BVR&MT – Viện PG Economics vừa công bố báo cáo mới nhất “Các tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu từ năm 1996 – 2015” của các tác giả Graham Brookes và Peter Barfoot. Nội dung báo cáo đã cho thấy các lợi ích nổi bật về kinh tế và môi trường đối với 26 quốc gia canh tác cây trồng công nghệ sinh học hay cây trồng biến đổi gen.
Theo báo cáo của Viện PG Economics, công nghệ cải tiến trong nông nghiệp này đã góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trái Đất đồng thời cho phép nông dân có thể gieo trồng nhiều hơn và thu hoạch hiệu quả hơn. Đặc biệt, công nghệ này giúp xóa đói giảm nghèo cho gần 16,5 triệu người đặc biệt là các nông hộ nhỏ ở các quốc gia đang phát triển.
Theo Tiến sỹ Graham Brookes, Giám đốc Viện PG Economics, đồng tác giả nghiên cứu báo cáo cho biết: “Trong suốt 20 năm qua, nông dân đã có điều kiện tiếp cận và lựa chọn trồng cây theo công nghệ sinh học. Họ vẫn luôn duy trì và tiếp tục ứng dụng công nghệ này, đóng góp đáng kể cho việc duy trì nguồn cung cấp thực phẩm bền vững và gìn giữ môi trường sống xung quanh họ tốt hơn.”
Bản báo cáo cũng chỉ rõ, cây trồng công nghệ sinh học đã làm giảm đáng kể phát thải khí thải nhà kính trong nông nghiệp khi nông dân tiếp nhận và thực hành các phương thức canh tác bền vững hơn như giảm cày xới, giúp hạn chế bớt việc đốt nhiên liệu và lưu trữ carbon lại trong đất tốt hơn.
Theo nội dung bản báo cáo, nếu như cây trồng công nghệ sinh học không được trồng trong năm 2015, sẽ có thêm 26,7 tỷ kilogam carbon dioxide thải ra môi trường, tương đương với lượng phát thải của 11,9 triệu ôtô lưu thông trên đường.
Từ năm 1996 đến 2015, cây trồng công nghệ sinh học đã giúp giảm bớt phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật với khoảng 619 triệu kilôgam, đồng nghĩa với việc cắt giảm khoảng 8,1% lượng thuốc trên toàn cầu. Lượng cắt giảm này tương đương với lượng thuốc bảo vệ thực vật mà Trung Quốc sử dụng mỗi năm. Với việc giảm bớt lượng thuốc trừ sâu sử dụng, nông dân canh tác cây trồng công nghệ sinh học đã giúp giảm được 18,6% các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường.
Bằng việc kiểm soát sâu hại và cỏ dại tốt hơn, cây trồng công nghệ sinh học đã giúp nông dân tăng năng suất trồng trọt, từ đó tăng thu nhập và có cuộc sống tốt hơn.
Bản báo cáo cũng đưa ra con số cụ thể, năm 2015, lợi ích kinh tế thu lại được từ cây trồng công nghệ sinh học trên toàn cầu là 15,5 tỷ USD, tương đương với mức lợi nhuận trung bình tăng thêm khoảng 90 USD trên 1ha. Tính từ 1996 đến 2015, tổng thu nhập toàn cầu của nông dân ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học là 167,7 tỷ USD.
Đặc biệt, theo công bố của báo cáo này, hơn 20 năm qua, cây trồng công nghệ sinh học đã đóng góp thêm 180,3 triệu tấn đậu tương, 357,7 triệu tấn ngô, 355,7 triệu tấn ngô, 25,2 triệu tấn bông và 10,6 triệu tấn cải dầu canola.
Tiến sỹ Graham Brookes là một nhà kinh tế học và chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực nông nghiệp với 28 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Ông là chuyên gia trong việc phân tích tác động của công nghệ, ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách và hành lang pháp lý đối với phát triển nông nghiệp. Từ cuối những năm 1990, ông đã tiến hành một số các dự án nghiên cứu liên quan đến tác động của công nghệ sinh học nông nghiệp và viết nhiều bài về đề tài này cho các tạp chí chuyên ngành.
Những dự án và bài viết của ông đưa ra những kết quả nghiên cứu, các thông tin cập nhật và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu.