BVR&MT – Cuộc chiến nào cũng mang đến đau thương và mất mát, dịch bệnh nào cũng đem lại tổn thất to lớn cho nhân loại. Đại dịch Covid -19 diễn ra trên toàn cầu gây ra nhiều khó khăn, Việt Nam không ngoại lệ cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Người mất, việc mất, kinh tế bị thiệt hại nặng nề, lực lượng tuyến đầu và những bệnh nhân nhiễm Covid phải gắng mình chống chọi.
Đất nước ta đồng lòng, coi cuộc chiến chống dịch như chống giặc, người người chống dịch, nhà nhà chống dịch, cùng nhau đoàn kết chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những người anh hùng của tuyến đầu chống dịch vô cùng vất vả với nguy cơ lây nhiễm cao vì hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người và các bệnh nhân F0. Họ tạm gác đi những công việc cá nhân, tạm gác niềm vui bên gia đình nhỏ để xung phong vào tuyến đầu chống dịch với hy vọng bệnh nhân mau khỏi, dịch bệnh mau qua đi, đất nước được quay lại cuộc sống yên bình như ngày chưa có giặc “Covid-19”.
Thấu hiểu sự vất vả và sự hy sinh cao quý đó, một nhóm những người từ thiện đã thành lập Bếp yêu thương – Cơm Yêu thương do anh Đặng Như Quỳnh khởi sướng. Bếp yêu thương – Cơm yêu thương ra đời từ khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, đến nay được gần 2 năm vẫn đều đặn cung cấp những suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch.
Mở đầu là cung cấp suất ăn cho CDC Hà Nội, sau thêm Bệnh Viện K lúc giãn cách, lực lượng cấp cứu 115, Viện Y Hà Nội chỗ tiêm chủng, Bệnh viện Bạch Mai cho các y bác sỹ, nay thêm Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và các tuyến đầu được đề xuất.
Địa điểm làm nấu ăn phục vụ cho công tác thiện nguyện hiện nay là nhà hàng Gió Sơn Cước do chị Vũ Thị Hiển làm chủ. Dịch bệnh kéo dài, có diễn biến phức tạp, nhà hàng đã phải dừng lại, chị đề xuất với mọi người trong nhóm lấy địa điểm này và tận kêu gọi anh em đầu bếp có tâm huyết và tinh thần thiện nguyện để cùng nhau nấu lên những xuất ăn đủ dinh dưỡng nhất cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Chị Vũ Thị Hiển – Nhóm từ thiện Bếp yêu thương – Cơm yêu thương chia sẻ với Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn : “Mình đã có duyên và đồng hành cùng bếp yêu thương để mang những bữa ăn ngon tới các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Mình mong muốn được góp chút công sức nhỏ bé để chia sẻ với xã hội trong lúc khó khăn, dịch bệnh hoành hành. Khi hoạt động, nhóm tuân thủ chỉ thị 5k và vệ sinh an toàn thực phẩm để mang đến cho tuyến đầu những bữa ăn đúng nghĩa, đảm bảo. Đây là chút tấm lòng nhỏ của người Hà Nội nói riêng và tất cả những mạnh thường quân có tầm lòng muốn gửi gắm đến tuyến đầu chống dịch”.
Nhóm Bếp yêu thương – Cơm yêu thương có hơn chục người thường trực tham gia. Mỗi người đều có một công việc khác nhau nhưng đều chung đam mê từ thiện và mong muốn góp chút sức nhỏ bé của mình vào công tác chống dịch. Họ sắp xếp công việc cá nhân hàng ngày và đến nhà hàng từ sớm để nấu những suất ăn ngon nhất, đủ dinh dưỡng nhất gửi đến lực lượng tuyến đầu.
Anh Lê Ngọc Luân – Đầu Bếp Nhóm Từ Thiện Bếp Yêu Thương – Cơm Yêu Thương chia sẻ: “Công việc nhìn chung cũng tương đối vất vả nhưng chúng tôi làm bằng niềm vui và tấm lòng và cảm thấy ý nghĩa trong giai đoạn đất nước khó khăn. Anh em trong nhóm Bếp Yêu Thương chung tay cố gắng hết sức, làm những món ăn thật ngon để gửi tới các y bác sĩ tuyến đầu”.
Công việc như một guồng máy quen thuộc, người đứng đầu quan sát, phân công việc cho từng người cụ thể, người rửa rau, người thái thịt, người, xào, người nấu trong không khí vui vẻ, cứ như thế chỉ sau vài giờ đồng hồ những suất cơm thơm ngon được chia đều và đóng gói để chuyển đến các nhân viên y tế đang tham gia chống dịch. Nguồn thực phẩm để chế biến ra những món ăn được những người đầu bếp chuyên nghiệp của nhà hàng Gió Sơn Cước lựa chọn kỹ lưỡng và tươi ngon. Thực đơn liên tục thay đổi phong phú theo từng bữa ăn, giúp mọi người ngon miệng hơn.
Hiện nay nhà hàng chế biến, đóng gói từ 600-700 suất, có ngày cao điểm lên đến gần 1000 suất cơm. Sau khi thực phẩm được chế biến hoàn thiện, một số tình nguyện viên tiếp tục hỗ trợ nhà hàng phân chia các suất ăn, đóng gói cẩn thận. Toàn bộ các suất ăn này sẽ được chuyển đến các địa chỉ đã được lên danh sách thống kê trước đó.
Mỗi ngày gần 1000 suất cơm, đều đặn duy trì gần 2 năm là một sự cố gắng lớn đối với những thành viên. Tuy nhiên việc làm của nhóm không đơn độc, nhiều mạnh thường quân, người dân khắp mọi nơi gửi về bếp từ mớ rau, con cá, củ khoai ngon nhất để bếp chế biến gửi tới các tuyến đầu chống dịch.
Rất nhiều lời động viên, lời cảm ơn, sự tri ân được gửi tới các thành viên trong nhóm. Đây là một nguồn động lực lớn để nhóm tiếp tục duy trì và phát huy tinh thần thiện nguyện của mình. Và hy vọng rằng sẽ có nhiều, có nhiều Bếp yêu thương – Cơm yêu thương hơn nữa để tri ân, tạo niềm động lực cho những y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Từ đó, tạo nguồn sức mạnh lớn của tinh thần dân tộc sớm ngày chiến thắng “giặc Covid-19”.
Xuân Quỳnh – Tuyết Lan