Gia Lai: Phục sinh phế phẩm từ rừng

BVR&MT – Qua bàn tay của nghệ nhân, những thớ gỗ đã “ngủ” vùi trong gió bụi của đất trời bỗng chốc trở thành tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Trải qua hàng trăm năm, chúng trở thành báu vật của người đời.

Thổi hồn vào gỗ lũa

1 giờ chiều, giữa nhấm nhẳng của tiết trời cuối mùa mưa, tại góc đường Nguyễn Viết Xuân giao với Lê Thánh Tôn (phường Hội Phú, TP. Pleiku) vẫn rộn tiếng đục, khoan phát ra từ các xưởng chế tác gỗ lũa. Dẫu chỉ có 3-4 cơ sở chế tác gỗ lũa thôi mà dân trong vùng đặt cho cái danh xưng có phần khoa trương là “phố hàng đục”. Khoảnh sân nhỏ của ngôi nhà số 477 đường Lê Thánh Tôn chất kín mảnh bìa, gốc gỗ sần sùi, đen đúa, chỉ còn chừa một lối đủ cho 2 người đi vào. Trong một góc sân, anh Nguyễn Văn Hậu-chủ xưởng chế tác cùng nhóm thợ đang cặm cụi trau chuốt các tác phẩm gỗ lũa.

Năm 2010, từ làng nghề chế tác gỗ truyền thống Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), Nguyễn Văn Hậu khăn gói vào Gia Lai làm cùng anh trai Nguyễn Văn Hiền. Hành trang mang theo ngoài mấy bộ quần áo là nghề chạm gỗ gia truyền. Tạm dừng chế tác tác phẩm Địa Tạng vương Bồ Tát để tiếp chuyện tôi, anh Hậu kể: “Thuở trước, nghề chế tác gỗ ở quê rất thịnh, nhà nhà cùng làm nghề này. Thế nhưng khoảng từ năm 2000 thì thưa dần. Nguyên nhân là nguồn hàng cung cấp ngày càng ít đi. Vậy nên nhiều người chuyển đến nơi khác làm kinh tế. Anh trai tôi cũng quyết vào Gia Lai định cư. Nhận thấy trong này dễ làm ăn hơn, anh gọi tôi vào cùng. Tôi bám trụ ở đây bằng nghề chế tác gỗ lũa và chạm đá hơn 10 năm rồi. Khi đi một mình mà giờ đã có vợ con. Gỗ lũa do tôi mua lại của những người đi rừng thu lượm về. Tiếp đó thì để thêm vài năm cho biểu bì mục hết chỉ còn lõi rồi mới bắt đầu chế tác và bán cho ai có nhu cầu. Chúng tôi cũng nhận đục thuê nếu khách tự đem gỗ đến”.

Anh Nguyễn Văn Đức (bìa trái) và Nguyễn Văn Hậu đang chế tác các tác phẩm nghệ thuật từ gỗ lũa. Ảnh: Nguyễn Tú

Ở xưởng của anh Hậu còn có 4 người thợ khác là họ hàng cùng tỉnh Hải Dương vào đây làm nghề. Một người em họ của anh Hậu là Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Người làng em vào Gia Lai mở xưởng khá nhiều. Riêng ở TP. Pleiku có 4-5 xưởng chế tác do người làng chúng em làm chủ. So với ngoài quê thì trong này nguồn gỗ lũa còn nhiều và nhu cầu chơi các tác phẩm bằng gỗ lũa của người dân khá “thịnh” nên dễ làm ăn hơn. Tính ra, ở trong này, mỗi tháng, em có thu nhập 8-10 triệu đồng tiền công, cuộc sống ổn hơn, đủ nuôi con cái”.

Cách nhà anh Hậu mấy bước chân là xưởng chế tác gỗ lũa của sư thầy Thích Đức Quang (chùa Bửu Thắng, phường Hội Phú). Trước gian phòng nhỏ, sư thầy chăm chú chế tác một bức tượng Bồ Tát. Bụi gỗ mít phủ kín mái hiên. Sư Quang bộc bạch: “Tôi đi tu từ nhỏ nhưng đam mê nghệ thuật nên theo học ở Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (khóa 2007-2012). Học xong thì về lại chùa và thỉnh thoảng có làm tượng bằng gỗ lũa cho thỏa đam mê. Làm chủ yếu phục vụ trong chùa thôi. Đầu năm 2021, thấy nhiều thợ đục bỏ về quề, trả lại nhà, tôi ra thuê một gian để làm cho tiện. Vừa ra làm cùng cho vui với mọi người, vừa tránh cho chùa bị ồn bởi tiếng đục, cưa. Tầm trưa, tôi ra đây làm, chiều về lại chùa. Các tác phẩm của tôi chủ yếu tập trung vào chủ đề Phật pháp, quê hương. Gỗ lũa để chế tác phần nhiều của phật tử mang đến thuê làm. Tôi làm nghề này để thỏa đam mê thôi, nên tiền công cán lấy thấp. Ví như thợ chỗ khác lấy 1 tác phẩm 10 triệu đồng tiền công nhưng tôi chỉ 5 triệu thôi. Tôi cũng tính rồi, làm chừng 2-3 năm nữa sẽ về chùa tập trung chuyên tu”.

Gỗ lũa là những mảnh bìa, thân, rễ, gốc cây gỗ đã bị mối mọt, mục ruỗng, trải qua sự bào mòn của thời gian chỉ còn trơ lõi, nhưng không có giá trị sử dụng làm vật liệu phục vụ xây dựng hay đồ gỗ. Gỗ lũa được thợ mỹ nghệ tuyển chọn, dựa trên hình dáng tự nhiên của nó để đục đẽo, chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao.

Tại nhà số 337 (đường Nguyễn Viết Xuân), anh Trần Đức Vinh đang đắm mình trong không gian riêng để chế tác tác phẩm Tìm về tâm Phật từ một gốc gỗ lũa xù xì dài chừng 2 m, rộng 1 m. “Gốc này mình mua của một người dân cách đây khá lâu rồi. Sau mấy năm để lăn lóc ngoài vườn cho dầm mưa, nắng để bong tróc hết phần vỏ bên ngoài và cho mối mọt ăn bớt phần dễ mục thì mới đưa vào xử lý rồi chạm khắc. Giờ nhìn vào thấy khúc gỗ lũa này vô vị nhưng khi tạc xong sẽ khác hoàn toàn”-anh Vinh tâm sự.

Nghề chạm gỗ lũa tưởng nhàn nhưng lắm nỗi hiểm nguy. Ngoài việc suốt ngày phải hít thở trong môi trường không khí đầy bụi gỗ thì còn mối nguy thương tích từ các loại máy móc, mũi đục sắc nhọn. Nếu Nguyễn Văn Hậu từng nằm viện điều trị bệnh viêm xoang hay bị dị ứng với cây gỗ sơn khiến bong tróc da toàn thân thì sư thầy Thích Đức Quang từng khâu 3 mũi ở chân trái do mũi đục gây nên lúc bất cẩn. Anh Hậu ngậm ngùi: “Đa phần thợ làm nghề chạm đục gỗ đều bị viêm xoang. Mà bệnh này khó chữa dứt điểm. Còn thương tích thì nhiều. Chỉ cần mảnh gỗ văng ra lúc mình đục đẽo cũng đủ làm xước người rồi. Trên người tôi phải có đến chục vết xước như thế. Vẫn biết là vậy nhưng cái nghề này cho thu nhập ổn định nên ai cũng cố bám trụ để nuôi con cái”.

Anh Trần Đức Vinh bên những tác phẩm làm từ gỗ lũa. Ảnh: Nguyễn Tú

Tuyệt tác nghệ thuật vô giá

Tự nhiên luôn mang một vẻ đẹp thuần khiết. Với những người sành sỏi về gỗ lũa thì đó là cả một bầu trời nghệ thuật của tự nhiên. Mỗi mảnh bìa, gốc gỗ lũa trải qua bao thăng trầm của tạo hóa đều mang trong mình một vẻ đẹp đầy lôi cuốn dưới những hình hài khác nhau. Từ chất liệu gỗ tự nhiên, người thợ sẽ chạm trổ, thêm thắt các họa tiết, hình ảnh do mình sáng tạo ra để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Đặc biệt, mỗi người có một góc nhìn đối với 1 khúc gỗ lũa thô để gửi gắm trí lực vào đó, trau chuốt thành tác phẩm nghệ thuật. “Có được gỗ lũa là do sự bào mòn của thời gian. Người chế tác gỗ lũa như là hồi sinh thứ đã chết. Vì vậy, với 1 tác phẩm, nghệ nhân thường sử dụng 70% chất liệu của tự nhiên và thêm vào 30% là khối óc, đôi tay khéo léo để thành tác phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cái độc đáo nhất của nghề này, ngoài trình độ tay nghề thì góc nhìn của người thợ với mảnh bìa, gốc gỗ lũa mới làm nên tác phẩm mang hồn cốt, dấu ấn riêng”-Anh Trần Đức Vinh lý giải.

Nguyễn Văn Hậu cũng đồng quan điểm với anh Vinh về nghề chế tác gỗ lũa. Giới thiệu với tôi về tác phẩm Địa Tạng vương Bồ Tát mình đang làm, Hậu bảo: “Mảnh bìa này là một phần nhô ra trên thân cây gọi là nu. Nó có nhiều gai nhọn. Người ta sẽ cắt bỏ khi khai thác gỗ. Qua 8 năm nằm trước sân cho mối ăn, nước xói thì còn lại phần gai nhọn chi chít. Chúng tôi đưa vào rửa sạch, chạm thêm khuôn mặt tượng Bồ Tát cùng một vài tiểu tiết khác rồi phun sơn PU để hoàn thiện. Đây là một trong những tác phẩm độc nhất của tôi. Mỗi ngày tôi lại hoàn thiện thêm cho tác phẩm. Nhiều người đến hỏi mua song tôi chưa có ý định bán”.

Một tác phẩm gỗ lũa hoàn chỉnh thường không có giá bán cụ thể. Có thể với người này tác phẩm đó chỉ có giá vài chục triệu nhưng với người khác là vài trăm triệu đồng. Như mới đây, với một tác phẩm về chủ đề Phật giáo từ một mảnh gỗ nu hương, có khách hàng mua lại với giá 100 triệu đồng. Trong khi, cách đây chừng 10 năm, Hậu mua mảnh gỗ đó chỉ vài triệu đồng. “Gỗ lũa chưng trong nhà tạo cảm giác ấm cúng, mang đến cho gia đình một luồng sinh khí mới mẻ, sang trọng. Cho nên, trước đây, chúng tôi thường xuất bán hàng sang Trung Quốc. Có cái giá vài tỷ đồng. Tác phẩm gỗ lũa không có khái niệm mất giá mà càng lâu năm giá trị càng cao”-nghệ nhân Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm.

Anh Trần Đức Vinh cặm cụi sáng tạo nghệ thuật từ gỗ lũa. Ảnh: Nguyễn Tú

Ở TP. Pleiku, anh Trần Đức Vinh nổi tiếng với nghề chạm và chơi gỗ lũa. Sau 15 năm, anh Vinh đã có một bộ sưu tập với hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ được trưng bày tại quán Hồn Gỗ (số 87 Ngô Thời Nhậm, phường Phù Đổng). Mỗi một tác phẩm được trưng bày ở đây đều mang hồn cốt và chuyển tải một thông điệp riêng. Bởi thế, dù không nằm ở trục đường chính của TP. Pleiku nhưng quán thường đông khách. Nhiều người tìm đến chỉ để thưởng lãm sự hồi sinh của đại ngàn qua mỗi tác phẩm gỗ lũa. “Phần đa tác phẩm đều do mình tự chạm nên với chủ đề về Phật giáo, lòng hiếu đạo và về người mẹ. Mình nghĩ tất cả tác phẩm của mình có giá vài tỷ đồng. Tuy vậy, mình không bán, chỉ để chưng với mục đích giáo dục thế hệ trẻ về lối sống, cách ứng xử với gia đình, xã hội và thiên nhiên. Do đó, các trường học ở Gia Lai và Kon Tum thường đưa học sinh đến Hồn Gỗ để tham quan, tìm hiểu trong các tiết ngoại khóa. Ngoài ra, khách du lịch tỉnh khác cũng đến thưởng lãm rất đông. Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, có ngày, chúng tôi tiếp trên 100 lượt khách ngoài tỉnh”-chủ quán trà Hồn Gỗ-cho hay.

Anh Nguyễn Phi Trường (trú đường Nay Der, phường Phù Đổng) cũng là một người đam mê tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ gỗ lũa. Gia đình anh Trường đang sở hữu hơn 100 tác phẩm gỗ lũa với đủ kích cỡ khác nhau. Để có bộ sưu tập tác phẩm đồ sộ như vậy, anh Trường phải lặn lội khắp trong nước và cả nước bạn Campuchia để tìm mua nhằm thỏa đam mê. “Gỗ lụa có giá trị thẩm mỹ rất cao. Mỗi khi ngắm các tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ lũa chưng trong nhà sẽ cảm thấy thư thái, sảng khoái và tạo cảm giác phấn chấn hơn để làm việc. Vì lẽ đó mà tôi có niềm đam mê bất tận với các tác phẩm từ gỗ lũa”-anh Trường thổ lộ.

Tags: ,
CHIA SẺ