BVR&MT – Chiều 7/12, Đại hội Đại biểu lần thứ VII nhiệm kỳ 2021 – 2025 của Trung ương Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hà Nội) với sự tham dự trực tiếp của các đại biểu tại đầu cầu chính và trực tuyến của đại biểu các tỉnh, tiêu biểu: Ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Bà Phạm Thị Bích Hồng – Phó Trưởng Ban truyền thông và Phổ biến kiến thức (VUSTA); Tổng cục Lâm nghiệp; Viện Điều tra quy hoạch rừng; Đại học Lâm nghiệp Việt Nam; Hội Chủ rừng (Bộ NN&PTNT); ông Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA) nhiệm kỳ VII và các đại biểu tham dự.
Mở đầu Đại hội là phần Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ VII (2015 – 2020). Qua đó, Ban Chấp hành Hội, Ban Thường vụ và Văn phòng Hội đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trên cơ sở bám sát Nghị quyết đại hội và Điều lệ Hội. Hội đã phát huy được sự nhiệt tình, tâm huyết và sáng tạo của các Uỷ viên Ban chấp hành và Ban Thường vụ; tiếp tục duy trì và phát huy vai trò của Hội với tư cách là một Tổ chức xã hội – nghề nghiệp cấp trung ương. Các kết quả đạt được là đáng trân trọng trong điều kiện Hội phải tự lo kinh phí, tự trang trải các hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của chương trình, dự án trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, thông qua báo cáo của Đại hội Ông Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế và tồn tại trong nhiệm kỳ VII (2015 – 2020). Đơn cử là công tác phát triển hệ thống tổ chức của Hội còn yếu, số lượng các chi hội còn ít, một số Trung tâm phải xin tạm ngưng hoạt động và giải thể do hoạt động khó khăn. Đồng thời chưa phát huy được hết thế mạnh của các Uỷ viên Ban chấp hành và các thành viên của Hội để thúc đẩy các hoạt động của Hội. Công tác tư vấn, phản biện xã hội chủ yếu mang tư cách cá nhân của các chuyên gia là thành viên của Hội, còn ít các hoạt động tư vấn, phản biện của tập thể Hội với tư cách một tổ chức xã hội chuyên nghiệp nên chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; chưa xây dựng được mô hình phát triển mang đặc trưng riêng của một tổ chức xã hội tập hợp đội ngũ tri thức của ngành. Thêm nữa là công tác phối hợp hoạt động giữa các đơn vị thành viên chưa chặt chẽ. Kinh phí hoạt động ít không đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ thường xuyên.
Phát biểu tại Đại hội, Giáo sư Hà Chu Chử nêu ý kiến: “Báo cáo tổng kết của Đại hội tương đối đây đủ. Tuy nhiên, chúng ta cần đi sâu hơn vào những mảng nổi bật tại từng địa phương. Qua đó, Hội chúng ta làm rất tốt trong việc tuyên truyền thông tin của Hội thông qua Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường. Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường là kênh thông tin có vai trò vị thế và rất tốt, rất phù hợp trong thời đại công nghệ số, Tạp chí đã cung cấp thông tin nhanh nhạy và phản ánh kịp thời những vấn đề về công tác bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường, tài nguyên ở cụ thể từng địa phương với số lượng bạn đọc ngày càng tăng cao. Chúng ta cần động viên và phát huy tốt hơn nữa trong công tác tuyên truyền thông tin của Hội, của ngành thông qua Tạp chí điện tử Bải vệ Rừng và Môi Trường. Ngoài hoạt động thông tin, chúng ta cần tạo sự gắn bó, liên kết mạnh mẽ hơn nữa từ hội thành viên ở địa phương đối với Hội.”
Đồng hành cùng Hội từ những ngày đầu tiên, Giáo sư Hoàng Hoè đồng tình với quan điểm của Giáo sư Hà Chu Chử cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa cơ quan ngôn luận của Hội: “Tôi hy vọng Hội của chúng ta sẽ duy trì tinh thần nhiệt huyết của những người đi trước, giúp Hội phát triển mạnh mẽ và có ý nghĩa xã hội hơn nữa. Đặc biệt chúng ta cần chú trọng về hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng thông qua Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, giúp Tạp chí gắn liền với đời sống xã hội không chỉ là để các nhà khoa học đăng tải những bài báo là công trình nghiên cứu khoa học… Tuy nhiện, Khoa học kỹ thuật vẫn là nền tảng, nếu không có khoa học kỹ thuật sẽ không thể phát triển. Nhưng chúng ta cũng cần chú trọng và quan tâm nhiều hơn giúp tờ báo điện tử của Hội là cơ quan ngôn luận phải có thêm điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn nữa về công tác phản ánh trong phương diện bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường, tài nguyên trên lĩnh vực lâm nông nghiệp và môi trường tài nguyên.”
Về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ VIII (2021 – 2025), tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức, mở rộng mạng lưới của Hội đa dạng về hình thức như thành lập các đơn vị trực thuộc, xây dựng mối quan hệ đối tác với đơn vị, cá nhân quan tâm đến công tác phát triển ngành. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội nhằm mục đích cung cấp cho các cơ quan có yêu cầu những luận cứ và cơ sở khoa học một cách khách quan đối với chương trình, dự án phát triển liên quan đến ngành lâm nghiệp. Đặc biệt về hoạt động thông tin tuyên truyền sâu rộng và phổ biến kiến thức: Tiếp tục duy trì, củng cố Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường và Tạp chí Rừng và Môi trường (bản in) nhằm giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học lâm nghiệp và phổ biến thường xuyên và kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến ngành lâm nghiệp cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực Lâm nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ngoài ra, Hội tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác truyền thống với các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí, kĩ thuật để mở rộng các hoạt động của hội.
Đại hội đã biểu quyết và bầu ra Chủ tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật Lâm Nghiệp Việt Nam (nhiệm kỳ 2021- 2025) là ông Nguyễn Phú Hùng và Ban Chấp hành, Ban Thường vụ mới gồm 35 đồng chí.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Hội Khoa Học Kỹ Thuật Lâm Nghiệp Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ VIII và Báo cáo sửa đổi Điều lệ Hội.
Tuyết Lan – Đình Trà