BVR&MT – Những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), cập nhật thường xuyên tình hình chi trả và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhằm đảm bảo chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Trong 9 tháng năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với các đơn vị tiến hành chi trả tiền DVMTR cho bên cung ứng DVMTR tại các huyện, thành phố với tổng số tiền 109.984,4 triệu đồng, đạt 99,96% kế hoạch (nguồn tiền thu trong năm 2020 giải ngân trong năm 2021). Trong quá trình chi trả tiền DVMTR thì hoạt động KTGS việc sử dụng tiền DVMTR của chủ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội đồng quản lý Quỹ đặc biệt chú trọng. Các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ cấp tỉnh đã KTGS được 26 cuộc tại 11 huyện, thành phố; về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quản lý sử dụng tiền DVMTR kế hoạch năm 2020 và công tác tổ chức quản lý, bảo vệ rừng của UBND cấp xã, các chủ rừng .
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng chủ động phối hợp với các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ cấp huyện chỉ đạo Ban KTGS và UBND cấp xã trực tiếp tham gia KTGS tại cơ sở theo kế hoạch, gồm giám sát việc niêm yết, thanh toán, quản lý, sử dụng tiền DVMTR, rà soát diện tích rừng…
Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với Hạt Kiểm lâm cấp huyện, các đơn vị có liên quan tham gia giám sát quá trình thanh toán tiền DVMTR năm 2021 (kế hoạch năm 2020) cho bên nhận khoán bảo vệ rừng; triển khai thực hiện rà soát diện tích rừng có cung ứng DVMTR kế hoạch năm 2021 tại 163/193 xã, phường, thị trấn.
Qua kiểm tra cho thấy, công tác giải ngân tiền DVMTR tại các địa phương được thực hiện đúng quy định. Các chủ rừng là gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư (cấp thôn, tổ dân phố) do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trực tiếp lập danh sách và chi trả thông qua đơn vị dịch vụ thanh toán (Bưu điện). Các cộng đồng dân cư (cấp xã) nhận khoán bảo vệ rừng, do UBND cấp xã lập dự toán trình UBND cấp huyện phê duyệt, sau đó lập danh sách chi tiết đến từng thôn (tổ), gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thuê đơn vị dịch vụ thanh toán giải ngân cho cộng đồng. Trước khi giải ngân, toàn bộ danh sách được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và các thôn, tổ dân phố; qua quá trình kiểm tra, toàn bộ số tiền chi trả DVMTR được đơn vị dịch vụ thanh toán giải ngân đến tận tay người dân, không có đơn thư khiếu nại về việc chi trả tiền DVMTR.
Tiền DVMTR của chủ rừng là hộ dân, cá nhân được sử dụng chủ yếu để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống như mua cây, con giống, vật tư, phân bón, xây dựng chuồng trại chăn nuôi… Đối với số tiền của cộng đồng dân cư thôn: Toàn bộ số tiền sau khi được giải ngân được các thôn tổ chức họp bàn, thống nhất các nội dung chi, có sổ sách ghi chép đầy đủ công khai, minh bạch. Nguồn tiền chủ yếu được chia đều cho các hộ trong thôn; chi trả công tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chi mua cây giống trồng rừng; xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng của thôn. Đối với số tiền chi tại UBND cấp xã, cơ bản được sử dụng theo quy định, các nội dung chi đều được lập hồ sơ, thủ tục, chứng từ theo dự toán chi tiết được UBND cấp huyện phê duyệt.
Tuy nhiên, qua quá trình KTGS phát hiện một số hạn chế trong việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR như: Hoạt động của Ban KTGS chi trả DVMTR cấp xã còn hạn chế; các xã vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng và trình UBND cấp huyện phê duyệt dự toán chi tiết làm căn cứ giải ngân tiền DVMTR theo quy định. Hồ sơ, chứng từ chi trả tiền DVMTR lưu tại xã chưa đầy đủ, thiếu khoa học. Đối với cấp thôn, việc ghi chép hoạt động thu, chi vào sổ theo dõi tiền DVMTR ở một số thôn chưa đầy đủ, rõ ràng và chưa theo đúng hướng dẫn…
Xác định tiền DVMTR là nguồn lực tài chính ổn định, bền vững, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân; thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác KTGS việc chi trả, quản lý, sử dụng tiền DVMTR đảm bảo đúng quy định, mục đích và đạt hiệu quả cao nhất, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.