BVR&MT – Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết hành động nhiều hơn đối với biến đổi khí hậu, một giải pháp được gọi là đốt cây để lấy điện của EU có thể làm suy yếu sự tiến bộ.
Hàng triệu tấn viên nén gỗ, mỗi viên có chiều dài bằng móng tay và chiều rộng bằng ống hút đang thay thế than đá ở châu Âu. Được quảng cáo là nhiên liệu sạch giúp các quốc gia đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo, những nhiên liệu được gọi là nhiên liệu sinh học từ gỗ này đang là trung tâm của một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng, trị giá 50 tỷ đô la trên toàn cầu vào năm 2020.
Logic đằng sau việc coi chúng là một nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió rất đơn giản: miễn là rừng được phép mọc lại sau khi cây bị chặt và khí cacbonic thải ra từ việc đốt cây sẽ được hấp thụ bởi chính những cây đang phát triển. Đó là một giao dịch bằng không. Lập luận của những người ủng hộ giải pháp đốt cây lấy điện được Liên minh châu Âu và các chính phủ khác chấp thuận. Gỗ được coi là loại nhiên liệu không phát thải.
Trên thực tế, đốt củi thực sự thải ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn so với than đá. Tuy nhiên, các quốc gia không bắt buộc phải tính lượng khí thải carbon do các nhà máy điện đốt gỗ thải ra. Điều này cho phép nhiên liệu sinh học từ gỗ phát triển mạnh mẽ như một giải pháp khí hậu. Và đây chính là lỗ hổng mà những người chỉ trích ngành công nghiệp sinh khối cho rằng một hệ thống phức tạp trên toàn cầu để đo đếm lượng khí thải đã bỏ qua.
Đầu năm nay, 500 nhà khoa học đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo việc khai thác rừng để lấy năng lượng sinh học sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu năm 2018 cũng ủng hộ quan điểm này và khẳng định chặt cây để đốt chúng sẽ làm khí hậu tồi tệ hơn trong vài thập kỷ tới.
“Nó đi ngược lại với những gì chúng ta nên làm. Chúng tôi hy vọng nó sẽ được giải quyết tại Glasgow”, Andy Wood, Giám đốc nhóm bảo tồn đồng bằng ven biển có trụ sở tại Bắc Carolina, Mỹ bày tỏ. Điều đáng buồn là Vương quốc Anh, quốc gia tổ chức hội nghị khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland đến hết ngày 12/11, lại là nước tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất thế giới. Nhà máy điện Drax ở Yorkshire từng là nhà máy than lớn nhất ở Anh nhưng hiện chạy chủ yếu bằng viên nén gỗ bao gồm cả 5 triệu tấn nhập khẩu từ Mỹ vào năm 2019 . Bản thân Drax cũng trở thành một công ty lớn trên thị trường viên nén gỗ quốc tế.
Những người ủng hộ môi trường lo ngại các quốc gia khác sớm đi theo sự dẫn đầu của Vương quốc Anh, trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang nhập khẩu viên nén gỗ từ các quốc gia, bao gồm cả sản phẩm của Drax. Tại Mỹ, các quy định trong hai dự luật – dự luật cơ sở hạ tầng được thông qua gần đây và dự luật hòa giải chuẩn bị được biểu quyết – cũng thúc đẩy sử dụng năng lượng sinh khối. Hơn 100 nhà khoa học đang khuyến nghị Tổng thống Joe Biden loại bỏ các điều khoản này.
Sasha Stashwick, chuyên gia về chính sách sinh khối tại Hội đồng bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên cho biết: “Việc chuyển đổi một nhà máy than bẩn sang đốt một loại nhiên liệu khác sẽ dễ dàng hơn nhiều so với làm điều gì đó đổi mới như tạo ra năng lượng mặt trời và gió”.
Peg Putt, một người ủng hộ Mạng lưới Giấy Môi trường (EPN) cho biết vấn đề nằm ở việc cách tính lượng khí thải carbon từ đốt sinh khối thường bị bỏ qua. Bà và các chuyên gia khác không thực sự mong đợi nhiều vào một cuộc thảo luận tại COP26: “Chúng ta cần xóa bỏ quan điểm cho rằng tính toán sinh khối là một vấn đề về kỹ thuật mà hầu hết mọi người không thể hiểu được, vì vậy tốt hơn hết là nên giao cho các chuyên gia kỹ thuật”.
Thực ra không quá phức tạp để hiểu tại sao các nhà khoa học và nhà bảo vệ môi trường nói rằng đốt củi không phải là một bài tập phát thải ròng đơn giản. Vấn đề cơ bản nhất là thời gian. Ngành công nghiệp sinh khối lập luận rằng lượng khí thải do chặt và đốt cây được bù đắp bởi những cây mọc ở vị trí của chúng nhưng cây phải mất nhiều thời gian để phát triển.
Rich Birdsey, chuyên gia về ngân sách carbon tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell cho biết: “Có một khoản nợ carbon xảy ra khi bạn thu hoạch cây, và những cây non vẫn phải mất một thời gian dài để phục hồi trữ lượng carbon đã bị mất”.
“Nó giống như bạn rút ra sổ séc của mình và tạo khoản nợ trong chính tài khoản, mà để trả được món nợ đó bằng việc chờ rừng mọc lại, bạn có thể phải mất hàng thập kỷ”, nhà khoa học Sami Yassa tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên nhấn mạnh.
Theo một nghiên cứu của tác giả Sterman, “thời gian hoàn vốn” carbon cho việc đốt gỗ dao động từ 44 – 104 năm, tùy vào từng loại rừng. Trong khi đó, các nhà máy điện đốt củi vẫn hàng ngày bổ sung CO2 vào khí quyển y như đốt than, thậm chí chúng có thể làm tăng lượng carbon cao hơn. Lý do là bởi cây cối ngay lập tức ngừng hoạt động và ngừng loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển khi chúng bị chặt và gỗ cháy kém hiệu quả hơn so với than hoặc khí đốt, nó thải ra một lượng gấp rưỡi carbon dioxide so với than và gấp ba so với khí tự nhiên cho mỗi kilowatt giờ điện được tạo ra.
Năm 2019, một báo cáo của nhóm nghiên cứu chính sách Chatham House cũng cảnh báo các nhà máy điện ở Anh đốt củi viên đã thải ra 16 triệu tấn carbon dioxide, tương đương lượng thải ra từ 6 – 7 triệu ống xả ô tô. Nếu lượng khí thải này được tính toán, nó sẽ đẩy lượng khí thải ngành điện tăng thêm 27% và tăng 3,6% vào tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Anh trong năm đó. Nhưng cũng như các chính phủ khác, Anh không tính lượng khí thải CO2 từ đốt gỗ.
Sơ hở nguy hiểm
Từ giữa những năm 1990, khi các nhà khoa học đưa ra kế hoạch tính lượng phát thải toàn cầu theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) – hiệp ước dẫn đến các cuộc họp COP hàng năm, họ quyết định lượng phát thải sẽ được tính ở nơi chúng được tạo ra, tại ống khói hoặc ống xả. Vì vậy, nếu châu Âu nhập dầu từ Ả Rập Saudi, châu Âu sẽ phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải tạo ra từ việc đốt chúng.
Nhưng cây khác với dầu.
Tim Searchinger, chuyên gia chính sách biến đổi khí hậu tại Đại học Princeton kiêm thành viên cấp cao của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết: “Họ chuyển sang sử dụng đất và nói khi bạn chặt một cái cây, thật khó để theo dõi điều gì xảy ra với carbon. Một số carbon được rừng hấp thụ, một số được đưa đến nhà máy giấy, một số phát thải khi giấy được ném vào bãi rác. Vì vậy, chúng tôi sẽ có một quy tắc khác trong lĩnh vực sử dụng đất để tính lượng carbon khi cây được thu hoạch”.
Khi các quốc gia bắt đầu cố gắng điều chỉnh và hạn chế lượng khí thải carbon theo Nghị định thư Kyoto 1997, họ đã kết hợp cái mà Searchinger gọi là “lỗi tính toán nghiêm trọng”: miễn tất cả năng lượng sinh học khỏi giới hạn phát thải tại lò khói mà không đặt giới hạn phát thải từ việc sử dụng đất. Trên thực tế, họ quyết định rằng tất cả năng lượng sinh học đều không có carbon, ngay cả khi nó đến từ việc chặt phá một khu rừng rồi đốt chúng.
Năm 2005, khi châu Âu tạo ra hệ thống mua bán khí thải, họ buộc phải giới hạn lượng khí thải từ các nhà máy, nhà máy điện và mua các khoản phụ cấp phát thải – điều này càng thúc đẩy các quốc gia miễn trừ tính toán lượng phát thải đối với năng lượng sinh học. Một nhà máy điện đốt than có thể bắt đầu đốt củi viên, và trên giấy tờ, lượng khí thải từ sản phẩm này theo kế hoạch của EU dường như giảm mạnh. Đây cũng là cách mà ngành công nghiệp viên nén gỗ được thúc đẩy tại EU cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2009, Searchinger và đồng nghiệp công bố nghiên cứu chỉ ra sơ hở nghiêm trọng từ sự tính toán này nhưng không ai chú ý. Thậm chí, trong cùng năm, EU ban hành khoản trợ cấp trị giá hơn một tỷ USD cho các công ty sinh khối để giúp các quốc gia đạt được mục tiêu năng lượng sạch. Nhưng chẳng bao lâu, châu Âu không có đủ gỗ để đáp ứng nhu cầu nên phải nhập củi viên từ Mỹ. Mặc dù Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) báo cáo lượng phát thải do mất rừng cho UNFCCC trong kiểm kê khí nhà kính hàng năm của tổ chức này nhưng vì không có thuế hoặc giới hạn nào được áp dụng đối với lượng khí thải như vậy nên điều đó không thực sự quan trọng. Trên toàn cầu, một số quốc gia đã cố gắng đưa ra các giới hạn về phát thải do sử dụng đất.
“Việc Hoa Kỳ báo cáo lượng khí thải nhiều hơn không ngăn được châu Âu khuyến khích ngành công nghiệp sinh khối – hoàn toàn trái với tuyên bố rằng EU sẽ giảm lượng khí thải”, Searchinger cho biết.
Không chỉ không làm giảm lượng khí thải, giải pháp đốt cây lấy điện còn phá hủy các khu rừng. Năm 2019, một số tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ công bố báo cáo vạch trần các hoạt động khai thác gỗ mang tính hủy diệt của Enviva, nhà sản xuất sinh khối lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, chuyên vận chuyển viên nén gỗ từ Mỹ sang Anh. Enviva bị cáo buộc chặt phá rừng đất ngập nước ở khắp Đông Nam nước Mỹ, những khu rừng quan trọng đối với đa dạng sinh học.
Năm 2018, Searchinger và đồng nghiệp tính toán rằng để tạo ra thêm 2% lượng điện từ đốt củi, thế giới cần tăng gấp đôi sản lượng khai thác gỗ. Những người ủng hộ môi trường lo ngại ngành công nghiệp viên nén gỗ sẽ thực sự phát triển nếu các quy tắc phát thải không thay đổi.
Trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh và các biện pháp phù hợp với 55 (Fit for 55) của Liên minh châu Âu về giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030, năng lượng sinh khối vẫn được dán nhãn là carbon trung tính – mặc dù trong một báo cáo được công bố vào năm 2018, Ủy ban về biến đổi khí hậu của Vương quốc Anh cho biết năng lượng sinh khối nên được hạn chế. Quốc gia này có các hợp đồng gia hạn trợ cấp đến năm 2027 nhưng khi kết thúc, Ủy ban không khuyến khích sử dụng thêm.
Lina Burnelius, Trưởng Dự án bảo vệ rừng Thụy Điển đánh giá Ủy ban châu Âu đã không giải quyết được một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái rừng – coi sinh khối rừng là năng lượng tái tạo. “Fit for 55” có hại cho rừng và không đủ để đối phó với biến đổi khí hậu.
“Ủy ban châu Âu đã chọn hy sinh rừng thay vì thừa nhận rằng chính sách năng lượng sinh học hiện tại của EU đang làm cho cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Đốt vậy là đủ rồi. Chúng ta không thể chỉ chuyển từ việc đốt nhiên liệu thảm khốc với khí hậu này sang loại nhiên liệu khác”, bà nói.
Việc sử dụng toàn bộ cây xanh để sản xuất năng lượng, dù từ EU hay nhập khẩu đều nên được giảm thiểu, trong khi trợ cấp sinh khối từ gốc và rễ cây cũng cần bị loại bỏ dần.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo, năng lượng sinh khối dường như sẽ vẫn tiếp tục được ưu tiên. Frans Timmermans, người đứng đầu chính sách khí hậu của EU cho hay châu Âu cần dựa vào sinh khối để đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch.
Trong khi đó, tại miền Đông Nam Hoa Kỳ, từ nam Virginia đến bờ biển vịnh Texas, hiện có 23 cơ sở chế biến gỗ thành viên nén để xuất sang châu Âu, chưa kể 8 cơ sở đang được đề xuất trong cùng khu vực.
Thảo Linh (Theo Nationalgeographic)