Si Ma Cai nỗ lực nâng cao độ che phủ của rừng

BVR&MT – Từ một địa phương có tỷ lệ rừng thấp nhất tỉnh, đến nay huyện Si Ma Cai đã nâng độ che phủ rừng lên gần 40%, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tạo sinh kế ổn định cho người dân trên địa bàn.

Trước đây, chủ yếu diện tích đất nương đồi ở xã Bản Mế được người dân trồng ngô, lúa nương. Năng suất thấp, ngô, lúa làm ra hầu hết chỉ đủ sử dụng làm lương thực trong gia đình và thức ăn chăn nuôi. Nếu có dư để bán thì giá cả những nông sản này thường thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, canh tác lâu ngày khiến đất đai bị rửa trôi, bạc màu nên năng suất cây trồng ngày càng thấp. Trăn trở với bài toán làm gì để không lãng phí tài nguyên đất mà lại nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện đã họp bàn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là trồng trọt, chuyển đổi dần từ canh tác cây lương thực sang trồng rừng trên đất nương đồi.

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân Bản Mế chăm sóc rừng mới trồng.

Ông Thền Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Bản Mế cho biết: Việc chuyển đổi từ canh tác cây lương thực sang trồng rừng trên đất nương đồi là chủ trương lớn rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thời gian đầu mới triển khai, để người dân thay đổi tư duy, chuyển sang phát triển kinh tế rừng, xã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân. Xã cũng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn người dân chọn mua cây giống, triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống cháy rừng, dần hình thành ý thức trồng rừng là nghề để phát triển kinh tế trong Nhân dân.

Sau gần 10 năm chuyển đổi sản xuất, trên địa bàn xã Bản Mế hiện có 315 ha rừng sản xuất, trong đó 127 ha rừng trồng quế. Diện tích quế đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Năm 2021, xã phấn đấu trồng mới 50 ha rừng sản xuất, trong đó người dân đăng ký chủ yếu là trồng quế.

Điển hình trong phát triển kinh tế rừng ở Bản Mế là gia đình ông Lèng Văn Sáng, thôn Na Pá. Dẫn chúng tôi tham quan những cánh rừng quế xanh ngát, ông Sáng khoe: Năm 2013, gia đình tôi chuyển đổi gần 1 ha đất nương trồng ngô sang trồng cây quế. Thấy cây phát triển tốt, mỗi năm gia đình lại mở rộng diện tích, đến nay toàn bộ 3 ha đất nương đồi của gia đình đã được phủ xanh bằng cây quế. Hiện mỗi năm, gia đình thu nhập gần 20 triệu đồng từ bán lá và tỉa cành. Chỉ vài năm nữa, khi quế được thu hoạch vỏ, tôi ước tính thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cây quế ở xã Bản Mế phát triển xanh tốt.

Tìm hiểu rộng trên địa bàn toàn huyện, từ một địa phương có tỷ lệ rừng thấp nhất tỉnh, đến nay huyện Si Ma Cai đã nâng độ che phủ lên gần 40%, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tạo sinh kế ổn định cho người dân trên địa bàn. Để đạt được kết quả trên là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, bởi đặc thù của Si Ma Cai là huyện vùng cao, diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đồi núi đá, địa hình phức tạp, nên trồng rừng không được thuận lợi như một số địa phương khác.

Năm 2021, huyện Si Ma Cai đặt chỉ tiêu trồng mới 600 ha rừng, trong đó trồng 500 ha rừng sản xuất, cơ cấu cây trồng gồm trẩu, quế, sa mộc, xoan ta, thông mã vĩ… Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, ngay từ cuối năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và chính quyền các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, rà soát diện tích đất, chuẩn bị đủ cây giống, khi thời tiết thuận lợi tiến hành trồng, đảm bảo thời vụ. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng xã hướng dẫn các hộ cách chọn cây giống, hạt giống gieo ươm, kỹ thuật đào hố, mật độ cây trồng, sử dụng các loại phân lót cho cây trước khi trồng; kiểm tra diện tích cây đã trồng và có kế hoạch trồng dặm những cây bị chết…

Đến nay, huyện Si Ma Cai đã trồng được gần 270 ha rừng (chủ yếu rừng sản xuất), đạt hơn 44% kế hoạch năm 2021. Huyện phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trên địa bàn huyện có hơn 10.212 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên 6.034 ha, diện tích rừng trồng hơn 4.100 ha. Tỷ lệ tán che phủ rừng năm 2020 đạt 39,9 %, tăng 5,5% so với năm 2014.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Si Ma Cai cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của huyện Si Ma Cai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi hệ thống giao thông, nhất là các tuyến đường lâm sinh còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc trồng rừng và khai thác rừng của người dân. Không chỉ vậy, các cơ sở chế biến gỗ ở Si Ma Cai hiện có rất ít, người dân chưa có nhiều lựa chọn cho đầu ra của sản phẩm rừng trồng. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phát triển kinh tế rừng, tạo thu nhập ổn định.