BVR&MT – Đầu tháng 6 vừa qua, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đưa ra cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng” săn trộm voi mới đang dần bùng nổ tại Myanmar. Những con voi hoang dã vốn bị săn trộm để lấy sừng, nay còn rơi vào tầm ngắm bởi bộ da của chúng. Da voi sống được sử dụng trong các phương thuốc truyền thống hoặc chế tạo thành các loại trang sức.
Theo tiết lộ của WWF, kể từ năm 2013, hơn 100 con voi đã bị giết để lấy da. Chỉ trong vài tháng đầu năm nay, ít nhất 20 con voi đã bị giết, vượt quá số voi bị săn trộm trung bình hàng năm tại Myanmar. Mỗi con voi bị giết bằng tên độc, sau đó bị lột sạch da hoặc được giấu xác để tiến hành lột da về sau.
Ông Rohit Singh, Chuyên gia Thực thi Luật về Động vật Hoang dã Toàn cầu tại WWF cho biết, trên thực tế, da voi vốn vẫn được buôn bán trên thị trường trong vài năm qua, nhưng gần đây nhu cầu mới thực sự tăng mạnh, trong khi nguyên nhân vẫn còn là ẩn số.
Chỉ còn chưa đến 2.000 con voi hoang dã tồn tại trên lãnh thổ Myanmar. Các nhà bảo tồn cảnh báo, nhu cầu da voi tăng đột biến nhất thời hiện nay có thể khiến quần thể ít ỏi này tan rã.
Nạn săn voi lấy ngà tại các nước châu Á thường nhắm tới những con voi đực có ngà. Tại Myanmar, điều này dẫn đến chênh lệch tỷ lệ voi đực-voi cái khá lớn trong tự nhiên. Thế nhưng hiện nay, với nhu cầu da và răng voi ngày càng gia tăng, những con voi mẹ và voi con cũng không tránh khỏi số phận bị sát hại, khiến sự sống còn của loài vật này càng trở nên nguy cấp. “Cần lập tức ngăn chặn cuộc khủng hoảng này, trước khi những đàn voi hoang dã Myanmar mất đi khả năng sinh sản tự nhiên”, ông Singh nhấn mạnh.
Xu thế săn trộm voi lấy da càng được dung túng bởi thực trạng thực thi luật yếu kém. Đến với khu chợ Golden Rock tại Myanmar, người ta dễ dàng tìm thấy vô số các cửa hàng bày bán một cách phô trương những miếng da voi chỉ với giá vài USD mỗi inch vuông. Chìa khóa cho cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp chính là đóng cửa những thị trường như vậy, cùng lúc tăng cường bảo vệ những con voi còn sót lại.
Ông Singh cho hay, trước mắt cần bố trí đội ngũ kiểm lâm được đào tạo bài bản và trang bị vũ khí tại các khu vực trọng điểm, nơi thường xảy ra các vụ săn trộm. Trong trung hạn và dài hạn, cần thêm nhiều nỗ lực khác để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Myanmar và trong khu vực. Riêng tại Myanmar, WWF dự kiến sẽ đấu tranh nhằm đóng cửa các thị trường trọng điểm nơi buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Một chiến dịch có tên #SaveTheirSkins (cứu lấy bộ da của voi) nhằm tuyên truyền chống lại nạn săn voi cũng vừa được tổ chức này khởi động.
Minh Anh/ Theo Mongabay