BVR&MT – Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở TP HCM, cùng với nỗ lực khoanh vùng, dập dịch, Hà Nội đang tập trung nâng cao năng lực điều trị và chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi số ca bệnh tăng lên. Đồng thời triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử kéo dài từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022 cho 5,1 triệu dân tại Hà Nội theo thứ tự ưu tiên sau đó mở rộng ra các đối tượng khác.
Hàng trăm ngàn liều vaccine phòng Covid-19 của Moderna, Pfizer, Astrazeneca sẽ được phân bổ cho các quận, huyện, thị xã và trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC thành phố. Bệnh viện E là một trong nhiều địa điểm tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho hàng ngàn nhân viên của các nhân viên của các công ty, cơ quan, tổ chức, ban ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước mỗi buổi tiêm, bệnh viện thực hiện khử khuẩn đầy đủ, đảm bảo các quy định về phòng, chống Covid-19, cơ sở vật chất phục vụ tổ chức tiêm được sắp xếp, bố trí đảm bảo khoảng cách an toàn cũng như các biện pháp phòng, chống dịch đối với người tham gia công tác tổ chức và người đến tiêm. Bệnh viện cũng được phân chia, bố trí nhiều khu vực khác nhau như: khu vực chờ, khu vực tiêm, khu vực theo dõi sau tiêm để thuận tiện cho cả bác sĩ và người dân. Nhân viên y tế được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và khẩn trương triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.
Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.vn, người dân đến tiêm vaccine tại Viện E rất đông, xếp thành hàng dài. Do vậy nhân viên của bệnh viện phải cơ động, liên tục dùng loa để nhắc nhở mọi người giữ đúng khoảng cách, đảm bảo thực hiện 5K. Trước khi tiêm, người dân phải khai báo y tế thông qua mã QR code. Sau đó, di chuyển đến phòng chờ để bác sĩ thực hiện các bước sàng lọc về thông tin dịch tễ, kiểm tra thân nhiệt, đo huyết áp và các bệnh lý nền. Sau tiêm, người dân ở lại bệnh viện để theo dõi các phản ứng sau tiêm tối thiểu 30 phút để bác sĩ xử lý kịp thời các biến chứng nặng sau tiêm như sốc phản vệ (Nổi mề đay, phù mạch nhanh; Khó thở, tức ngực, thở rít; Đau bụng hoặc nôn; Tụt huyết áp hoặc ngất; Rối loạn ý thức). Nếu xảy ra những sự cố đó, người dân ngay lập tức sẽ được sơ cứu, điều trị và hưởng đầy đủ các chính sách của bảo hiểm y tế trong thời gian tiêm chủng Covid-19. Tuy nhiên, hầu hết tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là những phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng “giả cúm” như: đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh… Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng. Theo các chuyên gia, phản ứng sau tiêm chủng vắc xin phòng virus corona thậm chí là có lợi vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, tại các điểm tiêm chủng tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất trật tự, không bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Các cấp cần phối hợp với lực lượng y tế để xây dựng kế hoạch, kịch bản để phân bố lượng người đến tiêm vaccine theo khung giờ, theo ngày một cách phù hợp. Người dân khi đi tiêm cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự giác thực hiện đầy đủ 5k để bảo vệ chính bản thân cũng như bảo vệ mọi người xung quanh.
Tuyết Lan (Phòng Chuyên đề Media TV)