BVR&MT – Vượt qua khó khăn, vươn lên từ bốn bề núi đồi trơ khấc, dường như chẳng có dấu hiệu gì của một nơi có sức sống. Ông Cà Văn Sam, sinh năm 1934, ở bản Pánh, một bản xa xôi của xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, được biết đến như một tấm gương làm kinh tế, được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm để phát triển sản xuất, góp phần đưa quê hương đổi mới đi lên.
Để vào được bản Pánh, xã Mường Phăng, chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của một số cán bộ Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP. Điện Biên. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ vừa đi vừa thở, cuối cùng chúng tôi đã đến được nhà ông Cà Văn Sam. Nhà ông ở giữa núi đồi, xung quanh cây cối rợn ngợp, tre pheo xanh um, gà lợn cứ chạy tung tăng… Ông Sam dáng người vạm vỡ, lực điền, làn da bánh mật, khiến chúng tôi hình dung đến một người lao động quên ngày đêm.
Sau thời gian giới thiệu, ông đưa chúng tôi đi xung quanh cả khu trang trại giữa núi đồi nhà ông một lượt. Bỗng dừng lại, ông Sam kể: Năm 2004, tôi cùng gia đình lên đây làm kinh tế, chỉ với nguyện ước thoát khỏi đói nghèo. Ai dè, khi lên đây, bốn bề núi đồi trơ khấc, cây cối mọc um tùm, thi thoảng trơ vơ núi đá xám ngoét, dường như chẳng có dấu hiệu gì của một nơi có sức sống. Nhưng bây giờ, nếu không cố sống cố chết mà thích nghi với nơi này thì chỉ còn nước…chết.
Tôi bàn với gia đình, dù khó khăn nhường nào cũng phải bám trụ lại nơi này, phải biến cái nơi đồi núi trọc này một trang trại rộng lớn. Nói là làm. Cả gia đình tôi lao vào làm, cải tạo một số vùng đồi núi để trồng những cây thích hợp với chất đất, khí hậu”. Nhưng trồng cây gì để phù hợp mới là điều quan trọng…
Sau một thời gian ấp ủ, ông đã đầu tư trồng khoảng 300 gốc sắn trên diện tích 3ha. Trồng liền trong vòng 3 năm nhưng không có kết quả gì. Cuộc sống khó khăn, nay thất bát lại càng trở nên khó khăn. Nhưng sự thất bại đó cũng giúp ông thay đổi nhận thức, hoàn thiện dần kinh nghiệm để đầu tư những bước mạnh dạn hơn.
Sau vụ sắn bị thất bị, ông tiếp tục chuyển sang trồng đào với số lượng khoảng hơn 80 gốc. Theo ông Sam, đào là thứ cây không phải dễ trồng nhưng nếu biết cách trồng thì vẫn có thể đem lại được hiểu quả kinh tế cao, cho thu nhập khá. Hằng ngày, ông cứ hì hụi bên những gốc đào, khi thì chăm bón, lúc thì tỉa cành bắt sâu, chăm chút cho những cây non mới lớn. Những cây đào yếu ớt, nhưng nay dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của người nông dân tận tụy, khéo tay cứ thế lớn dần từng ngày, chẳng mấy chốc đã đơm hoa kết trái. Vụ đào năm đó thắng lợi lớn đã giúp gia đình ông cải thiện được phần nào cuộc sống gia đình.
Từ chỗ vừa trồng lúa để tự cung tự cấp lương thực, vừa trồng đào để bán thành phẩm tăng thêm thu nhập. Cuộc sống của gia đình ông Sam không những đã được cải thiện mà còn trở nên sung túc, dư dật. Khi đã có được một số vốn nhất định trong tay, ông tiếp tục động viên gia đình để làm kinh tế theo mô hình vườn ao chuồng (VAC). Ông đào 5 cái ao với diện tích khoảng 4 ha, ở đó ông nuôi đủ các loại cá như cá trăm, mè, trôi, chép… Phía trên bờ, ông xây mấy cái chuồng, nuôi thêm ít lợn. Theo ông, cứ mỗi một vụ thu hoạch cá như thế, ông thu khoảng 6 tấn /1 vụ, tính ra tiền cũng được vài chục triệu đồng. Còn lợn thì ông xuất đi được 2 đến 3 tạ thịt lợn hơi. Ngoài ra, ông cũng nuôi thêm 2 con trâu, lấy sức và lấy thịt phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Đặc biệt, mới đây, gia đình ông còn trồng thêm một số lượng tre tương đối lớn theo chương trình trồng tre thay nương rẫy do Sở Lâm Nghiệp T.P Điện Biên (thuộc tỉnh Lai Châu cũ) trực tiếp phát động và cung cấp giống cây trồng. Ông cho biết: “Trồng tre đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Chẳng hạn, trồng tre có thể ngăn lở núi, lở đồi, giữ lại đất màu mỡ để trồng cây hoa màu, tránh được lũ lụt hàng năm. Đồng thời tre cũng dùng để làm vật liệu xây dựng nhà cửa rất tốt. Do đó, tôi khuyên bà con nên trồng tre để vừa bảo vệ được môi trường tự nhiên, lại vừa phát triển được kinh tế, giúp cải thiện đời sống sinh hoạt”…
Bà Lò Thị Úy, vợ ông Sam chia sẻ: “Trời, chú không thể tưởng tượng được ngày mới làm kinh tế ở đây nó gian khổ đến nhường nào đâu. Vợ chồng con cái nheo nhóc, đói ăn là chuyện bình thường. Nhưng được cái ông nhà tôi không khi nào nản chí, càng khó ông ấy càng làm. Có đận, ông về bàn với tôi việc phát triển trồng cây để cải thiện đời sống. Tôi không tin, vì nghĩ rằng đầu tư vào liệu có được không, hay chỉ xôi hỏng bỏng không thì còn đói nữa. Cuối cùng, ông ấy mạnh dạn đầu tư làm và thành công. Bây giờ có dịp nhìn lại mới thấy hạnh phúc, tự hào, chú ạ”.
Nhờ mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế, cho đến nay cuộc sống gia đình ông lúc nào cũng giữ ở mức ổn định. Theo ông, tổng số thu nhập của gia đình khoảng 250 triệu đồng/ 1 năm. Ngoài ra, ông còn mua máy cày để làm nương rẫy, mua công nông, mua ô tô trị giá 300 triệu để chuyên chở hàng đi tiêu thụ ở một số cửa khẩu.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người sau khi nghe thấy mô hình làm kinh tế của ông Sam đem lại hiệu quả kinh tế cũng đã tìm đến để học hỏi. Những lúc ấy, ông đều nhiệt tình chỉ bảo tận tình, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, giúp cho nhiều hộ gia đình thành công, thoát khỏi cái đói nghèo. Hơn thế nữa, đồng chí Sam còn là người có uy tín, có trách nhiệm, tham gia hòa giải mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng trong bản để giữ vững đời sống của nhân dân.
Ông Lò Văn Bun, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Mường Phăng cho biết: “Ông Sam là một trong những người cao tuổi nêu cao tấm gương về nghị lực phát triển kinh tế. Không những thế, ông còn tích cực tham gia giúp đỡ nhiều hội viên, trong làng, bản để cùng nhau xóa đói giảm nghèo. Nhìn vào những thành tích, việc làm của ông, chúng tôi thực sự cảm thấy rất khâm phục, tự hào. Mong rằng, từ mô hình kinh tế của ông, sẽ ngày càng có thêm được nhiều mô hình như thế này được nhân ra rộng rãi”.
Minh Phúc