BVR&MT – Sáng 30/ 9, UBND huyện Nam Sách phối hợp với Sở Công thương tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị kết nối, tiêu thụ cá lồng năm 2021.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Hải Dương; ông Hồ Ngọc Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Sách; ông Vương Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND Huyện cùng một số đồng chí lãnh đạo, đơn vị thu mua và đại diện các hộ nuôi cá lồng tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng đã giới thiệu tiềm năng, những thế mạnh và kết quả đạt được trong thời gian vừa qua. Ông Thơm cho biết, dựa vào lợi thế của sông Kinh Thầy, sông Thái Bình, năm 2010 chỉ có manh nha 02 hộ dân với 10 lồng nuôi tại xã Nam Tân đi đầu mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên sông. Năm 2012, có 06 hộ nuôi với 221 lồng tại 2 xã Nam Tân, Thanh Quang. Năm 2012, có 10 hộ nuôi với 262 lồng. Do hiệu quả mang lại từ nuôi cá lồng có năng suất và giá trị cao hơn so với cá nuôi tại ao, hồ nên số hộ nuôi cá ngày càng tăng và số lồng ngày càng mở rộng sang các xã ven đê. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 97 hộ nuôi cá lồng trên sông với tổng 2517 lồng tại 09 xã trên toàn huyện. Tính đến tháng 9/ 2021, toàn huyện có 105 hộ nuôi với tổng số lồng cá lên đến 2.822 lồng nuôi.
Về năng suất, sản lượng, ông Thơm cũng cho biết thêm: Trung bình 01 lồng nuôi thu hoạch từ 5 -7 tấn, tương đương 01 ha ao nuôi thâm canh cao. Các chủ lồng đã tập trung nuôi giãn cách theo các đợt để tạo điều kiện quay vòng vốn, đảm bảo nguồn hàng không bị kham hiếm. Năm 2020, tổng sản lượng cá nuôi trong toàn huyện thu được từ nuôi cá lồng khoảng 7.400 tấn; 9 tháng đầu năm 2021 sản lượng đạt 3.300 tấn. Đến hết tháng 9 năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên mới tiêu thụ được khoảng 884 tấn, sản lượng đến kì thu hoạch còn khoảng 2.614 tấn cá.
Để chắp cánh cho thương hiệu cá lồng Nam Sách ngày càng vươn xa hơn, trong thời gian tới, UBND Huyện Nam Sách đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hộ đang nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy và sông Thái Bình, yêu cầu các hộ triển khai nuôi cá lồng thực hiện đúng quy định của tỉnh, phòng Nông nghiệp đã triển khai trực tiếp đến các xã về quy trình xây dựng hồ sơ của các hộ nuôi cá lồng trên sông theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc đối với cá lồng Nam Sách.
Tăng cường kiếm tra, hướng dẫn và chỉ đạo các hộ nuôi cá lồng thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường, đê điều, an ninh trật tự ven địa bàn; định kỳ 06 tháng 1 năm đánh giá hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá lồng tại địa phương để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, phòng Kinh tế – Hạ tầng, Tài nguyên Môi trường sớm hoàn thiện quy hoạch vùng trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các hộ xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến hiệu quả của công tác, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tiêu thụ cá lồng nói riêng và các mặt hàng nông sản của tỉnh nói chung. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại Hải Dương có điều kiện giao lưu, ký kết các hợp đồng kinh tế, định hướng phát triển sản xuất kinh doanh trong nước, cũng như tiếp cận thị trường và đối tác thương mại trên thế giới….
Quỳnh Anh
Nam Sách là huyện nằm phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, phía Đông giáp Thị xã Kinh Môn, phía Nam giáp thành phố Hải Dương, phía Tây giáp Thị xã Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh), phía Bắc giáp với thành phố Chí Linh. Huyện có 18 xã và 1 thị trấn, được bồi đắp một lượng phù sa lớn bởi 40km sông Kinh Thầy và Thái Bình. Có dòng chảy tự nhiên từ các sông thượng nguồn chảy về. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Khí tượng Thủy văn và Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương, các con sông này vào mùa lũ có lưu lượng nước lớn nhất từ 2.900 – 3.100m³/s, lưu lượng bình quân 1000 – 1200m³/ s, lượng phù sa vào mùa lũ 960 – 1.100kg/s… Vị trí địa lý và thiên nhiên ưu ái ban tặng các điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, nhất là việc nuôi cá lồng trên sông. |