BVR&MT – Nông nghiệp đang nổi lên như một bệ đỡ giúp nền kinh tế chống chọi với các tác động của đại dịch Covid-19. Đầu tư vào nông nghiệp với nguồn tín dụng ưu tiên cho lĩnh vực này được cho là mắt xích quan trọng giúp phục hồi kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho chính người nông dân và các tổ chức tín dụng.
Bệ đỡ nền kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế đang lao đao vì các đợt dịch kéo dài vừa qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nổi lên như một điểm sáng trong ba trụ cột kinh tế chính, gồm nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng dương (1,04%) trong bức tranh GDP quý III ảm đạm, ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê.
Sức chống chịu của lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có thể được lý giải bởi khu vực này đóng vai trò then chốt bảo vệ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngoài ra, đây cũng là khu vực ghi nhận sự dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ khi dịch bệnh bùng phát từ năm ngoái.
Thống kê cho thấy số doanh nghiệp thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đăng ký thành lập mới ở thời điểm cuối năm 2020 đã tăng 30,1%, vốn đăng ký tăng 54,9% và số lao động đăng ký tăng 50,5% so với năm 2019. Theo cơ quan thống kê, thực trạng này phản ánh việc doanh nghiệp dần thích nghi với “bình thường mới”, khi dịch chuyển từ các ngành chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh sang những ngành nghề ít rủi ro hơn.
Các con số thống kê cũng chỉ ra lao động trong ngành nông nghiệp có xu hướng tăng trong quý III/2021, trái ngược với số lao động giảm trong 2 ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Nguyên nhân chủ yếu do người lao động mất việc tại các tỉnh thành phía nam quay trở về địa phương, làm việc trong ngành nông nghiệp.
Theo Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp IFAD, tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp có hiệu quả giảm nghèo và tránh mất an ninh lương thực cao gấp 2 – 3 lần so với tăng trưởng trong các lĩnh vực khác.
“Đầu tư vào nông nghiệp quy mô nhỏ có thể giúp phục hồi sản xuất lương thực và tạo công ăn việc làm sau khủng hoảng, cùng với đó cho phép các cộng đồng nông thôn phục hồi”, IFAD nhận định.
Tại Việt Nam, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ưu tiên phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Một số ngân hàng trong nước như: Agribank, BIDV, LienVietPostBank… đã dành nguồn lực lớn khai thác mảng tín dụng nông nghiệp, trở thành những đơn vị đi đầu trong hoạt động cung ứng vốn cho lĩnh vực này tại Việt Nam.
Vươn lên từ vốn nông nghiệp
Từ góc nhìn của những người dân vay vốn và đầu tư vào nông nghiệp, tín dụng nông nghiệp đang giúp kinh tế khu vực nông thôn “thay da đổi thịt” từng ngày.
Trên những xã, huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhờ nguồn tín dụng nông nghiệp, nhiều ngư dân đã không còn phụ thuộc vào nguồn thu duy nhất từ những chuyến đi biển dài ngày, mang theo nhiều may rủi thời tiết.
Những hộ nuôi trồng thủy sản như gia đình bà Đỗ Thị Thanh, hiện sinh sống trên đảo Bình Ba Tây, xã Cam Bình, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đã tìm đến nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm hùm xanh, cải thiện kinh tế gia đình.
Với số vốn gần 300 triệu đồng vay từ ngân hàng LienVietPostBank, thế chấp bằng nhà đất trên đảo, gia đình bà Thanh đã đầu tư ban đầu 10 lồng tôm hùm xanh. Sau 2 năm, theo lời bà Thanh, gia đình bà từ hộ cận nghèo, hiện đã thoát nghèo, kinh tế ổn định, có của ăn của để, xây được nhà mới khang trang, mua sắm đủ tiện nghi.
Trước khi tiếp cận được nguồn vốn lên tới hàng trăm triệu như hiện tại, gia đình bà Thanh đã từng có kinh nghiệm vay vốn tại một số tổ chức tài chính nhưng số vốn khiêm tốn, ở mức chỉ vài chục triệu cho một hộ và thời gian giải ngân lâu tại những tổ chức này là các yếu tố chuyển hướng gia đình bà tới những ngân hàng thương mại cổ phần, nơi số vốn vay nhiều hơn và thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn.
“Ở xã đảo chúng tôi, việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn, do đất ở đảo không có giá trị cao nên khó bảo đảm được số tiền vay nhiều, ngân hàng cũng ngại qua đảo cho vay do việc đi lại và di chuyển bằng ghe, thuyền khó khăn”, bà Thanh chia sẻ.
“Trước đây tôi phải đi làm thuê cho các trại nuôi tôm trên đảo, nay tôi đã làm chủ trại nuôi của mình, hiện tôi có 25 lồng tôm hùm xanh với số lượng hơn 7.500 con được 8 tháng tuổi, sản lượng đến kỳ thu hoạch khoảng 2,5 tấn. Đợt thu hoạch này tôi sẽ trả hết nợ ngân hàng (LienVietPostBank) và đã có số vốn lớn tiếp tục đầu tư”.
Niềm vui nhân đôi
Ở chiều ngược lại, tín dụng nông nghiệp cũng là mảng nghiệp vụ giúp nhiều ngân hàng củng cố một nguồn thu ổn định và có sức chống chịu rủi ro cao.
Theo đại diện của LienVietPostBank, tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn đóng góp một phần đáng kể trong cơ cấu cho vay và doanh thu hàng năm tại ngân hàng này.
Tỷ trọng này đã vươn từ 22% lên 32% trong năm 2020, với tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đạt xấp xỉ 57.000 tỷ đồng. Nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp ghi nhận quanh mức 1%, nhờ việc phân tán rủi ro qua các khoản vay nhỏ lẻ, nắm sát hoạt động kinh doanh và nguồn thu của các khách hàng. Bên cạnh đó, nợ xấu từ các sản phẩm cho vay tín chấp qua mô hình tổ liên kết vay vốn cũng ở mức khá thấp, nhờ có sự giám sát chéo hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả nợ của chính những thành viên tham gia tổ hội như hội phụ nữ, hội nông dân…
Đánh giá về tính bền vững của hoạt động cho vay nông nghiệp, ngân hàng này cho rằng nhờ tính chất nhỏ lẻ của các khoản vay, cùng mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ hoặc siêu nhỏ với đặc tính dễ thay đổi hoặc thích nghi trước những biến động kinh tế hay ảnh hưởng của dịch Covid-19, năng lực hoàn trả các khoản nợ của người đi vay tại khu vực này thường cao hơn những ngành nghề khác.
Tới thời điểm hiện tại, ngân hàng này đã có 556 chi nhánh và phòng giao dịch tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, bên cạnh cánh tay nối dài 613 phòng giao dịch bưu điện và những tổ liên kết vay vốn. Đây là những lợi thế cho phép ngân hàng nắm rõ nhu cầu tài chính của người dân trên từng địa bàn và thẩm định chính xác tài sản thế chấp, qua đó triển khai nhiều sản phẩm cho vay phù hợp, từ nông nghiệp tới hưu trí, cho tới tư vấn về cách làm kinh tế trong cộng đồng nông thôn.
“Cho vay nông nghiệp, nông thôn sẽ tiếp tục là định hướng của LienVietPostBank trong những năm tới đây. Với tiềm năng còn chưa được khai phá hết của lĩnh vực nông nghiệp, hay khu vực nông thôn nói chung, LienVietPostBank sẽ nâng cao sự hiện diện, tiến tới xã nào trong cả nước cũng tiếp cận được nguồn vốn nông nghiệp từ ngân hàng để cải thiện kinh tế và làm giàu trên mảnh đất quê hương”, đại diện của ngân hàng nhấn mạnh.