BVR&MT – Hà Nội đặt quyết tâm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm “vùng đỏ”; bảo đảm giữ vững, dần mở rộng “vùng xanh”, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống Covid-19 nêu rõ, kể từ ngày bắt đầu giãn cách: Trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
Chủ trương trên đang được TP Hà Nội triển khai khẩn trương, quyết liệt nhằm sớm trở lại trạng thái bình thường.
Ngay trong Công điện số 18 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP đã phân ra 3 vùng “xanh, da cam, đỏ” và chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp cần thiết cho từng điểm.
Tại các khu vực không có dịch – “vùng xanh”, Hà Nội đề nghị mỗi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết nên phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập “chốt bảo vệ vùng xanh (vùng không có dịch)” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên với sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra và phát huy được lực lượng quần chúng, nhân dân trong giữ gìn an toàn cho khu dân cư.
Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.
Thực hiện chỉ đạo của TP, với tinh thần lấy người dân làm nòng cốt, hàng loạt “vùng xanh” an toàn đang mở rộng khắp 30 quận huyện của Hà Nội, tạo thêm những “pháo đài” trong cuộc chiến chống Covid-19. Đến nay nhiều đơn vị đã thành lập hàng trăm chốt bảo vệ “vùng xanh” như Hoàng Mai hơn 400, Hoàn Kiếm gần 200, Ứng Hòa 145, Thanh Trì 219…
Các “vùng xanh” do các thôn, tổ dân phố, khu dân cư trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn.
Với các khu vực có nguy cơ “vùng da cam” gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh,… TP Hà Nội lưu ý chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận các ý kiến giám sát của nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở.
Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.
Riêng với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “vùng đỏ”, TP Hà Nội đặc biệt lưu ý chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất.
Người dân trong khu vực “vùng đỏ” phải chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.
Phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8
Nhằm kiểm soát dịch Covid-19, từ 9 – 17/8, Hà Nội tổ chức đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, 2 triệu test nhanh để sàng lọc, bóc tách mầm bệnh Covid-19 khỏi cộng đồng nhanh nhất.
Để thực hiện, TP phân chia đối tượng xét nghiệm theo nhóm nguy cơ.
“Nhóm đỏ”: Các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao. Các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân, bảo vệ các tòa nhà… và các khu vực nguy cơ cao khác. Đối tượng nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
“Nhóm da cam”: Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh… và các khu vực nằm trong vùng nguy cơ. Các đối tượng và các khu vực nguy cơ khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
“Nhóm xanh”: Các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh.
Nguyên tắc xét nghiệm là tập trung mọi nguồn lực của TP để ưu tiên theo nguyên tắc chính xác, an toàn, hiệu quả tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, cách ly “nhóm đỏ”, khu vực có nguy cơ “nhóm da cam” để trong thời gian nhanh nhất khống chế thu hẹp “nhóm đỏ”, các trường hợp có triệu chứng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (ho, sốt, khó thở…), các trường hợp nguy cơ cao, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người (lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, người giao hàng, người làm trong các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị…) để kịp thời chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, dần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Song song với việc ưu tiên xét nghiệm cho “nhóm đỏ” và “nhóm da cam”, việc xét nghiệm theo hộ gia đình tại “nhóm xanh” cũng cần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng “vùng xanh”.
Ngành y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm “vùng đỏ” (vùng có dịch), không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững “vùng xanh” hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, giãn cách xã hội là giải pháp tốt nhất tại thời điểm này. TP đã yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát các điều kiện, xây dựng phương án để bảo đảm sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch cũng như đời sống nhân dân trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu và phức tạp hơn.
Đối với các khu vực cách ly y tế, TP sẽ làm chặt hơn, đồng thời sẵn sàng phương án vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm vào từng nhà cho dân.
15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn. Nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nghiêm nguyên tắc “người cách ly với người”, “gia đình cách ly với gia đình”, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đấy”. Phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8 như đã đề ra trong Nghị quyết 86 của Chính phủ.