhìn và quan sát, đôi bàn tay nâng niu từng chiếc lá. Phần thưởng cao quý nhất dành cho họ không phải là những bằng khen, lời động viên. Đơn giản chỉ là một đôi bàn tay, tự vục một chút nước trong lành của dòng suối chảy mãi quanh năm, đưa lên rửa mặt để trôi hết những nhọc nhằn và gian khó. Đó là phần thưởng của thiên nhiên tặng cho người chiến sĩ kiểm lâm, một món quà không có lời mà chỉ có tiếng chim ríu rít chao lượn, của tiếng gió mơn đùa trên tầng lá cao.
Thực hiện: Xuân Quỳnh – Khánh Tân – Thế Kiên – Hoài Nam