BVR&MT – Theo báo cáo mới của Liên hợp quốc, nạn buôn bán động vật hoang dã đã giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tuy nhiên với tình hình dịch bệnh đang được dần kiểm soát và các biên giới được nới lỏng sẽ tạo điều kiện cho những kẻ buôn lậu quay trở lại buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Cũng theo báo cáo này, các nhà chức trách tại Đông Nam Á cần phải hành động nhanh chóng đưa ra một số giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu các hoạt động hủy hoại môi trường tự nhiên và nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai.
Mạng lưới của những kẻ buôn bán động vật hoang dã đã bị gián đoạn khi tất cả các nước đóng cửa biên giới và thắt chặt giám sát do đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái.
Đến thời điểm hiện tại, nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định chính xác. Đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi có nhiều chợ bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Và hiện nay, nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã như vảy tê tê, mật gấu, sừng tê giác cũng đột ngột giảm xuống, khi mọi người đã nhận thức được rõ hơn về các bệnh lây truyền từ động vật.
Tuy nhiên, những thay đổi này chỉ là tạm thời và các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng lâu dài về nạn buôn bán động vật hoang dã, Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cảnh báo các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực.
Ông Jeremy Douglas, đại diện của UNODC khu vực Đông Nam Á và hâu Á Thái Bình Dương cho biết, đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho các nhà chức trách ngăn cản người tiêu dùng và kìm hãm đường dây cung cấp của những kẻ buôn bán bất hợp pháp.
Nhưng dịch bệnh đang dần được kiểm soát ở nhiều quốc gia, các vụ mua, bán động vật và các sản phẩm từ động vật bất hợp pháp đã bắt đầu tăng lên, do đó cần duy trì các cuộc kiểm tra biên giới giữa các nước phải nghiêm ngặt hơn.
Đông Nam Á là một trong những khu vực có nhiều loài sinh vật nhất thế giới và từ lâu đã trở thành điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã. Tê giác bị giết để lấy sừng, cá sấu được nuôi để lấy da, rái cá và các loài chim bị bắt làm vật nuôi, gỗ hồng mộc bị khai thác trái phép, đây là những loài thường xuyên được trao đổi mua bán.
Theo Traffic, tổ chức phi chính phủ về động vật hoang dã cho biết, các quốc gia Đông Nam Á đóng vai trò là nguồn cung cấp, tiêu thụ và là trung tâm vận chuyển động vật hoang dã trong khu vực ra các nước khác.
Mặt khác, nhu cầu cao đối với các sản phẩm động vật bất hợp pháp ở các nước như Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan, nơi chúng được sử dụng trong y học cổ truyền hoặc tiêu thụ trực tiếp.
Một số chính phủ trong khu vực đã xem đại dịch Covid-19 như một cơ hội để áp đặt các lệnh cấm rất cần thiết đối với việc buôn bán động vật hoang dã. Khi đại dịch đang hoành hành khắp nơi trên thế giới vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm ngay lập tức đối với việc tiêu thụ thịt thú rừng và một số hoạt động buôn bán động vật hoang dã, trong khi đó Việt Nam cũng đã tăng cường thực thi luật chống buôn bán động vật bất hợp pháp vào tháng 7 năm đó.
Các chính sách như vậy cũng đã có hiệu quả trong việc giảm nhu cầu đáng kể về việc mua bán trái phép động vật. Tuy nhiên, các hoạt động thực thi pháp luật gần đây ở Trung Quốc và Việt Nam cho thấy những kẻ buôn bán trái phép đã một lần nữa bắt đầu chuyển vảy tê tê và một số loài khác qua biên giới trong năm nay.
Việc săn bắt động vật hoang dã và khai thác các sản phẩm động vật bất hợp pháp không hoàn toàn dừng lại trong thời kỳ đại dịch xảy ra. UNODC đã tìm thấy bằng chứng về việc các sản phẩm động vật hoang dã đang được tích trữ cho đến khi giá cả và nhu cầu phục hồi.
Các nhân viên kiểm lâm ở khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới cũng cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng săn bắn tự cung tự cấp do tác động của đại dịch làm mất việc làm và kinh tế buộc con người phải chuyển sang săn bắt trong rừng để sinh tồn.