BVR&MT – Từ dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Chính phủ, nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực. Huyện Thạch Thành là một trong những địa phương được lựa chọn để phát triển dự án, xã Thành Long là một mô hình tiêu biểu, đi đầu của huyện, lấy cây keo là cây trồng chủ lực.
Thành Long là một xã miền núi cách trung tâm huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa 7km. Với tổng diện tích tự nhiên 2.716,11 ha, trong đó đất lâm nghiệp 1.915,28 ha, chiếm 70% diện tích. Theo quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2007 toàn xã có 704,7 ha rừng phòng hộ và 974,58 ha rừng sản xuất.
Tổng số hộ trên địa bàn xã 1.322 hộ với 6.364 khẩu. Trong đó hộ dân tộc Mường là 1.200 hộ chiếm 90% với 5.779 khẩu.
Thực hiện dự án phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3) xã được quy hoạch chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng sản xuất sang trồng rừng thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thức được vai trò to lớn của việc trồng rừng đối với nhân dân, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và Ban quản lý dự án các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Qua 03 năm thực hiện dự án đến nay toàn xã đã trồng được 715,78 ha với 717 hộ tham gia, vượt kế hoạch đề ra. Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng được đảm bảo, kịp thời nên rừng cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo chân các hộ dân tiêu biểu, đi đầu trong công tác trồng rừng tại thôn Thành Du. Nông dân phấn khởi chia sẻ: Trước kia chưa có chính sách cho nhân dân trồng rừng của Nhà nước đời sống của phần đa số nhân dân trong xã nói chung và thôn nói riêng còn rất nhiều khó khăn. Phần lớn diện tích đất chỉ để trồng các loại cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp như ngô, sắn. Kể từ khi có chính sách trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc và phát triển kinh tế rừng bền vững của Chính phủ, nhân dân trong thôn hưởng ứng nhiệt tình. Không những nhân dân được hỗ trợ về vốn, cây trồng mà còn được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Chính quyền xã luôn sát sao chỉ đạo, tuyên truyền cho nhân hiểu được các lợi ích của việc trồng rừng mang lại.
Nông dân Bùi Thanh Hóa chia sẻ: lợi ích của việc trồng rừng là vô cùng to lớn, thứ nhất, về kinh tế thì trồng rừng có hiệu quả cao hơn rõ rệt so với các loại cây nông nghiệp trồng truyền thống. Riêng gia đình ông với khoảng 12 ha rừng keo, với chu kỳ từ khi trồng đến khi khai thác là 5 – 7 năm thì thu nhập bình quân trừ chi phí đạt khoảng từ 80 – 140 triệu đồng/ha. Như vậy lợi ích kinh tế về lâu dài mà rừng đem lại khá cao. Ngoài trồng rừng ông còn kết hợp chăn nuôi gia súc dưới tán rừng như bò, dê cũng mang lại thêm thu nhập cho gia đình. Các khoản thu nhập từ trồng rừng ông đầu tư mua sắm các vật dụng cần thiết trong gia đình, đầu tư mở rộng sản xuất, nuôi dạy con cái ăn học.
Cũng theo ông Hóa và một số người dân địa phương thì trồng rừng không những đem lại hiệu quả về mặt kinh tế và có tác động rất tốt tới môi trường và hệ sinh thái, chống được sói mòn,rửa trôi, nguồn nước ngầm và không khí luôn trong lành. Điều mà nhân dân phấn khởi hơn nữa đó là được làm chủ trên mảnh đất của mình (được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Bùi Văn Long – PCT UBND xã cho biết : Đảng bộ và chính quyền xã luôn sát sao chỉ đạo, tuyên truyền và có các phương án, kế hoạch tập huấn khoa học kỹ thuật và công tác chăm sóc bảo vệ rừng cho nông dân. Theo dự án WB3 thì nông dân được Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ về khâu thiết kế, khai thác và cấp sổ đỏ trên diện tích đất lâm nghiệp của từng hộ. Cung cấp nguồn cây giống đảm bảo chất lượng.
Sau khi được tiếp nhận dự án, tâm lý của toàn thể nhân dân hoàn toàn đồng tình, ủng hộ, tin tưởng hơn vào chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tính đến tháng 01/2017 tỉ lệ che phủ rừng của toàn xã đạt 57% tổng diện tích. Theo nghị quyết của HĐND xã tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020 về phát triển rừng bền vững thì xã đặc biệt quan tâm đến phát triển rừng gỗ lớn. Tập huấn để được cấp chứng chỉ FSC (chứng chỉ quốc tế) cho các hộ dân, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trồng rừng.
Từ khi có chính sách trồng rừng tại địa phương thì tỷ lệ hộ nghèo có thu nhập từ lâm nghiệp tăng 10%. Tỉ lệ hộ nghèo của xã năm bắt đầu dự án là 17,3%, đến năm 2014 giảm còn 7,13%.
Ngoài những kết quả đã đạt được thì chính quyền và nông dân trồng rừng cũng còn gặp những khó khăn nhất định. Về tập quán và tư duy canh tác lạc hậu của nông dân là một khó khăn cơ bản, chưa tiếp cận với khoa học kỹ thuật.
Về giống cây trồng cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền các cấp để đảm bảo được chất lượng cây trồng. Diện tích địa bàn rộng nên gây khó khăn cho công tác đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo. Một số mô hình lồng ghép vào thực hiện dưới tán rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thực hiện, công tác tập huấn cho nông dân còn ít.
Về công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng cũng được các cấp chính quyền trong huyện, đi đầu là Hạt kiểm lâm đặc biệt quan tâm, hàng năm hạt phối hợp với chính quyền xã tổ chức mở các lớp tập huấn cho lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ và bà con nông dân. Luôn chủ động sử dụng phương châm 04 tại chỗ nếu xảy ra đám cháy. Huyện chủ động đầu tư kinh phí mua sắm các trang thiết bị chữa cháy để trang bị cho các địa phương.
Như vậy, chính sách phát triển rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và phát triển rừng bền vững của Chính phủ đã đem lại hiệu quả to lớn về các mặt cho bà con nhân dân trong xã nói riêng và người nông dân trồng rừng trên cả nước nói chung. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa với người trồng rừng bằng cách cho vay vốn tín dụng ưu đãi, giãn nợ cho nông dân.
Có được những kết quả trên, trước tiên phải kể đến sự quan tâm của UBND tỉnh, UBND huyện đã cho xã Thành Long được tham gia dự án và đặc biệt là chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách phù hợp của Nha nước, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Ban quản lý dự án các cấp từ Trung ườn đến địa phương, đặc biệt hơn cả là sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của nhân dân trong xã đã vượt qua khó khăn, không quản thời tiết nắng mưa cần cù lao lao động để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bài, ảnh: Xuân Tá