BVR&MT – Khi xem xét những viên hồng ngọc, các nhà nghiên cứu phát hiện điều bất ngờ ẩn bên trong chúng: than chì – một dạng carbon tinh khiết – có thể là tàn tích của sự sống vi sinh vật cổ đại.
Những viên hồng ngọc (ruby) lâu đời nhất hành tinh, với tuổi đời khoảng 2,5 tỷ năm vừa được tìm thấy tại miệng núi lửa Bắc Đại Tây Dương ở phía nam Greenland.
Từ những viên đá này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một điều bất ngờ ẩn bên trong chúng: than chì – một dạng carbon tinh khiết – có thể là tàn tích của sự sống vi sinh vật cổ đại.
Chris Yakymchuk, giáo sư Khoa học Trái đất và Môi trường tại Đại học Waterloo ở Ontario, Canada, cho biết: “Chất than chì bên trong viên đá hồng ngọc này thực sự độc đáo. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy bằng chứng về sự sống cổ đại trong những viên hồng ngọc.”
Nhóm nghiên cứu kết luận than chì tồn tại từ thời cổ đại sau khi họ phân tích tỷ lệ đồng vị khác nhau của carbon có trong than chì.
Hơn 98% carbon trên hành tinh có khối lượng bằng 12 đơn vị khối lượng nguyên tử, nhưng một số nguyên tử carbon nặng hơn, có khối lượng bằng 13 hoặc 14 đơn vị khối lượng nguyên tử
“Sinh vật sống thường bao gồm các nguyên tử carbon nhẹ vì chúng tốn ít năng lượng để kết hợp thành tế bào. Trong loại than chì này có số lượng đồng vị carbon-12 nhiều hơn, chúng tôi cho rằng các nguyên tử carbon từng tồn tại từ thời cổ xưa.”
Viên hồng ngọc chứa than chì này không phải là nghiên cứu chứng minh sự sống tồn tại lâu nhất cho đến nay. Trên thực tế, có rất nhiều nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng sự sống lâu đời nhất có niên đại hơn 3 tỷ năm.
Nghiên cứu cũng phát hiện than chì đã làm thay đổi thành phần hóa học của đá, tạo điều kiện thích hợp cho hồng ngọc phát triển.